Trẻ sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ có tốt không? Lời khuyên để trẻ ngủ an toàn hơn
Giấc ngủ là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ nhỏ. Tư thế ngủ của bé cũng là mối quan tâm hàng đầu của các bà mẹ bỉm sữa, trẻ sơ sinh có nên nằm nghiêng khi ngủ hay không là một câu hỏi mà nhiều bậc phụ huynh đặt ra. Vậy, đây có phải là tư thế nằm tốt cho trẻ sơ sinh không? Bài viết sau đây của Pharmacity sẽ phân tích các ưu và nhược điểm của tư thế ngủ này.
Tầm quan trọng của tư thế nằm tốt cho trẻ
Đối với trẻ em, giấc ngủ rất quan trọng cũng giống như thức ăn nước uống. Một giấc ngủ sâu là điều kiện thiết yếu để trẻ có thể phát triển toàn diện về cả thể chất và tinh thần. Giấc ngủ sẽ càng đặc biệt quan trọng hơn đối với đối tượng là trẻ sơ sinh. Ngủ là lúc não bộ của trẻ phát triển, khoảng 80% tế bào não của bé được sinh ra trong 3 năm đầu đời. Khi ngủ, lượng hormone tăng trưởng của cơ thể trẻ cũng sẽ tiết ra nhiều gấp 4 lần khi thức.
Nhu cầu ngủ ở trẻ sơ sinh rất cao, trung bình mỗi ngày trẻ sẽ ngủ từ 16 -18 tiếng, ngủ cả ngày và đêm, trẻ chỉ thức một vài giờ trong ngày để chơi đùa và bú mẹ. Vì thế, tư thế ngủ là vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến sự sinh trưởng cũng như phát triển của trẻ. Tư thế nằm tốt sẽ giúp cho trẻ thoải mái, ngủ sâu và góp phần quan trọng giúp trẻ tăng trưởng tốt hơn. Ngược lại, khi tư thế ngủ của trẻ không đúng sẽ khiến trẻ khó ngủ, quấy khóc, dễ tỉnh giấc, mệt mỏi,… từ đó dẫn đến chậm tăng cân, biếng ăn và giảm khả năng miễn dịch.
Trẻ sơ sinh không biết tự trở mình, nên tư thế ngủ của trẻ chủ yếu sẽ do cha mẹ quyết định. Trẻ sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ là tư thế khá phổ biến, tư thế này có một số ưu điểm tuy nhiên cũng có nhiều nhược điểm.
Trẻ sơ sinh nằm nghiêng có tốt không?
Trẻ sơ sinh luôn được khuyên là nên nằm ngửa. Đây là tư thế an toàn nhất khi ngủ cho trẻ. Nhưng nếu nằm nghiêng thì có tốt không? Cùng xem xét ưu điểm và nhược điểm của tư thế này:
Ưu điểm của việc cho trẻ sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ
Trên thực tế, nếu trẻ nằm nghiêng trong thời gian ngắn, không nằm liên tục thì sẽ không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, ngược lại còn có những lợi ích sau:
- Khi bé ngủ, tư thế nằm nghiêng sẽ giúp hạn chế phản ứng sặc, trớ sữa. Nằm nghiêng sẽ giúp tống, xuất được các chất nôn chảy ra từ khoang miệng hạn chế được việc chảy sữa ngược lại, gây nghẽn, ho, bít tắc đường thở như khi trẻ nằm ngửa.
- Trong trường hợp trẻ sơ sinh hay ngáy khi ngủ, nếu đổi sang tư thế nằm nghiêng sẽ giúp giảm và biến mất hiện tượng ngáy, khi đó trẻ cũng sẽ dễ hô hấp hơn.
- Có nên cho trẻ sơ sinh nằm nghiêng không? Câu trả lời là có nếu điều này được thực hiện đúng cách với tần suất vừa phải, lúc này trẻ sẽ giảm bớt được áp lực lên tim, hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
Nhược điểm và rủi ro của việc cho trẻ sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ
Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, tư thế trẻ sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ cũng tồn tại một số nhược điểm dưới đây:
Hội chứng đầu bẹt
Những tháng đầu đời thì cấu trúc xương sọ của trẻ sơ sinh có khá mềm. Do đó nếu có áp lực dồn nén lại vào một số điểm trên hộp sọ trong thời gian dài thì có khả năng làm biến dạng hộp sọ. Đây được gọi là hội chứng đầu bẹt.
Nếu trẻ bị đầu bẹt mức độ nặng sẽ khiến cho não bộ bị hạn chế khả năng mở rộng, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng não kém phát triển.
Để giúp hạn chế các nhược điểm, bố mẹ nên cho trẻ nằm nghiêng khi ngủ ban ngày, 2 giờ đổi tư thế ngủ một lần.
Tật vẹo cổ
Nếu trẻ sơ sinh nằm nghiêng đầu 1 bên thời gian dài, rất có thể khiến bé bị tật vẹo cổ. Tật vẹo cổ được đặc trưng bởi vì cách nghiêng cổ bất thường theo một hướng do sự rút ngắn nghiêm trọng của cơ sternocleidomastoid kết nối phía bên của đầu với xương đòn. Vì các cơ của trẻ sơ sinh vẫn còn mềm và đang phát triển, chúng có thể sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi trẻ sơ sinh nằm nghiêng sang một bên khi ngủ.
Nguy cơ nghẹt thở và mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh
Có nên cho trẻ sơ sinh nằm nghiêng? Trẻ sơ sinh nằm ngủ nghiêng khiến khí quản xoắn lại và có thể dẫn đến tình trạng khó thở. Hơn nữa, bé nằm nghiêng đầu một bên và nghiêng toàn cơ thể sang một bên còn khiến sữa trong bụng của bé trào ngược và tích tụ xung quanh lỗ mở khí quản tạo ra nguy cơ ngạt thở. Trẻ sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ hoặc nằm sấp đều có khả năng làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
Chính vì những nguy cơ tiềm ẩn trên, bố mẹ hãy chỉ nên cho con nằm nghiêng trong một thời gian ngắn và lưu ý đổi bên luân phiên cho trẻ.
Lời khuyên để trẻ ngủ ngon và an toàn hơn
Sau đây là một số lời khuyên có thể giúp cho trẻ an toàn hơn khi ngủ, kể cả khi trẻ tự lật nằm sấp khi ngủ:
- Nếu trẻ ngủ trong cũi, cũi cần được dọn sạch, không đặt chăn gối, đồ chơi hay đệm ở khu vực ngủ của trẻ.
- Trẻ sơ sinh có sức khỏe non yếu nên các thành viên trong gia đình hoặc người đến chơi không được hút thuốc ở khu vực xung quanh trẻ.
- Không đắp quá nhiều chăn hoặc dùng chăn có trọng lượng nặng đắp cho trẻ bởi vì điều này có thể khiến cho trẻ cảm thấy quá nóng, khó thở.
- Cho trẻ mặc quần áo/tã khô thoáng, có độ thấm hút tốt.
- Điều chỉnh nhiệt độ và ánh sáng phòng phù hợp, không quá sáng, không quá lạnh và không quá nóng.
- Quấn khăn khi ngủ giúp trẻ vẫn còn cảm giác được bao bọc như lúc còn trong tử cung, làm cho trẻ luôn cảm thấy được an toàn, tránh cho trẻ sơ sinh bị giật mình khi ngủ hay phản xạ Moro. Nghiên cứu cho thấy trẻ được quấn khăn sẽ ít thức giấc trong giấc ngủ im lặng và giấc ngủ được hoạt động kéo dài hơn. Tuy vậy, cần phải biết quấn trẻ đúng cách để tránh cho trẻ ngạt thở, loạn sản khớp háng và nóng quá mức.
- Nếu trẻ đã bắt đầu có thể di chuyển và lăn qua lăn lại, mẹ nên ngừng việc quấn khăn cho trẻ.
- Bố mẹ nên ngủ cùng phòng với trẻ để dễ theo dõi cũng như hỗ trợ trẻ khi cần thiết, tuy nhiên không nên ngủ chung giường.
Tóm lại, việc cho trẻ sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ có thể có một số lợi ích nhất định, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tư thế tốt nhất cho trẻ sơ sinh khi ngủ là nằm ngửa. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ nhi khoa để được tư vấn cụ thể.