Tìm hiểu về viêm gan E (Hepatitis E)
Định nghĩa viêm gan E
Virus viêm gan E (Hepatitis E virus – HEV) là một loại herpesvirus với bộ gen thuộc loại RNA của họ Herpesviridae, không có vỏ bọc (nonenveloped). Loại virus này có đường kính khoảng 27- 34 nm, chứa một chuỗi đơn RNA với độ dài xấp xỉ là 7.500 base. Bộ gen chính của HEV vốn là một chuỗi RNA dương chứa 3 khung đọc mở (ORF). Trong đó, ORF lớn nhất sẽ chứa 1693 codon, được mã hóa cho những protein phi cấu trúc, có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành, nhân lên của HEV. Tiếp theo, ORF thứ hai sẽ bao gồm 660 codon, mã hóa cho những protein cấu trúc. Cuối cùng là ORF thứ ba bao gồm 123 codon, mang theo khả năng mã hóa cho một loại protein cấu trúc, tuy nhiên chức năng của loại khung đọc mở này vẫn chưa được xác định.
Viêm gan E là bệnh viêm gan do virus HEV gây ra. Virus được phát hiện trong phân và mật của những người nhiễm bệnh, bài tiết ra ngoài và lây truyền theo con đường phân – miệng.
Người bệnh nhiễm virus HEV có thể có những biểu hiện tổn thương tế bào gan từ nhẹ đến nặng, có thể diễn tiến lành tính và đào thải hoàn toàn khỏi cơ thể. Bệnh thường tự khỏi trong 4 – 6 tuần. Tuy nhiên, sự tổn thương tế bào gan lại trở nên nghiêm trọng, thậm chí có thể gây tử vong, được gọi là viêm gan tối cấp.
Nguyên nhân gây viêm gan E
Viêm gan E là một bệnh lý tổn thương tế bào gan cấp tính do virus HEV gây ra. Virus HEV lây truyền chủ yếu qua đường phân – miệng. Các hình thức truyền bệnh đã được xác định:
- Lây truyền qua nguồn nước uống bị ô nhiễm bởi phân chứa mầm bệnh
- Lây truyền từ thực phẩm có nguồn gốc từ động vật bị nhiễm bệnh mà không nấu chín
- Lây truyền từ thực phẩm sống trong nguồn nước hoặc được tưới tiêu từ nguồn nước chứa mầm bệnh mà không nấu chín
- Lây truyền qua đường máu
- Lây truyền dọc từ mẹ sang con trong quá trình mang thai.
Virus HEV phân bố khắp thế giới nhưng khu vực có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là khu vực nhiệt đới, đặc biệt là các nước kém phát triển với môi trường nước ô nhiễm và không xử lý đúng cách phân và chất thải. Virus HEV có trong phân, nước và rác thải, khi mưa lũ cuốn nước từ các vùng đất bẩn chứa virus đến nơi khác, đặc biệt là các vùng đất ven sông suối.
Virus HEV có nhược điểm là sức đề kháng rất kém với môi trường bên ngoài. Bạn chỉ cần đun sôi trong 1 – 2 phút là có thể tiêu diệt được virus.
Triệu chứng viêm gan E
Thời gian ủ bệnh sau khi bệnh nhân bị lây nhiễm virus viêm gan E trong khoảng từ 3-8 tuần, và trung bình là 40 ngày. Đặc biệt, những giai đoạn phát triển của bệnh trong thời gian lây nhiễm được cho là không rõ ràng.
Virus viêm gan E chính là nguyên nhân gây viêm gan cấp rời rạc và thành dịch. Trong đó, sự lây nhiễm HEV sẽ xuất hiện những triệu chứng thường gặp nhất trong độ tuổi từ 15-40 tuổi. Theo thống kê, sự lây nhiễm HEV phổ biến nhất tại trẻ em, và gần như không xuất hiện triệu chứng của bệnh, hoặc chỉ rất nhẹ, thường không có triệu chứng vàng da nên rất khó khăn trong chẩn đoán.
Những triệu chứng điển hình của bệnh lý do virus viêm gan E gây ra như:
- Biếng ăn (không có cảm giác ngon miệng)
- Vàng da (vàng mắt, vàng da, phân nhạt màu và nước tiểu sẫm màu)
- Gan phình to, ấn đau
- Buồn nôn và thường xuyên nôn mửa
- Sốt cao
Thông thường, các triệu chứng của bệnh viêm gan E sẽ rất khó phân biệt với các giai đoạn cấp của những bệnh viêm gan do virus khác gây nên, thường kéo dài 1-2 tuần. Trong những trường hợp hiếm gặp thì bệnh viêm gan E cấp tính sẽ dẫn đến tình trạng viêm gan tối cấp (tức là suy gan cấp) và có thể gây ra tử vong. Khảo sát cho thấy, phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai có tỷ lệ dễ mắc phải viêm gan tối cấp cao hơn so với người bình thường, có nguy cơ cao bị những biến chứng sản khoa và có thể bị tử vong vì viêm gan E. Đặc biệt, HEV có tỷ lệ tử vong khoảng 20% đối với thai phụ trong quý thứ ba của thai kỳ.
Phòng ngừa và điều trị viêm gan E
Phòng ngừa là phương pháp hiệu quả nhất chống lại sự lây nhiễm virus. Ở cấp độ cộng đồng, việc lây truyền HEV và viêm gan E có thể được giảm bớt bằng cách:
- Duy trì tiêu chuẩn chất lượng đối với nguồn cung cấp nước công cộng;
- Thiết lập hệ thống xử lý thích hợp cho phân người.
Ở cấp độ cá nhân, nguy cơ lây nhiễm có thể được giảm bớt bằng cách:
- Vệ sinh cá nhân kỹ lưỡng;
- Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn uống, trước khi chế biến thực phẩm và sau khi đi vệ sinh;
- Tránh tiêu thụ các loại nước uống và nước đá không rõ độ tinh khiết;
- Ăn chín, uống sôi;
- Rửa thực phẩm dưới vòi nước đang chảy, tránh ăn rau củ hoặc hoa quả chưa gọt vỏ;
- Do các thông tin về sự an toàn và khả năng tạo miễn dịch của vắc xin của virus HEV, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo chỉ nên sử dụng vắc xin HEV ở các nhóm nhỏ dân cư sống trong vùng dịch tễ có các đặc điểm sau: Trẻ em < 16 tuổi, phụ nữ có thai, người bệnh có bệnh gan mạn tính hoặc đang chờ ghép tạng.
Không có phương pháp điều trị cụ thể nào có khả năng thay đổi diễn biến của bệnh viêm gan E cấp tính. Vì bệnh thường tự giới hạn nên trong đa số trường hợp người bệnh không cần phải nhập viện. Điều quan trọng là tránh dùng các loại thuốc không cần thiết có thể ảnh hưởng xấu đến chức năng gan, đặc biệt là các thuốc nhóm acetaminophen.
Việc nhập viện là cần thiết đối với những người bị viêm gan tối cấp. Đối với phụ nữ mang thai có triệu chứng của viêm gan siêu vi, cần được xem xét nhập viện để theo dõi và xử trí kịp thời nếu bệnh diễn tiến xấu.
Với những người bệnh bị suy giảm miễn dịch mắc bệnh viêm gan E mạn tính, các chuyên gia trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm cho rằng phương pháp điều trị cụ thể với liều thấp thuốc ribavirin – một loại thuốc kháng virus, trong 3 tháng có thể cho thấy có thể giảm tải lượng virus HEV trong máu. Trong một số trường hợp khác, interferon cũng đã được sử dụng và mang lợi hiệu quả đáng mong đợi. Tuy nhiên, các thuốc này cần sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, kết hợp với chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý và ăn uống khoa học.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.