Tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần trong mang thai
Stress trong thời gian mang thai có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi nhưng tâm trạng lo lắng, căng thẳng trước khi mang thai có thể là nguyên nhân cản trở việc thụ thai. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu được tầm quan trọng và cách cải thiện sức khỏe tinh thần trong kế hoạch mang thai.
Tầm quan trọng của tinh thần trong việc chuẩn bị mang thai
Nhiều nghiên cứu cho thấy căng thẳng và lo âu trong cuộc sống hiện đại có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, làm giảm cơ hội có con của các cặp vợ chồng.
- Mất cân bằng hormone ở phụ nữ
Phụ nữ là đối tượng rất dễ gặp căng thẳng bởi áp lực từ công việc và gia đình. Một nghiên cứu của Đại học Louisville ở Kentucky (Mỹ) cho thấy yếu tố căng thẳng ảnh hưởng rất lớn đến khả năng làm mẹ. Cụ thể, những người phụ nữ tham gia nghiên cứu cảm thấy lo âu, căng thẳng trong những ngày rụng trứng. Đặc biệt, vào ngày 14 của chu kỳ họ sẽ có xu hướng giảm 40% cơ hội thụ thai so với người có tâm lý bình thường.
Theo các nhà khoa học, tình trạng căng thẳng kéo dài sẽ làm gia tăng nồng độ hormone prolactin ở nữ giới. Khi được sản sinh quá nhiều, chúng sẽ làm ngừng hoặc làm chậm quá trình rụng trứng và có thể gây vô sinh. Ngoài ra, căng thẳng còn gây ảnh hưởng đến đời sống chăn gối của phụ nữ, từ đó làm giảm ham muốn tình dục.
- Giảm chất lượng tinh trùng ở nam giới
Một vài nghiên cứu còn cho thấy, nếu họ rơi vào tình trạng căng thẳng cao độ sẽ gây ra nguy cơ đứt gãy ADN và làm tinh trùng bị biến dạng hoặc di chuyển chậm hơn.
Nguyên nhân được xác định là do những cơn căng thẳng đã kích thích cơ thể sản sinh ra steroid. Loại hormone này ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh tinh và làm giảm đi lượng testosterone. Ngoài ra, chúng cũng tác động đến khả năng cương cứng của dương vật, giảm ham muốn tình dục và có thể khiến cánh mày râu mất tự tin vào khả năng chăn gối.
Ngoài ra, khi căng thẳng có thể khiến bạn thực hiện những hành vi không lành mạnh có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Ví dụ:
- Ngủ quá nhiều hoặc ngủ quá ít
- Ăn uống theo cảm xúc hoặc không có đủ thời gian để ăn uống hợp lý
- Không có đủ thời gian để tập thể dục hoặc ép bản thân tập thể dục quá sức
- Uống quá nhiều đồ uống có cồn
- Hút thuốc lá, hoặc nếu bạn đã bỏ hút thuốc thì bắt đầu hút thuốc lại
- Uống quá nhiều cà phê, đặc biệt là nếu bạn bị thiếu ngủ
- Mất hứng thú trong quan hệ tình dục
Tất cả những điều này là những thói quen có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn.
Sức khỏe tinh thần ảnh hưởng lớn đến kế hoạch mang thai
Cách cải thiện tinh thần trong kế hoạch mang thai
Có nhiều cách giảm căng thẳng khác nhau phù hợp với từng người. Bạn nên tìm ra cách giảm stress phù hợp với mình để giúp bản thân thoải mái tận hưởng quá trình mang thai cũng như tăng tỉ lệ thụ thai thành công. Sau đây là 1 số cách bạn có thể áp dụng:
- Chủ động trang bị kiến thức trước khi mang thai: Nếu thuộc tuýp người ham học hỏi, bạn có thể đọc thêm sách hoặc lên mạng tìm kiếm các thông tin về quá trình chuẩn bị mang thai, trong và sau khi mang thai. Hoặc tham gia vào các nhóm hay lớp học để học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Trang bị cho mình những kiến thức cần thiết sẽ giúp bạn kiểm soát quá trình này một cách dễ dàng hơn, suy nghĩ tích cực hơn.
- Tập thể dục: Luôn giữ bản thân ở trạng thái năng động trong quá trình chuẩn bị mang thai không chỉ giúp bạn duy trì sức khỏe thể chất mà còn mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe tinh thần của bạn. Tập thể dục có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ và kích thích giải phóng endorphin, một chất giúp giảm đau tự nhiên. Các bài tập thở, thiền hoặc yoga nhẹ nhàng sẽ mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe tinh thần của bạn.
- Đừng nói cho nhiều người biết: Càng nhiều người biết về kế hoạch mang thai của bạn thì sẽ càng có nhiều người hỏi về điều đó, càng khiến bạn lo lắng và suy nghĩ. Bạn chỉ nên tâm sự với những người mình thật sự tin tưởng, những người có thể giúp đỡ bạn trong giai đoạn chuẩn bị mang thai.
- Các cặp vợ chồng cần sắp xếp ổn thỏa cuộc sống hàng ngày, chuẩn bị tài chính sẵn sàng, thông cảm, quan tâm, sẻ chia cùng nhau, không để tình trạng mất cân bằng về tâm lý hoặc tinh thần bất ổn.
- Nếu bạn đã cố gắng mang thai trong thời gian dài nhưng vẫn chưa thành công, căng thẳng và áp lực có thể bắt đầu được hình thành, khiến bạn cảm thấy tuyệt vọng. Lúc này, bạn hãy dành nhiều thời gian để trò chuyện với bạn đời về những cảm xúc của mình và cố gắng sống thật lạc quan. Nếu thuộc một trong hai trường hợp sau, dưới 35 tuổi và đã cố gắng thụ thai trong 12 tháng, hoặc trên 35 tuổi và đã cố gắng thụ thai 6 tháng nhưng chưa thành công, thì bạn nên trao đổi với bác sĩ của mình. Hiện nay có rất nhiều phương pháp giúp bạn cải thiện tình trạng này.
Cảm thông, chia sẻ là chìa khóa hạnh phúc của mỗi gia đình
Kết luận
Tóm lại, sức khỏe tinh thần đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch mang thai. Các cặp vợ chồng hãy chủ động tìm hiểu những giải pháp giải tỏa tinh thần phù hợp với mình, nếu cần thiết có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ y tế.