Triệu chứng của bệnh ung thư cổ tử cung: Những dấu hiệu cần biết
Bệnh ung thư cổ tử cung là bệnh lý nguy hiểm mà nhiều chị em phụ nữ mắc phải. Căn bệnh này nếu được phát hiện sớm sẽ giúp việc điều trị hiệu quả và bảo vệ sức khỏe người bệnh. Vậy triệu chứng thường gặp là gì và việc tiêm phòng HPV có hiệu quả không, hãy cùng Pharmacity tìm hiểu qua bài viết sau.
Bệnh ung thư cổ tử cung là gì?
Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là bệnh ác tính phổ biến, một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong những ung thư ở nữ giới. Những tế bào ở phần cổ tử cung phát triển một cách bất thường, ban đầu xâm lấn tại chỗ sau đó tới những khu vực xung quanh và cuối cùng là di căn sang những bộ phận khác trên cơ thể.
Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung:
- Virus sinh u nhú ở người hay còn gọi là HPV (Human Papilloma Virus) có liên quan mật thiết đến UTCTC. Đa phần người mắc không biểu hiện triệu chứng và virus biến mất sau 1-2 năm. Trên một số người, HPV tồn tại kéo dài gây nên các u nhú và các tổn thương tiền ung thư. Những tổn thương tiền ung thư làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, âm đạo, dương vật, hậu môn và họng miệng.
Không phải ai mắc HPV cũng sẽ bị UTCTC, nhưng hầu như toàn bộ người mắc UTCTC đều được phát hiện có HPV. Ngày nay đã xác định được các type HPV 16, 18, 31, 33, 35, 45, 52, 58 là nguyên nhân gây nên UTCTC, trong đó HPV 16 và 18 có khả năng gây ung thư cao nhất.
Ngoài ra còn một số yếu tố nguy cơ khác như:
- Hút thuốc lá (cả hút thuốc chủ động và hít khói thuốc bị động).
- Quan hệ tình dục sớm, sinh đẻ sớm, quan hệ đường miệng.
- Điều kiện vệ sinh kém, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Những triệu chứng thường gặp ở bệnh ung thư cổ tử cung
Xuất huyết âm đạo bất thường:
- Một trong những dấu hiệu báo động ung thư cổ tử cung là xuất huyết âm đạo bất thường và đây cũng là triệu chứng thường gặp nhất. Xuất huyết âm đạo thường được chia làm hai loại là có tính chu kỳ (hay còn gọi là kinh nguyệt) và không có tính chu kỳ.
- Tất cả các trường hợp ra máu âm đạo không liên quan kỳ kinh đều là bất thường. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp ra máu âm đạo liên quan đến kỳ kinh đều là bình thường. Nếu trong lúc hành kinh xuất hiện các bất thường về lượng hay tính chất máu kinh thì cũng được xem là xuất huyết âm đạo bất thường.
- Khi gặp phải tình trạng xuất huyết âm đạo bất thường, bạn nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế. Khi đó, bác sĩ sẽ thăm khám phụ khoa để tìm nguồn gốc máu chảy và xác định nguyên nhân.
Dịch âm đạo tiết ra bất thường
- Trong trường hợp dịch âm đạo tiết ra nhiều bất thường, màu sắc lạ (màu vàng, xanh như mủ hoặc lẫn máu) và có mùi khó chịu… thì rất có thể đó là dấu hiệu của bệnh ung thư cổ tử cung .
- Tuy nhiên, những bệnh lý khác ở “vùng kín” như viêm nhiễm phần phụ cũng có thể gây ra xuất tiết dịch âm đạo bất thường. Vì vậy, bạn phải đi khám phụ khoa mới có thể xác định được nguyên nhân chính xác nhất.
Chảy máu âm đạo bất thường có thể là nguyên nhân bị ung thư cổ tử cung
Đau hoặc chảy máu sau khi quan hệ
Bạn có thể đau, chảy máu ít sau khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, nếu cảm giác đau hoặc chảy máu nhiều, kéo dài sau khi quan hệ xảy ra thường xuyên thì đó có thể là một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Bạn nên đi kiểm tra xét nghiệm sớm khi thấy dấu hiệu này.
Thay đổi thói quen đi tiểu
Đi tiểu thường xuyên, cần tiểu gấp, khó chịu khi đi tiểu có thể sẽ khiến bạn nghĩ tới các bệnh liên quan tới tiết niệu như: viêm bàng quang, nhiễm khuẩn đường tiết niệu,… mà không nghĩ rằng ung thư cổ tử cung cũng có triệu chứng này. Do vậy, nếu bạn nhận thấy triệu chứng này kéo dài và ngày càng tồi tệ hơn thì nhất định phải đi khám bác sĩ ngay.
Đau vùng bụng dưới
Cùng với xuất huyết bất thường ở âm đạo, các bác sĩ ung bướu cho biết đau vùng bụng dưới cũng là một trong những dấu hiệu khả nghi nhất của ung thư cổ tử cung, đặc biệt chú ý nếu bị đau mà không liên quan đến kỳ kinh. Trong ung thư cổ tử cung giai đoạn bệnh tiến xa, khi bướu cổ tử cung chèn ép các cấu trúc xung quanh có thể gây cho người bệnh mắc phải “tam chứng bi thảm” bao gồm đau vùng bụng dưới, bí tiểu và phù chân.
Thiếu máu, sụt cân không rõ nguyên nhân
Thiếu máu có thể xảy ra với bất kỳ bệnh ung thư do tình trạng viêm mạn tính, giảm sản xuất erythropoietin và giảm chuyển hóa sắt; đặc biệt đối với bệnh ung thư cổ tử cung, thiếu máu có thể nặng nề hơn khi kèm theo tình trạng ra huyết âm đạo kéo dài. Thiếu máu thường xuyên khiến cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi và cạn kiệt năng lượng. Ngoài ra, giảm cân không rõ nguyên nhân và mất cảm giác ngon miệng cũng là các triệu chứng thường gặp của người bệnh ung thư.
Ung thư cổ tử cung là bệnh có thể chữa khỏi, với tỷ lệ thành công tới 92% nếu phát hiện ở giai đoạn sớm. Thậm chí, tỷ lệ có thể đạt tới gần 100% nếu như phát hiện ở giai đoạn tiền ung thư. Tuy nhiên, đa số các trường hợp được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, không thể chữa khỏi. Vì thế nếu như có bất kỳ dấu hiệu đáng ngờ nào kể trên bạn nên đến khám tại các cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Phòng ngừa bằng vắc-xin HPV có hiệu quả không?
Vắc-xin HPV là an toàn và hiệu quả:
Theo CDC, vắc-xin cung cấp tác dụng bảo vệ gần 100% chống lại tiền ung thư cổ tử cung và sùi mào gà. Nhiễm HPV và tiền ung thư cổ tử cung đã giảm đáng kể kể từ khi vắc-xin được sử dụng: trong số các bé gái tuổi thiếu niên, nhiễm HPV gây ra hầu hết các trường hợp ung thư và sùi mào gà do HPV đã giảm 71%; Trong số nữ thanh niên, nhiễm những type HPV gây ra hầu hết các trường hợp ung thư và sùi mào gà đã giảm 61%; và trong số những phụ nữ được tiêm chủng, tiền ung thư cổ tử cung do các type HPV gây ra đã giảm 40%.
Tiêm vắc-xin HPV sẽ giúp phòng ngừa các bệnh lý nguy hiểm
Hi vọng với những chia sẻ trên có thể giúp các bạn hiểu hơn về ung thư cổ tử cung và việc tiêm phòng vaccine HPV để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.