Thủy đậu có lây không? Giải đáp mọi thắc mắc về cách thức lây truyền
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây cao và dễ bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Bệnh thủy đậu là gì?
Thủy đậu (hay còn gọi là cháy rạ, phỏng rạ) là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi virus thuộc họ Herpesviridae, có tên khoa học là Varicella Zoster (VZV). Người mắc thủy đậu thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân.
- Bất cứ ai cũng có khả năng nhiễm virus gây bệnh thủy đậu, đặc biệt là trẻ em.
- Đối với người lớn, tỷ lệ mắc thủy đậu thấp hơn nhưng vẫn có nhiều biến chứng nặng như: viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… thậm chí gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
- Theo thống kê hàng năm của Bộ Y tế, thủy đậu có xu hướng gia tăng vào những tháng đầu xuân, đầu hè. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo, thời tiết giao mùa là yếu tố khiến bệnh thủy đậu bùng phát mạnh, số ca mắc bệnh tăng cao.
Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu có lây không?
Bệnh thủy đậu có khả năng lây lan rất nhanh từ người này sang người khác. Nhiều nghiên cứu cho thấy, có khoảng 90% người chưa mắc thủy đậu, hoặc chưa tiêm vắc xin sẽ có nguy cơ cao nhiễm bệnh nếu tiếp xúc với những giọt nước bọt bắn ra ngoài khi bệnh nhân ho, hắt hơi, hay tiếp xúc chất dịch từ nốt phỏng thủy đậu của người đang nhiễm bệnh.
Virus Varicella Zoster – tác nhân gây thủy đậu có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu trước khi bong ra tồn tại trong không khí.
Bệnh thủy đậu lây qua đường nào?
Thủy đậu có khả năng lây nhiễm trong thời gian từ 1 – 2 ngày trước khi các nốt ban, mụn nước xuất hiện và thường không quá 5 ngày sau khi xuất hiện lớp bọng nước đầu tiên (sự lây truyền có thể kéo dài hơn ở những người bị thay đổi miễn dịch). Người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng đau đầu và đau cơ tại thời điểm đó. Sau khi phát ban, bệnh vẫn tiếp tục lây lan cho đến khi các mụn nước cuối cùng khô lại và các vảy bong tróc ra.
Đường lây nhiễm thủy đậu bao gồm:
- Lây trực tiếp qua đường hô hấp: Virus gây bệnh tồn tại trong các giọt nước bọt li ti rất nhỏ có trong không khí, phát ra từ người nhiễm bệnh khi người này nói chuyện, ho, hắt hơi.
- Virus cũng có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp bằng cách chạm vào vật dụng cá nhân, quần áo của người bệnh.
- Đồng thời, bệnh còn có thể lây truyền từ mẹ sang con. Phụ nữ mang thai bị thủy đậu có thể lây truyền cho thai nhi qua nhau thai hoặc lây sau khi sinh nở.
Mặt khác, khi tiếp xúc người bị bệnh Zona (giời leo hay Herpes zoster), người bình thường cũng có thể mắc thủy đậu. Những ai từng bị thủy đậu sẽ có nguy cơ mắc Zona vào thời điểm vài năm sau hoặc thậm chí nhiều thập kỷ sau, vì virus có thể tồn tại ở hệ thần kinh rất dai dẳng.
Bệnh thủy đậu có thể lây truyền từ mẹ sang con ở phụ nữ mang thai
Cách phòng ngừa bệnh thủy đậu
Thủy đậu là bệnh dễ mắc phải và lây lan nhanh chóng, vì thế cách phòng tránh lây lan thủy đậu là thắc mắc của không ít người. Những người tiếp xúc gần với người mắc thủy đậu là đối tượng dễ bị lây nhiễm nhất. Do đó, để ngăn ngừa khả năng lây nhiễm thủy đậu, người bệnh cần có chế độ chăm sóc đặc biệt và nên lưu ý những điều sau:
- Cách ly người bị nhiễm bệnh với những người xung quanh từ 7-10 ngày kể từ ngày phát bệnh, tốt nhất nên để người bệnh ở trong phòng riêng, đặc biệt không tới những chỗ đông người để hạn chế lây lan diện rộng.
- Trẻ em bị thủy đậu không được đến trường hoặc nhà trẻ, phải luôn cắt tỉa móng tay trẻ gọn gàng. Đeo bao tay cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi nhằm hạn chế bé cào/gãi không kiểm soát.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh như: khăn mặt, cốc chén, quần áo…
- Vệ sinh thân thể cho người bệnh hàng ngày, không nên kiêng nước, kiêng gió theo kinh nghiệm dân gian. Nên tắm bằng nước nóng và không sử dụng các loại xà phòng, sữa tắm có chứa hóa chất tẩy rửa mạnh để người bệnh nhanh khỏi bệnh, hạn chế lây lan bệnh.
- Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý khi có tiếp xúc gần với người bệnh.
Rửa tay bằng xà phòng giúp giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh thủy đậu
- Sử dụng thuốc điều trị xanh Methylen bôi ngoài da. Người bệnh không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Nên sử dụng thuốc hạ sốt khi có biểu hiện sốt cao trên 38,50C và tránh dùng Aspirin vì nó có thể gây ra hội chứng Reye.
- Không tiếp xúc trực tiếp với nốt phỏng, tránh làm vỡ vì có thể gây bội nhiễm và thành sẹo.
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học, uống nhiều nước lọc, ăn rau xanh, hoa quả tươi và chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý để giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng để chống lại virus.
Hiện tại, Việt Nam đang có 3 loại vắc xin phòng Thủy đậu gồm: Varilrix (Bỉ), Varivax (Mỹ), Varicella (Hàn Quốc). Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến nghị nên tiêm vắc xin thủy đậu cho tất cả trẻ em. WHO khuyến cáo trẻ cần được tiêm mũi vắc xin đầu tiên trong độ tuổi từ 11-14 tháng và mũi thứ 2 trong độ tuổi từ 15-23 tháng. Đồng thời, nên tiêm cho trẻ thêm loại vắc xin kết hợp chống lại bệnh sởi, quai bị và rubella (MMR II) để phòng ngừa bệnh.