Ung thư thực quản là gì? Những điều cần biết về ung thư thực quản
Ung thư thực quản theo thống kê đáng buồn từ Globocan 2020, tại Việt Nam đang ở mức báo động với hơn 3200 ca mắc mới mỗi năm, và con số tử vong cũng lên đến hơn 3000 ca. Đáng chú ý hơn, tỷ lệ nam giới mắc bệnh cao gấp nhiều lần nữ giới.
Tổng quan Chung
Thực quản là một ống tiêu hóa chứa thức ăn và các chất lỏng đi từ họng xuống dạ dày. Các tuyến của thực quản chế tiết ra các chất nhầy giúp làm ẩm đường dẫn thức ăn và thức ăn có thể đi xuống dạ dày dễ dàng hơn.
Ung thư thực quản là khối u ác tính xuất phát từ các tế bào biểu mô của thực quản.
Bao gồm hai loại chính là ung thư biểu mô vảy và ung thư biểu mô tuyến. Ung thư biểu mô vảy xuất phát từ tế bào dạng biểu bì ở thành thực quản và thường xuất phát ở phần trên và giữa thực quản. Ung thư biểu mô tuyến thường phát triển từ tổ chức tuyến ở phần dưới thực quản.
Triệu chứng
Một số triệu chứng có thể dễ dàng nhận biết của Ung thư thực quản mà người bệnh cần lưu tâm để có biện pháp phát hiện sớm và phòng ngừa.
- Nuốt nghẹn: là triệu chứng dễ cảm nhận và gặp ở đa số bệnh nhân ung thư thực quản. Lúc đầu, bệnh nhân thường có biểu hiện khó nuốt nhưng không cảm thấy đau. Khi bệnh nặng hơn, khó nuốt sẽ kèm thêm đau. Lúc đầu, bệnh nhân chỉ khó nuốt với thức ăn rắn, về sau khó nuốt với cả thức ăn lỏng, thậm chí nuốt nước bọt cũng thấy đau và khó thực hiện.
- Thường xuyên có hiện tượng chảy nước bọt kèm theo hơi thở mùi hôi khó chịu, ợ hơi, sặc khi ăn uống.
- Sụt giảm cân rõ rệt, xảy ra tình trạng mất nước và dần dần là suy kiệt do không ăn và nuốt được.
- Thường xuyên bị đau lưng, phía sau xương ức hoặc hai xương bả vai.
- Có thể cảm thấy rát họng, ho kéo dài, thậm chí ho ra máu.
- Thường xuyên cảm thấy nôn, buồn nôn.
- Các biểu hiện khác có thể bắt gặp khi khối u phát triển như tức nặng, cảm giác vướng vùng họng, khó thở, khạc đờm, khàn giọng,…
Nguyên nhân
Cho đến hiện tại, chưa có yếu tố nào được xác định rõ ràng là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư thực quản. Bệnh có thể xuất phát từ các yếu tố nguy cơ sau:
- Thói quen uống rượu, bia:
- Hút thuốc lá:
- Chế độ ăn uống:
- Sử dụng các loại thực phẩm chứa Nitrosamin như dưa muối, cá muối, thực phẩm đóng hộp… hoặc một số loại nấm sản sinh độc tố như Aflatoxin.
- Đồ uống và thực phẩm chế biến ở nhiệt độ cao: sử dụng thực phẩm chế biến ở nhiệt độ cao trên 60 độ C có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư biểu mô tế bào gai thực quản do nhiệt độ cao gây tổn thương niêm mạc thực quản.
- Thói quen nhai trầu, cau: thói quen nhai trầu cau ở một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam có thể gây ung thư thực quản.
- Chế độ ăn thiếu chất xơ, vitamin từ các loại rau, trái cây.
- Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD – Gastrointestinal reflux disease) và bệnh Barrett thực quản
- Béo phì
- Nhiễm virus u nhú gai ở người (HPV – Human Papilloma Virus)
- Tiền căn cắt dạ dày.
- Viêm teo dạ dày
- Các bệnh lý/tổn thương thực quản khác: Một số bệnh lý như Achalasia (co thắt tâm vị) làm tăng nguy cơ ung thư thực quản gấp 16 lần, hoặc người bị bỏng thực quản do hóa chất (như nước giặt quần áo) cũng có thể mắc ung thư thực quản nhiều năm sau.
- Tiền căn bệnh lý ung thư khác: Các bệnh ung thư vòm hầu, hốc miệng, khẩu hầu, ung thư thanh quản, ung thư phổi… cũng tăng nguy cơ ung thư thực quản.
- Yếu tố di truyền: Bệnh Barrett thực quản gia đình, hội chứng Peutz-Jeghers, hội chứng Bloom, thiếu máu Fanconi, Tylosis (một bệnh lý di truyền hiếm gặp gây dày sừng da lòng bàn tay, bàn chân)…
Đối tượng nguy cơ
- Thói quen hút thuốc lá: Nam giới có tỷ lệ hút thuốc lá cao hơn nữ giới, đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư thực quản.
- Tuổi: ung thư thực quản thường gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi, phần lớn các bệnh nhân mắc bệnh ở tuổi 50, 60.
- Uống rượu bia nhiều: Rượu bia, đặc biệt khi kết hợp với hút thuốc lá, càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản.
- Chế độ ăn uống thiếu khoa học: Những người thừa cân, béo phì sẽ có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn. Thiếu hụt vitamin và khoáng chất, ăn nhiều thịt đỏ, đồ muối chua, đồ nướng… cũng góp phần gia tăng nguy cơ ung thư.
- Virus HPV: Một số nghiên cứu cho thấy virus HPV, loét thực quản kéo dài làm tăng nguy cơ bị ung thư thực quản. Tổ chức ở đáy thực quản có thể bị hoại tử nếu dịch vị dạ dày thường xuyên bị trào ngược lên thực quản hay gặp trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Các tế bào ở thực quản thay đổi nhiều và bắt đầu trở nên giống các tế bào ở dạ dày, đây là một tổn thương tiền ung thư và có thể phát triển thành bệnh ung thư biểu mô tuyến của thực quản.
- Yếu tố di truyền: Nếu gia đình có người mắc ung thư thực quản, bạn cũng có nguy cơ cao hơn so với người bình thường.
- Bệnh nhân từng có tiền sử mắc các bệnh ung thư ở vùng đầu cổ
Chẩn đoán
Khoảng 50% người bệnh được chẩn đoán ung thư thực quản ở giai đoạn muộn, khiến việc điều trị trở nên khó khăn và tốn kém, đồng thời ảnh hưởng đến tiên lượng sống của người bệnh. Vì vậy, cần kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần hoặc đi khám bệnh sớm khi có những dấu hiệu bất thường. Điều này giúp chẩn đoán khi bệnh còn ở giai đoạn sớm, nâng cao hiệu quả của điều trị, cải thiện tiên lượng sống cho người bệnh.
Các phương pháp cận lâm sàng có thể được thực hiện trong quá trình chẩn đoán ung thư thực quản bao gồm:
- Nội soi thực quản
- Chụp cắt lớp vi tính (CT-scan)
- Trong một số tình huống cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm khác như MRI não (nghi ngờ di căn não), xạ hình xương (nghi ngờ di căn xương), PET/CT, nội soi ổ bụng, nội soi lồng ngực…
- Dấu ấn sinh học ung thư: Xét nghiệm máu có thể phát hiện CEA, CA 19-9 tăng cao. Tuy nhiên, các dấu ấn sinh học không có vai trò quan trọng trong chẩn đoán ung thư thực quản, do các chỉ số này cũng có thể tăng đối với các bệnh lý khác. Vì vậy, dấu ấn sinh học ung thư thường chỉ được dùng để theo dõi sau điều trị.
Phòng ngừa bệnh
Hãy bảo vệ bản thân khỏi căn bệnh ung thư thực quản quái ác bằng cách:
- Ăn uống điều độ, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, duy trì cân nặng phù hợp với thể trạng;
- Hạn chế ăn các thực phẩm lên men, muối chua, thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn;
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây;
- Không sử dụng thuốc lá, rượu bia;
- Tiêm vắc xin phòng HPV.
Điều trị ung thư thực quản
Ung thư thực quản là một bệnh có thể điều trị được nhưng hiệu quả không cao do người bệnh thường đến ở giai đoạn muộn, khi ung thư đã lan rộng. Các phương pháp chính trong điều trị ung thư thực quản là: phẫu thuật, xạ trị, hoá trị, miễn dịch; có thể kết hợp đa mô thức phụ thuộc vào từng người bệnh
Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt bỏ khối u có thể sử dụng đơn thuần hoặc kết hợp với các phương pháp khác nhau. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, nhờ hệ thống nội soi thế hệ mới sẽ phát hiện u rất nhỏ, giới hạn ở niêm mạc của thực quản sẽ được cắt u tại chỗ qua nội soi bằng phương pháp cắt niêm (EMR) hoặc dưới niêm (ESD)
Hóa trị, điều trị đích, điều trị miễn dịch
Thuốc hóa trị thường được sử dụng trước hoặc sau phẫu thuật ở những người bị ung thư thực quản. Hóa trị cũng có thể được kết hợp với xạ trị. Ở những người bị ung thư giai đoạn muộn, hóa trị có thể được sử dụng đơn thuần để giúp làm giảm các triệu chứng gây ra bởi ung thư. Với người bệnh ở giai đoạn này có thể sử dụng thuốc điều trị đích hoặc điều trị miễn dịch mang lại hiệu quả cao hơn cho người bệnh.
Xạ trị
Xạ trị thường được kết hợp với hóa trị ở những người bị ung thư thực quản không thể phẫu thuật được. Xạ trị cũng được sử dụng để làm giảm các biến chứng của bệnh ung thư thực quản tiến triển.
Ung thư thực quản là một căn bệnh nghiêm trọng nhưng có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Việc duy trì lối sống lành mạnh, tránh xa thuốc lá và rượu bia, kiểm soát tốt bệnh trào ngược dạ dày-thực quản và khám sức khỏe định kỳ là những biện pháp quan trọng để giảm nguy cơ mắc bệnh. Nếu bạn hoặc người thân có các triệu chứng nghi ngờ, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Sự chủ động và ý thức cao trong việc bảo vệ sức khỏe sẽ giúp bạn và gia đình luôn mạnh khỏe và hạnh phúc.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.