Suy thận giai đoạn cuối ở người cao tuổi
Suy thận là bệnh lý nguy hiểm, làm khả năng lọc máu dần suy giảm. Triệu chứng bệnh trong giai đoạn đầu thường diễn ra âm thầm. Khi có biểu hiện rõ ràng, bệnh đã tiến triển tới giai đoạn cuối, chức năng suy giảm nghiêm trọng. Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu hơn về suy thận mạn giai đoạn cuối, tác động của suy thận giai đoạn cuối lên sức khỏe người cao tuổi và phương pháp điều trị.
Suy thận giai đoạn cuối là gì?
Tổng quan về suy thận:
- Thường chia thành hai nhóm bệnh là suy thận cấp (thuật ngữ chuyên môn gọi là tổn thương thận cấp) và suy thận mạn (thuật ngữ chuyên môn gọi là bệnh thận mạn).
- Suy thận mạn là hậu quả của những bệnh lý liên quan đến thận. Đây là tình trạng chức năng của thận bị suy giảm rõ rệt, gần như không còn khả năng phục hồi.
Suy thận mạn gồm 5 giai đoạn. Trong đó, suy thận mạn giai đoạn cuối (hay còn gọi là giai đoạn 5)
- Đây là giai đoạn bệnh suy thận nghiêm trọng nhất. Thận đã tổn thương vô cùng nghiêm trọng với mức lọc cầu giảm thấp (< 15 mL/phút). Người bệnh xuất hiện nhiều triệu chứng lâm sàng do nhiều cơ quan đã bị nhiễm độc, nhất là tim mạch, tiêu hóa, thần kinh, hô hấp da và máu.
- Người bệnh suy thận giai đoạn 5 cần phải chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng thường xuyên nhằm duy trì sự sống và cải thiện tình trạng bệnh. Ghép thận ở giai đoạn này sẽ là phương pháp điều trị hiệu quả, mang lại hy vọng sống lâu dài cho người bệnh.
Tác động của suy thận giai đoạn cuối tới sức khỏe người cao tuổi
Biến chứng của bệnh suy thận ở người lớn tuổi:
- Thiếu máu: Người lớn tuổi khi bị suy thận mạn tính thường rất dễ bị thiếu máu. Người bệnh có thể bắt đầu bị thiếu máu trong giai đoạn đầu. Tình trạng này trầm trọng hơn ở giai đoạn III, IV, V. Nguyên nhân thiếu máu là do thận giảm tạo ra erythropoietin. Quá trình tạo máu (hồng cầu) cần sự có mặt của tủy xương, được ví như nhà máy sản xuất, cần có “nguyên liệu” là các chất acid amin, vitamin; trong đó erythropoietin được ví như “dầu nhớt” cho quá trình sản xuất đó. Khi hoạt động của thận giảm, cơ thể sẽ thiếu hụt hồng cầu, gây thiếu máu.
- Yếu xương: Để duy trì sự chắc khỏe cho xương, cơ thể rất cần bổ sung các chất như canxi, vitamin D, photpho. Khi thận khỏe, cơ quan này sẽ giữ cho hàm lượng canxi, vitamin D, photpho ở mức ổn định, bảo vệ sức khỏe của xương. Tuy nhiên, khi thận bị suy giảm chức năng, nồng độ photpho trong máu sẽ tăng cao, nồng độ canxi giảm xuống, dẫn đến tình trạng canxi trong xương bị lấy bớt đi để đưa vào máu, khiến xương bị yếu, dễ gãy.
- Bệnh tim: Nếu thận giảm chức năng hoạt động, hệ thống hormone điều hòa huyết áp buộc phải làm việc nhiều hơn để tăng lượng máu cung cấp cho các cơ quan trong đó có thận. Lúc này, tim phải hoạt động nhiều hơn, dẫn đến bệnh tim, suy tim.
- Tăng kali máu: Khi mắc bệnh, cơ thể không thể hay không đào thải hết lượng kali dư thừa, làm kali tồn tại quá nhiều trong máu. Tình trạng này có khả năng gây đau tim, thậm chí là tử vong. Triệu chứng phổ biến của tình trạng tăng kali trong máu là mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, đau nhức cơ, khó thở, nhịp tim bất thường: rối loạn nhịp, nhịp chậm và ngừng tim…
- Tích tụ nước trong cơ thể: Tình trạng suy thận có thể khiến cơ thể sẽ tích tụ lượng chất lỏng dư thừa, gây ra các vấn đề ở tim, phổi, cao huyết áp… Người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như bàn chân bị sưng tấy, khó thở do phổi có nước, tim đập nhanh hơn.
Một số tác động của suy thận giai đoạn cuối lên người cao tuổi
Phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối
Điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối hiện nay gồm 3 phương pháp chính là: ghép thận, lọc màng bụng, chạy thận nhân tạo. Mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng, lựa chọn phương pháp nào tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể của người bệnh.
Phương pháp ghép thận
Là phương pháp ghép một quả thận khỏe mạnh từ người hiến thận đã chết não vào cơ thể người người suy thận mạn giai đoạn cuối thay thế cho quả thận đã suy yếu, mất chức năng.
- Ưu điểm: Sau khi được ghép thận, bệnh nhân như có được quả thận của chính mình, chất lượng cuộc sống được cải thiện, có thể sinh hoạt, ăn uống bình thường. Người bệnh có thể đi công tác, du lịch dài ngày,… mà không phải gắn với bệnh viện nhiều như các phương pháp khác.
- Nhược điểm: Rất khó thực hiện. Nguồn thận được hiến tặng là rất ít, để tìm được một quả thận tương thích với cơ thể là vô cùng khó. Mặt khác, kinh phí phẫu thuật ghép thận là khá cao. Trừ khi quả thận ghép phù hợp 100% do được lấy từ anh em sinh đôi cùng trứng còn lại hầu hết các trường hợp sau khi ghép thận phải uống thuốc chống thải ghép cả đời.
Phương pháp lọc màng bụng
Dựa vào tính chất màng bụng là một màng bán thấm, phương pháp lọc màng bụng sử dụng chính màng bụng của bệnh nhân làm màng lọc, khoang màng bụng trở thành khoang dịch lọc và khoang máu chính là máu chảy trong lòng mạch máu của màng bụng. Các chất có nồng độ cao trong máu như Kali, ure, creatinin,… sẽ khuếch tán từ khoang máu sang khoang dịch lọc do chênh lệch nồng độ. Nước thừa từ máu sẽ di chuyển qua màng bụng sang khoang dịch lọc do sự chênh lệch áp suất thẩm thấu.
Lọc màng bụng gồm các phương pháp:
- Lọc màng bụng liên tục ngoại trú (CAPD): Bệnh nhân tự thay dịch lọc tại nhà, cứ mỗi 4 giờ xả dịch lọc cũ ra và thay 2 lít dịch lọc mới vào khoang màng bụng qua ống thông. Trong thời gian lọc màng bụng, người bệnh vẫn sinh hoạt, đi lại bình thường.
- Lọc màng bụng chu kỳ tự động (ADP): Là hình thức lọc màng bụng có sự trợ giúp của máy. ADP thông thường được chia thành:
- Lọc màng bụng liên tục chu kỳ (CCPD): Thiết bị sẽ tiến hành trao đổi dịch lọc vào cơ thể người bệnh một cách tự động 3-10 lần ban đêm. Ban ngày, người bệnh sẽ lưu một thể tích dịch lọc trong ổ bụng, dịch này sẽ được tháo ra trước chu kỳ lọc ban đêm.
- Lọc màng bụng cách quãng ban đêm (NIPD): Người bệnh không lưu dịch lọc trong ổ bụng ban ngày, số chu kỳ trao đổi dịch ban đêm tăng lên để loại bỏ tối đa nước thừa, các chất chuyển hóa tích tụ ban ngày.
- Ưu điểm: Đơn giản, dễ thực hiện, người bệnh không bị lệ thuộc vào máy móc. Do thực hiện tại nhà nên người bệnh thuận tiện trong sắp xếp công việc, học tập. Mỗi tháng chỉ cần đến bệnh viện một lần để nhận dịch lọc. Lọc màng bụng làm thay đổi nồng độ các chất hòa tan và lượng nước trong cơ thể một cách từ từ, do đó thích hợp với những người có huyết động không ổn định. Chế độ ăn của người bệnh không bị hạn chế nhiều như phương pháp chạy thận nhân tạo.
- Nhược điểm: Để thực hiện lọc màng bụng, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật để đặt một ống thông trên người, ống thông này sẽ cố định trong suốt thời gian lọc màng bụng. Nếu không tuân thủ theo đúng các hướng dẫn kỹ thuật và đảm bảo vệ sinh, vị trí đặt ống thông có thể bị nhiễm trùng gây viêm phúc mạc. Các biến chứng khác có thể gặp là tăng đường máu, rò rỉ dịch từ ổ bụng, hoạt động của cơ hoành bị hạn chế,…
Phương pháp lọc màng bụng
Phương pháp chạy thận nhân tạo
- Chạy thận nhân tạo là phương pháp điều trị thay thế thận cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối phổ biến nhất, chiếm 70-80% tổng số bệnh nhân. Nguyên lý của chạy thận nhân tạo là tạo một vòng tuần hoàn ngoài cơ thể, máu được dẫn ra các bộ lọc của máy để lọc nước thừa và các chất cặn bã trong quá trình chuyển hóa, sau đó máu được dẫn lại về cơ thể.
- Thông thường, bệnh nhân sẽ chạy thận nhân tạo 3 lần mỗi tuần, mỗi lần lọc máu kéo dài ít nhất 4 giờ. Để tiến hành chạy thận nhân tạo, bệnh nhân phải được phẫu thuật FAV để thiết lập đường dẫn máu, gồm một đường động mạch để dẫn máu ra khỏi cơ thể và đường tĩnh mạch để dẫn máu từ máy sau khi đã được lọc sạch về lại cơ thể. Do máu được dẫn ra khỏi cơ thể nên phải dùng thuốc heparin để chống đông máu.
- Ưu điểm: Nước và chất thải trong máu được lọc sạch hiệu quả. Việc chạy thận được thực hiện tại các cơ sở y tế, nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn nên đảm bảo về điều kiện vô khuẩn, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng, bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ trong quá trình chạy thận.
- Nhược điểm: Cuộc sống của bệnh nhân phải gắn liền với bệnh viện. Chế độ ăn phải được kiểm soát chặt chẽ theo sự hướng dẫn của bác sĩ, hạn chế muối tối đa, không ăn các loại thức ăn, trái cây nhiều Kali, hạn chế uống nước đặc biệt là vào những ngày không chạy thận. Ngoài ra bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng trong quá trình chạy thận như: hạ huyết áp, đau đầu, buồn nôn, chuột rút, các tai biến về tim mạch,…
Các phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối chỉ giúp điều chỉnh các rối loạn do suy giảm chức năng bài tiết của thận mà không thay thế được chức năng nội tiết. Do đó, cùng với các phương pháp lọc máu, bệnh nhân cần điều trị các rối loạn do suy giảm chức năng nội tiết của thận như tăng huyết áp, thiếu máu, thiếu calcitriol,…
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về suy thận giai đoạn cuối.