Trẻ sơ sinh hay bị nấc là do đâu và những lưu ý cần biết
Nấc cụt là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh. Mặc dù nấc cụt thường vô hại nhưng trẻ sơ sinh hay bị nấc mà không rõ nguyên nhân có thể nhiều ba mẹ lo lắng. Trong bài viết này, Pharmacity sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các nguyên nhân khiến trẻ bị nấc cũng như những điều cần biết để chăm sóc bé tốt hơn.
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh hay bị nấc
Trẻ sơ sinh bị nấc thường là do các nguyên nhân phổ biến sau đây:
Trẻ sơ sinh bú quá no
Một trong những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ sơ sinh hay bị nấc là do bú quá no. Khi bé bú quá no, dạ dày có thể bị căng và giãn ra. Sự giãn nở này sẽ tạo áp lực lên cơ hoành, gây ra co thắt và dẫn đến hiện tượng nấc cụt ở trẻ.
Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi sữa hoặc thức ăn bị đẩy ngược từ dạ dày lên thực quản. Đây là một nguyên nhân phổ biến ở trẻ sơ sinh do hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt.
Trẻ bú sữa sai cách
Nếu trẻ bú quá nhanh, sai tư thế hoặc không đúng cách, lượng khí thừa có thể bị nuốt ngược vào dạ dày, làm trẻ sơ sinh hay bị nấc. Việc này thường xảy ra khi trẻ bú bình hoặc khi núm vú không vừa với miệng của bé.
Bé bị dị ứng
Dị ứng thực phẩm, chẳng hạn như dị ứng với protein trong sữa công thức, có thể là nguyên nhân gây ra nấc cụt ở trẻ sơ sinh. Khi cơ thể trẻ phản ứng với chất gây dị ứng, dẫn đến tình trạng viêm thực quản và nấc cụt là một triệu chứng phổ biến.
Do môi trường và nhiệt độ thay đổi đột ngột
Cơ thể trẻ sơ sinh còn nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ. Sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ môi trường xung quanh hoặc khi trẻ chuyển từ môi trường ấm sang lạnh có thể gây ra nấc cụt.
Ngoài ra, hệ hô hấp của trẻ sơ sinh vẫn đang trong giai đoạn phát triển, vì vậy bé rất nhạy cảm với khói, bụi, hoặc mùi quá mạnh. Khi hít phải những chất này, bé có thể bị ho nhiều hơn, gây áp lực lên cơ hoành và dẫn đến nấc cụt.
Trẻ sơ sinh hay bị nấc có sao không?
Nhiều phụ huynh thắc mắc rằng trẻ sơ sinh hay bị nấc có nguy hiểm không? Theo các chuyên gia, nấc cụt ở trẻ sơ sinh thường không phải là dấu hiệu của bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào.
Thực tế, nấc cụt có thể giúp cơ thể trẻ giải phóng không khí thừa trong dạ dày. Tuy nhiên, nếu nấc cụt kéo dài hoặc xảy ra quá thường xuyên, đặc biệt là khi kèm theo các triệu chứng khác như khó thở, nôn trớ hoặc khó chịu, ba mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Cách xử lý khi trẻ sơ sinh hay bị nấc cụt
Để cải thiện nhanh chóng tình trạng nấc này ở trẻ sơ sinh, ba mẹ có thể áp dụng các cách sau:
- Vỗ ợ hơi cho bé sau khi bú để giải phóng không khí thừa trong dạ dày, giảm áp lực cho cơ hoành.
- Cho bé ngậm ti giả có thể giúp cơ hoành thư giãn, làm giảm nấc cụt.
- Khi cho trẻ bú, hãy giữ cho đầu bé cao hơn bụng để hạn chế lượng khí nuốt vào.
- Khi trẻ bị nấc, hãy phân tán sự chú ý của bé bằng cách tương tác với chơi cùng con.
- Đối với trẻ trên 6 tháng, mẹ có thể cho bé uống từng ngụm nước nhỏ.
Những điều mẹ không nên làm khi trẻ sơ sinh bị nấc cụt
Khi trẻ sơ sinh bị nấc cụt, một số mẹ có thể cảm thấy lo lắng và muốn làm gì đó ngay lập tức để ngăn chặn. Tuy nhiên, mẹ cần tránh làm những điều sau đây:
- Không xóc trẻ: Một số người cho rằng lắc trẻ nhẹ có thể giúp ngăn chặn nấc cụt. Tuy nhiên, việc rung lắc trẻ có thể gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh, đặc biệt là ảnh hưởng đến não bộ của bé.
- Không ép trẻ uống nước: Trẻ sơ sinh đặc biệt là dưới 6 tháng tuổi, tuyệt đối không nên uống nước. Vì điều này không chỉ không giúp giảm nấc mà còn có thể gây ra nguy cơ ngộ độc nước.
- Không kéo lưỡi của trẻ: Một số bà mẹ thường mắc sai lầm cố gắng kéo lưỡi của bé để làm giảm tình trạng nấc. Tuy nhiên, cách này khiến bé hoảng sợ và ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần của bé.
- Tránh dùng các biện pháp dân gian không có cơ sở: Một số mẹo dân gian như dán lá, vuốt lưng mạnh hay thổi vào mặt trẻ không có cơ sở khoa học có thể gây ra những tác hại không mong muốn.
Khi nào cần đưa trẻ đi khám bác sĩ?
Khi trẻ bị nấc cụt mà vẫn ăn uống và sinh hoạt bình thường thì ba mẹ không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ sơ sinh hay bị nấc kéo dài trong nhiều giờ hoặc kèm theo các dấu hiệu bất thường như khó thở, nôn mửa nhiều, quấy khóc không dứt, cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay để được kiểm tra và tư vấn cụ thể.
Hiểu rõ nguyên nhân và cách xử lý khi trẻ sơ sinh hay bị nấc là điều cần thiết để giúp bé cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn. Bằng cách áp dụng những biện pháp phù hợp, có thể giảm thiểu tình trạng nấc cụt và đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho bé yêu.