Trẻ em bị tiêu chảy nên ăn gì, kiêng gì để cầm và nhanh lại sức?
Tiêu chảy là một trong những vấn đề trẻ thường mắc phải, nhất là các trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về chế độ dinh dưỡng giúp bé mau khỏi, cũng như cách để phòng ngừa bệnh tiêu chảy nhé!
Trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì kiêng gì?
Tiêu chảy là gì? Nguyên nhân gây nên
Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài ra phân lỏng, có nước xảy ra nhiều lần trong ngày. Khi tình trạng tiêu chảy trở nên nghiêm trọng, trong phân sẽ kèm theo chất nhầy, thực phẩm không tiêu hóa hết, thậm chí là đi tiêu ra máu, bị sốt, sụt cân.
Nguyên nhân gây nên bệnh tiêu chảy có thể kể đến như:
- Ngộ độc thực phẩm.
- Vệ sinh kém.
- Mất cân bằng vi sinh đường ruột.
Dấu hiệu bé mắc bệnh tiêu chảy
Khi trẻ bị tiêu chảy, những biểu hiện thường thấy đầu tiên là những cơn đau bụng quặn thắt, sau đó đi ngoài phân lỏng nhiều lần. Số lần đi phân lỏng trong ngày tuỳ vào độ tuổi của trẻ và diễn tiến nặng của bệnh. Ngoài ra, trẻ còn gặp phải một số triệu chứng khác như:
- Sốt, đau bụng.
- Mất cảm giác ngon miệng, biếng ăn.
- Buồn nôn, nôn nhiều lần.
- Đau quặn bụng.
- Quấy khóc nhiều.
- Mất nước.
- Sụt cân, suy dinh dưỡng.
Trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì?
Gừng
Gừng có tác dụng giảm nhu động ruột, giúp chất thải đi qua đường tiêu hóa chậm hơn. Ngoài ra gừng còn giảm quá trình sinh hơi của vi khuẩn ở dạ dày, ruột, giảm nhẹ các triệu chứng buồn nôn, tiêu chảy hay đầy hơi. Bố mẹ có thể cho trẻ bị tiêu chảy uống nước ấm cùng một vài lát gừng sẽ giúp con cảm thấy thoải mái hơn.
Gạo trắng
Gạo là nguồn cung cấp năng lượng tuyệt vời cho trẻ bị tiêu chảy vì nó có chứa nhiều carbohydrate. Bên cạnh đó, gạo giúp cho phân của trẻ cứng hơn, giúp kích thích sự phát triển của vi khuẩn có ích cho nhu động ruột bình thường.
Ba mẹ không nên cho trẻ bị tiêu chảy ăn gạo lứt, vì chứa nhiều chất xơ khó tiêu, càng làm cho tình trạng của trẻ trầm trọng hơn.
Thực phẩm chế biến dưới dạng cháo, súp
Cho trẻ bị tiêu chảy ăn súp hoặc cháo là những món ăn dễ tiêu sẽ giúp con vừa bổ sung những chất dinh dưỡng cần thiết mà lại giúp bé bổ sung thêm chất lỏng, phù hợp với thể trạng hiện tại của con yêu.
Các loại thịt (thịt gà nạc, thịt lợn nạc, cá nạc)
Thịt là nguồn thực phẩm cung cấp protein giúp cơ thể khỏe khoắn, cân bằng dưỡng chất trong cơ thể. Tuy nhiên, mẹ hạn chế làm các món chiên rán, nhiều dầu mỡ vì điều này sẽ gây cản trở hệ tiêu hóa, khiến tình trạng tiêu chảy trở nên nghiêm trọng hơn.
Sữa chua
Sữa chua là thực phẩm hỗ trợ hệ tiêu hóa thường được sử dụng, giúp cân bằng lại hệ vi sinh, hỗ trợ hệ tiêu hóa và giảm nhẹ tình trạng tiêu chảy.
Trẻ bị tiêu chảy cần kiêng gì?
Sữa và các thực phẩm làm từ sữa
Nên tạm ngừng các sữa công thức và sữa bò có thể gây tiêu chảy cho trẻ em. Các loại đường trong sữa công thức có thể làm trẻ bị tiêu chảy nặng hơn, còn các protein trong sữa có thể làm trẻ khó tiêu hóa. Mẹ có thể gặp bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn các loại sữa mà trẻ có thể dùng. Trẻ có thể uống lại sữa bình thường sau khi tình trạng tiêu chảy được cải thiện và ổn định.
Các loại thủy hải sản
Trong nhóm thực phẩm này có chứa các protein kích ứng, có thể gây dị ứng cho trẻ, khiến cho trẻ bị đau bụng và nôn trớ. Hơn nữa, các loại thủy sản này có lớp chất nhầy ở bề mặt, mùi tanh dễ hấp dẫn các loại vi khuẩn đường ruột.
Một số loại trái cây và nước ép
Một số loại trái cây như đào, lê, mận,… chứa nhiều loại đường, khiến trẻ gặp khó khăn khi tiêu hóa. Trẻ bị đầy hơi và khiến tình trạng tiêu chảy trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, chúng chứa nhiều chất xơ khiến hệ tiêu hóa phải hoạt động nhiều hơn dẫn đến trẻ bị tiêu chảy nặng hơn.
Các thực phẩm chiên xào
Không nên cho trẻ ăn nhiều các thực phẩm chiên xào, nhất là khi trẻ đang bị tiêu chảy vì lượng dầu mỡ gây ra những tác động xấu đến hệ tiêu hóa và sức khỏe của trẻ. Chúng làm suy yếu hệ vi sinh vật đường ruột và là nguyên nhân khiến trẻ bị đau bụng, đầy hơi và tiêu chảy.
Những lưu ý dành cho cha mẹ khi chăm sóc trẻ
Ngoài chế độ dinh dưỡng hằng ngày của trẻ, bố mẹ cần ghi nhớ những lưu ý sau giúp trẻ nhanh hồi phục sức khỏe:
Cho trẻ uống đủ nước
Tiêu chảy khiến trẻ nhanh chóng bị mất nước và các chất điện giải (natri, kali, canxi và magie). Bố mẹ cần chú ý cho trẻ uống nhiều nước, đảm bảo trẻ đã được cung cấp đủ nước cho cơ thể nếu trẻ bị tiêu chảy.
Bổ sung men vi sinh
Việc bổ sung men vi sinh cho trẻ bị tiêu chảy giúp tăng lợi khuẩn trong đường ruột, giúp trẻ ăn ngon và tiêu hóa tốt hơn.
Tránh tự ý cho trẻ dùng thuốc cầm tiêu chảy và thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh chỉ dùng để điều trị tiêu chảy do vi khuẩn gây ra, trong khi thuốc cầm tiêu chảy khiến trẻ khó đào thải độc tố hơn. Do đó, không nên tự ý cho trẻ sử dụng các loại thuốc cầm tiêu chảy hay thuốc kháng sinh. Điều này có thể khiến tình trạng bệnh của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn và gây ra nhiều tác dụng phụ cho trẻ.
Chú ý theo dõi các triệu chứng và phân của trẻ
Khi trẻ bị tiêu chảy, bố mẹ cần theo dõi và ghi nhớ lại các triệu chứng của trẻ như thời gian bắt đầu tiêu chảy, tần suất đi tiêu, sự thay đổi màu sắc và chất lượng phân,… Điều này có thể giúp bác sĩ phát hiện ra nguyên nhân gây tiêu chảy, từ đó, cho lời khuyên, hướng dẫn cách chăm sóc và điều trị phù hợp cho trẻ.
Cách phòng ngừa tiêu chảy ở trẻ nhỏ
Để tránh cho trẻ mắc bệnh tiêu chảy, ba mẹ cần lưu ý:
- Cho trẻ rửa tay đúng cách, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Vắc xin phòng ngừa các gây bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ như vắc xin ngừa rota virus, vắc xin phòng bệnh tả.
- Cần thực hiện việc ăn chín, uống sôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Sử dụng nguồn nước sạch cho trẻ.
- Khi cho bé đi du lịch, cần đảm bảo những thực phẩm mà trẻ ăn đều an toàn.
Bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ là bệnh lý khá nghiêm trọng, có thể gây nguy hiểm cho trẻ nếu cha mẹ không phát hiện và có biện pháp can thiệp kịp thời. Do đó, cha mẹ nên chủ động nắm chắc những dấu hiệu, triệu chứng bệnh của con, từ đó có cách điều trị hiệu quả, tránh những hệ lụy không mong muốn có thể xảy ra với trẻ.
Nguồn tham khảo: Ths. BS Nguyễn Hiền Minh
Bạn có thể xem thêm: