Thuốc Omeprazol: Bí Quyết Quản Lý Acid Dạ Dày, Cách Dùng và Liều Lượng An Toàn
Omeprazol là một trong những giải pháp hàng đầu cho các vấn đề liên quan đến acid dạ dày, từ trào ngược dạ dày thực quản đến viêm loét dạ dày, đã được hàng triệu người trên khắp thế giới tin tưởng sử dụng. Thuộc nhóm thuốc ức chế bơm proton, Omeprazol giúp giảm sản xuất acid dạ dày, mang lại sự thoải mái và hỗ trợ hiệu quả trong việc phục hồi niêm mạc dạ dày. Bài viết này sẽ cung cấp một cái nhìn sâu rộng về Omeprazol, từ công dụng chính, hướng dẫn cách dùng, đến liều lượng phù hợp, giúp bạn hiểu rõ hơn về cách sử dụng thuốc này một cách an toàn và hiệu quả nhất.
Thuốc omeprazol là thuốc gì?
- Hoạt chất: Omeprazol (omeprazole)
- Phân loại: Thuốc ức chế bơm Proton (PPI). Thuốc ức chế tiết acid dạ dày
PPI là nhóm thuốc quan trọng trong điều trị bệnh lý dạ dày
Dạng thuốc và hàm lượng
- Viên nang cứng: 10 mg; 20 mg; 40 mg.
- Viên nén giải phóng chậm: 10 mg; 20 mg; 40 mg.
- Thuốc bột pha hỗn dịch uống: 10mg/gói; 20 mg/gói, 40 mg/gói.
- Bột pha tiêm: 40mg (dạng muối natri)
Cơ chế tác dụng
Omeprazol thuộc nhóm hợp chất ức chế sự bài tiết thế hệ mới, dẫn xuất của benzimidazol, thuốc không có hoạt tính kháng cholinergic hay kháng thụ thể H2 của histamin, mà ức chế sự bài tiết acid dạ dày bằng cách ức chế chuyên biệt hệ thống enzym H+/ K+ ATPase tại bề mặt bài tiết của tế bào thành dạ dày. Vì hệ thống enzym này được xem như là bơm acid (proton) ở niêm mạc dạ dày, omeprazol được xem như một chất ức chế bơm acid của dạ dày, ngăn chặn bước cuối cùng của sự sản sinh acid. Tác dụng này liên quan đến liều dùng và dẫn đến ức chế cả cơ chế tiết acid cơ bản và tiết acid khi bị kích thích do bất kỳ tác nhân kích thích nào.
Chỉ định của thuốc Omeprazol
- Khó tiêu do tăng tiết acid.
- Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản.
- Bệnh loét dạ dày – tá tràng.
- Hội chứng Zollinger – Ellison.
- Dự phòng loét do stress, loét do thuốc chống viêm không steroid
Bệnh lý về dạ dày có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào
Liều dùng thuốc omeprazol hiệu quả cho từng nhóm đối tượng
Người lớn:
- Đường uống:
- Khó tiêu: 10-20 mg/ngày trong 2-4 tuần.
- Trào ngược dạ dày – thực quản: 20mg/ngày trong 4-8 tuần, có thể tăng lên 40 mg/ngày.
- Loét dạ dày – tá tràng: 20-40mg/ngày trong 4-8 tuần.
- Tiệt trừ Helicobacter pylori: 20-40mg/ngày kết hợp kháng sinh trong 1 tuần.
- Hội chứng Zollinger – Ellison: Liều khởi đầu 60mg/ngày, có thể điều chỉnh tùy theo tình trạng bệnh.
- Dự phòng chống sặc acid khi phẫu thuật: 40mg buổi tối trước khi mổ và 2-6 giờ trước phẫu thuật.
Trẻ em:
- Đường uống:
- Từ 5 đến < 10 kg: Uống 5 mg, ngày một lần.
- Từ 10 đến 20kg: Uống 10mg, ngày một lần.
- Trên 20kg: 20 mg, ngày một lần.
- Những liều này có thể tăng lên gấp đôi, nếu cần thiết. Điều trị có thể kéo dài từ 4 đến 12 tuần.
- Với bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, khó tiêu do acid, loét tá tràng và dạ dày lành tính, bao gồm cả loét do dùng thuốc chống viêm không steroid, dự phòng chứng sặc acid, hội chứng Zollinger – Ellison, và để giảm sự phá hủy của các chất bổ sung enzym tụy tạng ở trẻ em bị xơ nang tụy, có thể dùng liều omeprazol 700 microgam/ kg ngày 1 lần ở trẻ em sơ sinh và trẻ từ 1 tháng đến 2 năm tuổi. Nếu cần thiết, sau 7 – 14 ngày có thể tăng liều ở trẻ em sơ sinh, lên 1,4 mg/kg, ngày 1 lần; một số trẻ sơ sinh có thể cần tới 2,8 mg/kg, ngày một lần. ở trẻ tới 2 năm tuổi, liều có thể tăng lên tới 3 mg/kg (tới tối đa 20 mg) ngày 1 lần.
- Đường tiêm: có thể tiêm tĩnh mạch 500 microgam/kg (tới tối đa 20mg) ngày một lần ở trẻ em từ 1 tháng đến 12 năm tuổi và có thể tăng lên tới 2 mg/kg (tới tối đa 40 mg) ngày 1 lần, phối hợp với kháng sinh là clarithromycin cộng amoxicilin theo chỉ dẫn của thầy thuốc chuyên khoa.
Cách dùng thuốc omeprazole đúng như thế nào?
- Đường uống:
- Omeprazol phải uống lúc đói (trước khi ăn 1 giờ). Phải nuốt viên thuốc nguyên vẹn không được mở, nhai hoặc nghiền.
- Với trẻ em dưới 6 tuổi, vì sợ hóc do khó nuốt, có thể mở nang omeprazol rồi trộn với một loại thực phẩm hơi acid (pH < 5) như sữa chua, nước cam rồi cho nuốt ngay mà không nhai.
- Đường tiêm: ở những bệnh nhân không phù hợp điều trị omeprazol bằng đường uống, natri omeprazol có thể dùng ngắn hạn bằng đường truyền tĩnh mạch.
Thuốc omeprazol có những tác dụng phụ nào?
Omeprazol dung nạp tốt và các tác dụng không mong muốn tương đối ít gặp, thường lành tính và có hồi phục.
Thường gặp, ADR > 1/100.
- Toàn thân: Nhức đầu, buồn ngủ, chóng mặt.
- Tiêu hóa: Ỉa chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng, táo bón, chướng bụng.
Ít gặp, 1/1 000 < ADR<1/100
- Thần kinh: Mất ngủ, rối loạn cảm giác, mệt mỏi.
- Da: Mày đay, ngứa. nổi ban.
- Gan: Tăng transaminase nhất thời.
Hiếm gặp, ADR < 1/1 000
- Toàn thân: Đổ mồ hôi, phù ngoại biên, quá mẫn bao gồm phù mạch, sốc phản vệ.
- Huyết học: Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, giảm toàn bộ các dòng tế bào máu, mất bạch cầu hạt, thiếu máu tán huyết tự miễn.
- Thần kinh: Lú lẫn có hồi phục, kích động, trầm cảm, ảo giác ở người bệnh cao tuổi và đặc biệt ở người bệnh nặng, rối loạn thính giác.
- Nội tiết: Vú to ở đàn ông.
- Tiêu hóa: Viêm dạ dày, nhiễm nấm Candida, khô miệng.
- Gan: Viêm gan kèm vàng da hoặc không vàng da, bệnh não – gan ở người suy gan.
- Hô hấp: Co thắt phế quản.
- Cơ – xương: Đau khớp, đau cơ.
- Tiết niệu, sinh dục: Viêm thận kẽ.
- Các chất ức chế bơm proton có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do tác dụng ức chế tiết acid dịch vị.
Những lưu ý khi sử dụng thuốc omeprazol
- Ngừng thuốc khi có tác dụng không mong muốn nặng.
- Thận trọng khi dùng cho người lái xe và vận hành máy móc.
- Phụ nữ có thai và cho con bú chỉ nên dùng khi thật cần thiết và theo chỉ định của bác sĩ.
- Loại trừ khả năng bị u ác tính trước khi điều trị loét dạ dày.
- Sử dụng lâu dài có thể làm giảm magie huyết và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.
- Cần xem xét tương tác thuốc khi bắt đầu và kết thúc điều trị với Omeprazol.
Kết luận
Omeprazol là một thuốc ức chế bơm proton hiệu quả trong điều trị các bệnh lý dạ dày và thực quản. Với khả năng giảm tiết acid mạnh mẽ, thuốc giúp làm dịu triệu chứng và hỗ trợ phục hồi niêm mạc dạ dày. Tuy nhiên, việc sử dụng Omeprazol cần tuân thủ đúng chỉ định và liều dùng, đồng thời lưu ý các tác dụng phụ và tình trạng đặc biệt của bệnh nhân để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng Omeprazol để có sự hướng dẫn cụ thể và phù hợp nhất.