Hướng Dẫn Sử Dụng Cọ Trang Điểm Đúng Cách
Để có một lớp makeup đẹp ngoài một làn da đẹp, một chai kem nền phù hợp kết hợp với phấn phủ, phấn mắt hay má hồng thì cọ trang điểm cũng không kém phần quan trọng. Cọ trang điểm không chỉ giúp ta thao tác dễ dàng hơn mà còn đảm bảo vệ sinh cho sức khỏe làn da. Vậy sử dụng cọ trang điểm như thế nào cho đúng? Bạn hãy tìm hiểu bài viết dưới đây nhé.
Giới thiệu về các loại cọ trang điểm
Trước đây, khi cọ trang điểm chưa ra đời, chúng ta thường dùng tay là chủ yếu. Nhưng việc dùng tay đem lại nhiều hạn chế như tán kem không đều, độ che phủ không tốt và đặc biệt là gây mất vệ sinh cho da mặt do tay ta chứa rất nhiều vi khuẩn. Bên cạnh đó, việc dùng tay còn vô tình khiến sản phẩm bị hư, dễ biến đổi,…
Và sự xuất hiện của bộ cọ trang điểm như một vị cứu tin của các tín đồ mê makeup. Vì nó giúp tán kem nhanh, độ che phủ hoàn hảo hơn, kem dễ thẩm thấu vào da và cho lớp nền tự nhiên hơn. Hơn hết, chúng giúp bảo vệ làn da khỏe, không có nguy cơ bị mụn tấn công, mỹ phẩm sử dụng bền và đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình sử dụng.
Dưới đây là 10 loại cọ thường dùng:
Cọ tán kem nền (Foundation Brush)
Cọ tán kem nền là một trợ thủ đắc lực giúp các cô nàng sở hữu một lớp nền tự nhiên, đều và mịn hơn. Đầu cọ có dạng hình tròn, các sợi lông dày và bo tròn dễ dàng tán kem vào các vị trí khó tiếp cận trên khuôn mặt như khóe mắt, cánh mũi, khóe miệng. Sử dụng cọ để tán kem nền sẽ giúp bạn tiết kiệm được lượng kem lấy ra và kem tán được nhanh, che phủ cao, thẩm thấu vào da khiến lớp nền của bạn trông tự nhiên hơn.
Cọ phấn phủ (Powder Brush)
Cọ đánh phấn phủ có đầu cọ to, tròn, phần lông dày và mềm mại. Cấu tạo của cọ giúp phấn phủ được tán đều khắp khuôn mặt, che phủ vùng da dễ đổ dầu khiến lớp nền trông mịn màng hơn. Hiện nay, cọ phấn phủ được ưa chuộng sử dụng rất nhiều, góp mặt từ những bộ cọ đơn giản tới chuyên nghiệp vì công dụng “thần kì” của nó. Cọ giúp khắc phục tình trạng đổ dầu ở những vùng chữ T hay xương gò má, giúp bạn thao tác phủ phấn nhanh hơn, lấy đi phần thừa trên da, làm lớp nền lì và mịn hơn.
Cọ má hồng (Blush Brush)
Cọ má hồng có hình dạng khá giống cọ tán kem nền nhưng đầu cọ nhỏ, có nhiều hình dáng hơn (cọ tròn, cọ dẹt đầu tròn, cọ hình nến, …) và cán ngắn hơn. Tùy khuôn mặt, sở thích mà cô nàng có thể lựa chọn dáng cọ má hồng phù hợp cho bản thân, sử dụng để đánh phấn má hồng lên gò má khiến khuôn mặt tươi tắn, hồng hào hơn.
Cọ tạo khối (Kabuki Brush)
Cọ tạo khối giúp những đường nét trên khuôn mặt rõ ràng và sắc sảo hơn. Đầu cọ tạo khối thường có phần lông dẹp, sắc và mịn để hỗ trợ tạo khối những vùng cần nhấn nhá nổi bật như sống mũi, gò má, xương hàm, … tạo nét hài hòa, tinh xảo, sắc bén từng đường nét trên khuôn mặt.
Cọ đánh phấn mắt (Eyeshadow Brush)
Cấu tạo của cọ đánh phấn mắt có đầu cọ hình chổi, nhỏ, dẹt với nhiều kích thước sử dụng ở những vị trí khác nhau của đôi mắt. Sử dụng cọ đánh phấn mắt giúp bạn kiểm soát được lượng phấn lấy ra, thao tác đánh phấn nhanh và giúp màu phấn lên đều và đẹp hơn so với sử dụng bằng tay.
Cọ tán phấn mắt (Eyes Crease Brush)
Người ta thường nói, đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Do đó, đôi mắt luôn là nơi các cô nàng chăm chút tỉ mỉ điểm họa giúp gương mặt trở lên cuốn hút hơn. Cọ tán phấn mắt xuất hiện để giúp chị em làm công việc này. Cọ tán phấn mắt có đầu oval, lông mềm và dài hơn cọ đánh bầu mắt bình thường, giúp bạn điều chỉnh được độ đậm, nhạt của màu mắt, khiến đôi mắt trở nên sắc sảo và tinh tế hơn.
Khi bạn sử dụng gel hay kẻ mặt nước, với cấu tạo cọ kẻ mắt có đầu cọ siêu mảnh, nhỏ, sẽ giúp bạn điều chỉnh đường kẻ viền mí mắt tới viền đuôi mắt một cách dễ dàng chỉnh chu nhất, hạn chế bị lem khi kẻ mắt.
Cọ kẻ chân mày (Brow Brush)
Cọ kẻ chân mày được thiết kế cán dài, có sợi lông ngắn, đầu cọ dẹp và vát chéo. Giúp tán đều phấn chân mày và còn có thể dùng để kẻ eyeliner, tán phấn mắt hay viền môi đều được.
Cọ che khuyết điểm (Concealer brush)
Cọ che khuyết điểm với đầu cọ mảnh, nhỏ, giúp bạn dễ dàng lấy phần kem, phấn che khuyết điểm che đi trọng tâm những vùng da có mụn, nốt ruồi, nốt thâm,… giúp kem tệp vào da tạo cảm giác mềm mịn, không bị bệt mà căng bóng tự nhiên.
Cọ môi (Lips Brush)
Cọ môi là một item không thể thiếu trong túi đồ trang điểm để kẻ viền môi, giúp tôn dáng môi của bạn. Khi sử dụng cọ môi để tán son sẽ giúp đôi môi của bạn trở nên đẹp và chuẩn màu nhất vì đầu cọ hình tròn, nhỏ, dễ dàng dặm và tán son đều, điều chỉnh được viền môi theo ý thích của bạn.
Cách sử dụng cọ trang điểm cho từng loại mỹ phẩm
Cọ tán kem nền: Bạn cho kem nền ra mu bàn tay hoặc một chiếc nắp nhỏ rồi chấm đầu cọ vào kem nền. Kế đó, bạn dặm kem lên da theo chuyển động hình tròn và tán đều trên mặt.
Cọ đánh phấn phủ: Dùng cọ chấm vào phấn phủ, gõ nhẹ xuống hộp phấn để phấn thừa rơi bớt xuống. Sau đó, bạn dùng cọ đánh đều lên da, tập trung vào các phần thường xuyên đổ dầu và bắt sáng tốt. Cuối cùng, bạn dặm phấn lên toàn bộ gương mặt một cách nhẹ nhàng.
Cọ đánh má hồng: Bạn chấm đầu cọ vào phấn má hồng rồi tán lên mặt theo chuyển động tròn hoặc tán xéo lên trên theo xương gò má tùy theo sở thích của bạn.
Cọ che khuyết điểm: Cho kem khuyết điểm ra mu bàn tay hoặc chiếc nắp nhỏ, chấm đầu cọ vào kem rồi tán đều lên vùng da có khuyết điểm. Có thể tán thẳng hoặc xoáy tròn đều được, cho đến khi lớp kem hoà vào lớp nền bên dưới một cách tự nhiên.
Cọ tạo khối: Nên chọn các cây cọ tạo khối bằng lông tổng hợp. Khi sử dụng, bạn chấm đầu cọ vào bảng màu tạo khối rồi tán nhẹ nhàng lên vùng da cần tạo khối như trán, sống mũi, cằm.
Cọ kẻ chân mày: Dùng đầu cọ chân vào phấn chân mày rồi tán nhẹ lên lông mày theo hình dáng bạn yêu thích.
Cọ đánh bầu mắt: Dùng đầu cọ chấm vào bảng màu mắt yêu thích, sau đó tán nhẹ nhàng lên bầu mắt cho tới khi đạt được tone màu ưng ý.
Cọ đánh phấn mắt: Chấm đầu cọ vào màu mắt bạn yêu thích rồi tán nhẹ lên phần mắt theo sắc độ mong muốn.
Cọ kẻ mắt: Dùng đầu cọ chấm vào phần gel hoặc kem rồi tạo đường kẻ sắc nét, thanh mảnh trên mí mắt và điều chỉnh sắc độ theo ý muốn.
Cọ môi: Dùng đầu cọ lấy son rồi tán đều lên môi, tuỳ chỉnh độ đậm nhạt theo ý thích giúp đôi môi mềm mịn hơn.
Cách bảo quản và vệ sinh cọ trang điểm
Bộ cọ trang điểm nếu không vệ sinh thường xuyên thì các vi khuẩn, bụi bẩn sẽ tích tụ lại và gây hại cho da. Để cọ có thể bền và sử dụng lâu dài, bạn cũng phải vệ sinh và bảo quản cọ trang điểm đúng cách.
Vệ sinh bộ cọ trang điểm định kỳ
Thời gian vệ sinh bộ cọ trang điểm tùy theo loại cọ và tần suất sử dụng. Theo các chuyên gia, bạn nên vệ sinh cọ vào mỗi ngày hoặc sau khi sử dụng thì mới đảm bảo vệ sinh. Nhưng việc này không phải ai cũng thực hiện được, thay vào đó bạn có thể vệ sinh cọ sau 1 tuần hoặc 2 – 3 ngày thì vệ sinh 1 lần. Dưới đây là 1 số cách vệ sinh đơn giản tại nhà:
- Vệ sinh cọ trang điểm bằng sữa rửa mặt: Sữa rửa mặt là chất tẩy rửa chuyên dụng cho da mặt với khả năng làm sạch sâu bụi bẩn, bã nhờn, tế bào chết, lớp trang điểm,… Vì có độ an toàn cao cho vùng da nhạy cảm nhất trên cơ thể nên dùng sữa rửa mặt để vệ sinh cọ trang điểm là cách phù hợp nhất.
- Vệ sinh cọ trang điểm bằng nước rửa chén: Nước rửa chén là sản phẩm thay thế trong trường hợp không có sữa rửa mặt, ngoài công dụng làm sạch thì nước rửa chén còn có khả năng diệt khuẩn. Bạn có thể dùng trực tiếp nước rửa chén nguyên chất hoặc pha loãng với nước theo tỷ lệ 1:4 để vệ sinh cọ trang điểm.
- Vệ sinh cọ trang điểm bằng xà phòng: Xà phòng là sản phẩm tẩy rửa có khả năng làm sạch bụi bẩn, cặn kem nền, kem che khuyết điểm hoặc son môi,… Bạn có thể chọn mua những loại xà phòng dạng lỏng, thỏi hoặc bánh theo sở thích nhưng phải đảm bảo thành phần lành tính, dịu nhẹ, an toàn cho da.
- Vệ sinh cọ trang điểm bằng dung dịch vệ sinh chuyên dụng: Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại dung dịch chuyên dụng để vệ sinh riêng cho cọ hoặc các dụng cụ trang điểm. Đây là sản phẩm tẩy rửa chuyên nghiệp và phù hợp nhất, nhưng bạn cũng cần lưu ý chọn mua sản phẩm ở những cửa hàng uy tín để đảm bảo an toàn cho da của mình nhé.
Các bước làm sạch cọ trang điểm
Bước 1: Làm ướt cọ trang điểm bằng nước ấm
Đặt đầu của cọ trang điểm hướng xuống dưới vòi nước thường hoặc ấm. Tránh để nước chảy vào phần kẹp kim loại trên cán cọ và làm hỏng keo dán đầu cọ.
Bước 2: Rửa lại cọ với dung dịch làm sạch
Đầu tiên dùng một cái cốc nhỏ đựng một ít nước. Sau đó cho dung dịch làm sạch cọ chuyên dụng vào, nếu không có bạn có thể thay thế bằng dùng dầu gội hoặc là sữa tắm cho bé. Tiếp theo bạn xoáy đầu cọ theo vòng tròn để dung dịch hoà quyện và tạo bọt bong bóng li ti.
Bước 3: Ngâm cọ
Để đầu cọ ngâm trong dung dịch đã pha khoảng 10 phút để ra hết cặn phấn và bụi bẩn tích tụ trong cọ.
Bước 4: Xả lông cọ với nước
Sau khi lấy cọ đã ngâm ra, bạn tiếp tục xả lại đầu cọ dưới vòi nước cho đến khi nước không còn đục nữa. Lưu ý không để nước thấm vào phần cán cọ.
Bước 5: Thấm khô cọ bằng khăn bông.
Dùng khăn bông hoặc có thể sử dụng bông tẩy trang quấn đầu cọ lại dùng ngón tay vắt nhẹ nhàng đầu cọ để loại bỏ phần nước thừa thấm vào khăn.
Bước 6: Định hình phần đầu cọ
Dùng ngón tay điều chỉnh lại đầu cọ cho thẳng, không để bị cong. Sau đó bạn kéo thẳng, xòe phần lông ở đầu cọ về hình dáng ban đầu để định hình lại đầu cọ.
Bước 7: Hong khô cọ tự nhiên
Ở bước cuối này bạn không nên dùng máy sấy hay tác động nhiệt để làm khô cọ nếu không sẽ ảnh hưởng đến chất liệu và hình dáng đầu cọ. Thay vào đó, bạn nên đặt cọ lên mặt phẳng đã lót giấy ăn hoặc khăn bông khô và đợi cọ khô tự nhiên.
Bảo quản cọ trang điểm
Nếu bộ cọ trang điểm của bạn có túi riêng thì bạn hãy bảo quản trong túi ấy. Việc bảo quản cọ trong túi sẽ tránh được nhiều bụi bẩn. Nếu không có túi, bạn có thể sử dụng các hộp kín đảm bảo bụi bẩn và vi khuẩn không thể lọt vào.
Trên đây là những thông tin chia sẻ về cọ trang điểm, các loại và chức năng của từng loại và sử dụng sản phẩm một cách hiệu quả. Hy vọng bạn sẽ cảm thấy hữu ích.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.