Tả do vi khuẩn Vibrio Cholerae
Vi khuẩn Vibrio cholerae, với khả năng lây lan nhanh chóng qua nước uống và thực phẩm bị ô nhiễm, có thể gây ra những đợt bùng phát dịch bệnh nguy hiểm, dẫn đến tiêu chảy cấp tính, mất nước nghiêm trọng và nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến tử vong. Chính vì vậy, việc hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng và các biện pháp phòng ngừa bệnh tả không chỉ là trách nhiệm của các chuyên gia y tế mà còn là kiến thức cơ bản mà mỗi người dân cần trang bị để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Tác nhân gây bệnh
Vibrio cholerae là vi khuẩn gây ra bệnh tả ở người, có dạng cong hình dấu phẩy (do đó được gọi là phẩy khuẩn), là vi khuẩn gram âm, có khả năng di động nhanh nhờ có một lông. Vi khuẩn phát triển tốt trong môi trường kiềm và nhiều chất dinh dưỡng như trong nước, thức ăn, trong cơ thể của các động vật biển (cá, cua, sò biển…) đặc biệt là trong nhiệt độ lạnh, vi khuẩn tả có thể sống được vài ngày đến 2 – 3 tuần. Ở nhiệt độ (80 độ C/ 5 phút), môi trường acid và hóa chất thông thường vi khuẩn dễ dàng bị tiêu diệt
Vi khuẩn Vibrio cholerae không gây tổn thương niêm mạc ruột mà sinh ra ngoại độc tố ruột LT (thermolabile toxin) độc tố ruột này gắn vào niêm mạc ruột non của người, hoạt hóa enzym Adenylcyclase dẫn đến tăng AMP vòng, làm giảm hấp thu ion Na+, tăng tiết ion Cl- dẫn đến nước và điện giải được vận chuyển tích cực từ tế bào ra lòng ruột gây ra tình trạng tiêu chảy cấp tính.
Đường lây truyền bệnh tả
Đường lây bệnh chủ yếu của phẩy khuẩn tả là lây truyền qua thức ăn và nước uống bị nhiễm vi khuẩn. Phân của người bị bệnh tả mang vi khuẩn thải ra ngoài môi trường, từ đó lây nhiễm nguồn nước và lương thực thực phẩm. Khi người lành sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm trên, hoặc ăn phải thức ăn có chứa vi khuẩn (ví dụ như hải sản chưa được chế biến kỹ, rau xanh được tưới tiêu bởi nguồn nước chứa vi khuẩn) có thể bị nhiễm bệnh.
Tiếp xúc trực tiếp: Mặc dù ít phổ biến hơn, nhưng tiếp xúc trực tiếp với người bệnh tả hoặc với các bề mặt bị ô nhiễm cũng có thể lây nhiễm.
Đối tượng nguy cơ mắc bệnh tả
Bất kỳ đối tượng nào tiếp xúc với nguồn nước, thức ăn có phẩy khẩy tả đều có thể bị bệnh. Tuy nhiên, người có nguy cơ mắc bệnh cao như: sống tại vùng dịch tễ có dịch tả lưu hành hoặc đang xảy ra, tiếp xúc với người bệnh bị bệnh tả, không đảm bảo an toàn vệ sinh như ăn phải thức ăn, nước uống chưa được nấu chín đặc biệt là hải sản tươi sống….
Triệu chứng bệnh
Sau khi nhiễm vi khuẩn tả, người bị nhiễm có biểu hiện rõ rệt với 3 triệu chứng là tiêu chảy, nôn, từ đó dẫn đến rối loạn nước và điện giải:
- Nôn: Người bệnh nôn dễ dàng, nôn nhiều, liên tục trong ngày, khó kiềm chế được.
- Tiêu chảy: Người bệnh đi ngoài liên tục, nhiều lần, khó cầm, số lượng vài chục lần, thậm chí 50 lần/ ngày hoặc có thể nhiều hơn không đếm được. Trong khi tiêu chảy có đặc điểm không có triệu chứng mót rặn và không đau bụng quặn cơn. Tính chất phân của người bị bệnh tả: phân nước, trong lẫn với hạt màu trắng như gạo hoặc phân như nước vô gạo, thường có mùi khá tanh, không thối, không có nhầy, không có máu. Trong phân chứa nhiều vi khuẩn tả, tế bào thượng bì, ion K+ và HCO3-, tuy nhiên do đặc điểm không gây tổn thương niêm mạc ruột nên khi làm xét nghiệm hồng cầu bạch cầu trong phân soi tươi thường âm tính.
- Rối loạn nước và điện giải: người bệnh bị mất nước, mất điện giải do hậu quả của nôn và tiêu chảy. Người bệnh thường sụt cân nhanh, da khô nhăn nheo, hốc hác, mắt lõm sâu, chân tay lạnh. Trường hợp nặng hơn có thể hạ thân nhiệt dưới 35 độ C, chuột rút, co cứng cơ do rối loạn nước và điện giải. Khi mất nước và điện giải nhiều, có thể dẫn tới sốc giảm thể tích với biểu hiện người mệt lử, ý thức không tỉnh táo, mạch nhanh, huyết áp tụt, thậm chí không đo được, tiểu ít hoặc vô niệu.
Chẩn đoán phân biệt
- Nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do Salmonella: Sau ăn thức ăn nhiễm khuẩn 12-14 giờ, sốt cao, đau bụng tiêu chảy và nôn có thể gây mất nước, phân có thể nước hoặc nước máu.
- Lỵ trực khuẩn: Sốt, đau quặn bụng, mót rặn và phân có máu mũi.
- Escherichia coli gây bệnh: Các nhóm huyết thanh O124, O136, O144 gây tiêu chảy và nôn do độc tố ruột.
- Do độc tố của tụ cầu: Ủ bệnh ngắn trong vài giờ sau khi ăn. Bệnh cấp tính như đau bụng dữ dội kiểu viêm dạ dày ruột cấp, nôn và tiêu chảy phân lỏng. Bệnh nhân không sốt và có khuynh hướng truỵ mạch
- Do ăn phải nấm độc: Không sốt, đau bụng nhiều, nôn và tiêu chảy sau khi ăn phải nấm độc. Trường hợp nặng có thể gây nôn ra máu, đi ngoài ra máu, vàng da và mê sảng. Cần hỏi kỹ tiền sử ăn uống.
- Tiêu chảy do ngộ độc hoá chất: Do ăn thức ăn có nhiễm hoá chất như hoá chất bảo vệ thực vật
Phương pháp chẩn đoán
- Soi tươi: Tiến hành soi tươi phân và chất nôn, trực tiếp phát hiện phẩy khuẩn tả di động
- Phân lập vi khuẩn: Nuôi cấy phân lập vi khuẩn, theo thường quy của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Những ca nghi ngờ hoặc dương tính cần được gửi lên tuyến xét nghiệm cao hơn để xác định và định typ huyết thanh. Các chủng phân lập cần được làm kháng sinh đồ để phục vụ cho việc điều trị.
- Kỹ thuật di truyền phân tử: Sử dụng kỹ thuật phản ứng chuỗi men polymerase (PCR) để xác định đoạn gen đặc hiệu của phẩy khuẩn tả.
- Xét nghiệm huyết thanh học: Sau nhiễm vi khuẩn tả, cơ thể có các loại kháng thể ngưng kết, kháng thể trung hòa và kháng thể kháng độc tố ruột. Xét nghiệm huyết thanh phát hiện kháng thể ngưng kết được tiến hành trong nghiên cứu, trên thực tế ít có giá trị trong giám sát phát hiện bệnh tả.
Nguyên tắc điều trị
- Bù đủ và kịp thời nước, điện giải thông qua đường uống (sử dụng ORS) hoặc truyền tĩnh mạch tuỳ tình trạng nguy kịch của bệnh.
- Sử dụng kháng sinh hợp lý dựa trên kết quả kháng sinh đồ.
- Không được dùng các thuốc làm giảm nhu động ruột như morphin, opizoic, atropin… Nên cho bệnh nhân ăn sớm, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu. Đối với trẻ còn bú, cần tăng cường bú mẹ.
- Tiêu chuẩn ra viện: Hết tiêu chảy, tình trạng lâm sàng ổn định, kết quả xét nghiệm cấy phân âm tính 3 lần liên tiếp. Nếu những cơ sở không có điều kiện cấy phân thì cho bệnh nhân ra viện sau khi ổn định về mặt lâm sàng được 1 tuần.
Biện pháp phòng ngừa bệnh tả
- Giáo dục cộng đồng: Nâng cao nhận thức về vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Vệ sinh môi trường: đảm bảo sử dụng nguồn nước sạch.
- Vệ sinh thực phẩm: thực hiện ăn chín, uống sôi, không nên ăn các loại hải sản tươi sống, mắm tôm sống vì nguồn bệnh tả có thể tồn tại bên trong và lây bệnh.
- Sử dụng vacxin tả đường uống trong những vùng có nguy cơ dịch tả cao theo chỉ đạo của cơ quan y tế dự phòng.
Bệnh tả do vi khuẩn Vibrio cholerae gây ra là một bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu phát hiện kịp thời. Việc duy trì vệ sinh tốt và cung cấp nước sạch là yếu tố quan trọng nhất để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh tả.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.