Ung thư túi mật là gì? Những điều cần biết về ung thư túi mật
Ung thư túi mật là một trong những loại ung thư hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa và sức khỏe tổng quát của người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quan về căn bệnh này, từ triệu chứng, nguyên nhân, đối tượng nguy cơ, cho đến các phương pháp chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị.
Tổng quan chung
Ung thư túi mật là ung thư xuất hiện ở túi mật.
Túi mật là một cơ quan nhỏ có hình giống quả lê nằm ở bên hạ sườn phải và ngay dưới gan. Túi mật có vai trò tiết ra dịch mật, dịch mật sẽ đi vào lòng ruột non giúp tiêu hóa chất béo.
Ung thư túi mật xảy ra khi các tế bào bên trong túi mật phải triển một cách không kiểm soát. Ung thư túi mật khá hiếm gặp, tuy nhiên nếu phát hiện ở giai đoạn đầu thì có khả năng chữa khỏi cao. Nhưng nhiều trường hợp ung thư túi mật ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng, cộng thêm vị trí của túi mật nhỏ bị che lấp bởi gan nên người bệnh chỉ phát hiện khi có những dấu hiệu ở giai đoạn muộn, vì thế việc điều trị và tiên lượng thường rất xấu.
Triệu chứng của ung thư túi mật
Những triệu chứng của ung thư túi mật thường không xuất hiện rõ hoặc bị che lấp cho tới khi bệnh diễn biến sang giai đoạn nặng. Một số triệu chứng của ung thư túi mật bao gồm:
- Đau bụng: nhất là phần trên ở bên phải bụng, thường bắt đầu từ hạ sườn phải sau đó lan sang khắp bụng
- Vàng da, củng mạc mắt cũng có màu vàng
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
- Sốt
- Buồn nôn, nôn: đôi khi nôn ra dịch mật có màu vàng, vị đắng
- Chướng bụng do dịch
- Nước tiểu đậm màu
- Người bệnh sờ vùng bụng phải có thể thấy khối u
Nếu ung thư túi mật lan ra, di căn đến các cơ quan xung quanh khác, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng ở cơ quan đó như sau:
- Phổi: có thể ho ra máu, khó thở, tràn dịch màng phổi,…
- Gan: đau hạ sườn phải,…
- Xương: đau trong xương, xương giòn dễ gãy bệnh lý,…
- Đau đầu, rối loạn nhận thức, động kinh,….
Phụ thuộc vào tính chất khối u, sự di căn mà ung thư túi mật được chia làm 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Tế bào ung thư chỉ nằm ở trong túi mật, không có sự di căn
- Giai đoạn 2: Tế bào ung thư xâm lấn những mô xung quanh, nhưng chưa di căn hạch và di căn xa
- Giai đoạn 3: Các tế bào ung thư đã có hiện tượng phát triển lấn ra bên ngoài túi mật, gây ra những ảnh hưởng gián tiếp tới các cơ quan khác nhưng chưa xảy ra di căn hạch hay di căn xa
- Giai đoạn 4: Tế bào ung thư đã di căn tới những cơ quan ở xa như phổi, não, xương
Nguyên nhân gây ung thư túi mật
Chưa xác định rõ nguyên nhân gây ung thư túi mật. Một số nguy cơ gây bệnh như:
- Polyp túi mật: khuyến cáo cắt bỏ các polyp túi mật lớn hơn 1cm vì có khả năng tiến triển thành ung thư
- Sỏi mật: sỏi mật là yếu tố nguy cơ phổ biến nhất của ung thư túi mật
- Hút thuốc lá: hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư túi mật
- Tiền sử gia đình: bệnh nhân có tiền sử gia đình có người mắc ung thư túi mật có nguy cơ cao mắc ung thư túi mật
- Tuổi: đa số bệnh nhân ung thư túi mật được chẩn đoán lớn hơn 70 tuổi
Đối tượng nguy cơ
Tất cả mọi đối tượng đều có nguy cơ mắc ung thư túi mật. Tuy nhiên, một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:
- Phụ nữ: ung thư túi mật xảy ra ở nữ gấp 2 lần ở nam
- Người cao tuổi: đa số bệnh nhân túi mật được chẩn đoán lớn hơn 70 tuổi
- Người có tiền sử sỏi mật, đặc biệt là những người bệnh có sỏi mật tái lại nhiều lần
- Người có tiền sử gia đình bị ung thư túi mật.
- Người lạm dụng các chất kích thích nhiều như rượu bia, thuốc lá,…
Chẩn đoán ung thư túi mật
Sau khi khai thác tiền sử bệnh và triệu chứng, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm . Xét nghiệm thường thấy bao gồm:
- Xét nghiệm sinh hóa: tăng nồng độ muối mật (bilirubin) trong máu, có thể tăng nồng độ muối mật trong nước tiểu (urobilirubin).
- Siêu âm: xem xét cấu trúc túi mật để tìm kiếm khối u.
- Xét nghiệm miễn dịch tế bào: gia tăng CA 19-9.
- Chụp X-quang, MRI, CT: giúp xác định hình dạng và kích thước của khối u cũng như mức độ xâm lấn của nó.
- Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP)
- Sinh thiết: là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán ung thư túi mật, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ ở khối u để làm sinh thiết.
Phòng ngừa bệnh ung thư túi mật
Chế độ dinh dưỡng
- Có chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, tham khảo chế độ dinh dưỡng từ chuyên gia dinh dưỡng.
- Tránh ăn những đồ ăn nhanh, dầu mỡ.
Chế độ sinh hoạt:
- Duy trì lối sống khỏe, tập luyện thể dục thể thao đều đặn, hạn chế căng thẳng, stress,…
- Khám sức khỏe tổng quát định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe cũng như diễn biến của bệnh để bác sĩ có hướng điều trị phù hợp
- Tuân thủ các hướng dẫn điều trị của bác sĩ, liên hệ ngay với bác sĩ khi có những biểu hiện bất thường trong quá trình điều trị.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ:
Phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.
Điều trị ung thư túi mật như thế nào
Phương pháp điều trị ung thư túi mật sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh, các giai đoạn tiến triển cũng như sức khỏe của người bệnh.
Phẫu thuật
- Phẫu thuật cắt túi mật: đối với bệnh nhân ung thư túi mật giai đoạn đầu không có di căn tới các cơ quan khác chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ khối u.
- Phẫu thuật cắt bỏ túi mật và một phần gan nhỏ: đối ung thư túi mật đã có sự xâm lấn sang một phần nhỏ của gan.
Trường hợp ung thư túi mật nhỏ và có thể được loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật thì bệnh nhân không cần điều trị bổ sung. Nếu sau phẫu thuật mà tế bào ung thư vẫn còn mà chưa được loại bỏ hoàn toàn thì bác sĩ có thể chỉ định phương pháp khác để điều trị.
Hóa trị
- Điều trị bằng hóa chất là phương pháp điều trị đầu tiên cho những bệnh nhân ung thư túi mật không cắt bỏ được, thường được chỉ định để ngăn chặn khối u tái phát.
- Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo điều trị Capecitabine (Xeloda) 6 tháng sau phẫu thuật
Xạ trị
Xạ trị được chỉ định bổ sung sau phẫu thuật giúp tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại.
Xạ trị có thể được chỉ định bổ trợ trước phẫu thuật giúp giảm kích thước khối u, từ không thể phẫu thuật thành có thể phẫu thuật.
Ung thư túi mật là một căn bệnh nguy hiểm nhưng có thể được kiểm soát nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc nắm bắt các triệu chứng, hiểu rõ nguyên nhân và thực hiện các biện pháp phòng ngừa là vô cùng quan trọng. Nếu bạn hoặc người thân có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ, hãy đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và chẩn đoán kịp thời. Chúng tôi hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về ung thư túi mật và cách bảo vệ sức khỏe của mình.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.