Sốt xuất huyết do virus Hanta: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Virus Hanta thuộc họ Bunyaviridae, chúng gây ra hai thể bệnh với tỷ lệ tử vong cao là Sốt xuất huyết hội chứng thận (HFRS – Haemorrhagic Fever with Renal Syndrome) và Hội chứng phổi do vi rút Hantan (HPS – Hantanvirus Pulmonary Syndrome). Trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu về Sốt xuất huyết hội chứng thận (HFRS – Haemorrhagic Fever with Renal Syndrome) do virus Hanta. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu do hít phải những vật thể trong không khí hình thành từ chất thải hoặc qua vết cắn của động vật gặm nhấm có nhiễm virus, đặc biệt là chuột.
Triệu chứng của sốt xuất huyết hội chứng thận do virus Hanta
Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus có 2 – 3 tuần để sinh sản và bắt đầu gây bệnh. Đây gọi là thời gian ủ bệnh của virus. Một người mắc bệnh sốt xuất huyết kèm suy thận do Hantavirus thường có những biểu hiện giống với bệnh cảm cúm như: sốt, ho, nhức đầu, đau mỏi cơ, buồn nôn, chán ăn, suy nhược cơ thể…
Hội chứng sốt thận có thể chia làm 5 pha:
Pha sốt: Kéo dài từ 3 tới 6 ngày. Bắt đầu sốt đột ngột kèm theo ớn lạnh, đau đầu, mệt mỏi, hoa mắt, đau cơ, đau lưng, biếng ăn, buồn nôn. Bệnh nhân thường biếng ăn và khát nước luôn đi kèm với sốt. Buồn nôn và đau bụng thường xuất hiện trong suốt giai đoạn này. Bệnh nhân mắc tiêu chảy trong vài ngày đầu. Mắt có dấu hiệu quáng gà, kèm theo đau mắt và sợ ánh sáng. Có dấu hiệu nổi ban khác nhau trên mặt, cổ, phía trước ngực.
Huyết áp giảm: thường xuất hiện vào ngày thứ 5, các triệu chứng ở pha sốt trở nên nặng hơn, bệnh nhân có dấu hiệu tụt huyết áp. Có trường hợp giảm xuống dưới 90mmHg có thể nhìn thấy được tình trạng sốc. Bệnh nhân kèm theo triệu chứng chảy máu cam, các vết tụ máu, xuất huyết nội tạng
Bí tiểu: Bệnh nhân tăng huyết áp trở lại trong vòng từ ngày thứ 6 tới ngày thứ 8, chứng bí tiểu nổi bật, có dấu hiệu ure tăng; Bệnh nhân tiếp tục mỏi mệt, khát nước, đau ổ bụng và đau lưng, buồn nôn kéo dài, có dấu hiệu nấc (hiccups), đốm xuất huyết, vết bầm máu. Thời gian tiếp theo, bệnh nhân có thể bị phù phổi kèm theo tăng huyết áp đột ngột nên rất nguy hiểm
Đa niệu: Xuất hiện từ ngày thứ 9 tới ngày thứ 14. Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh nhân không bí tiểu thì chứng đa niệu vẫn xuất hiện. Đi kèm với chứng giảm huyết áp.
Phục hồi: Thường từ 3 tới 6 tuần. Trong thời gian này, bệnh nhân tăng cân trở lại một cách chậm chạp, các cơ bắp vẫn còn yếu, xuất hiện đái nhiều.
Không phải người bệnh nào cũng xảy ra đủ 5 pha như trên. Thực tế có nhiều trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị sốc cấp tính, suy thận cấp dẫn đến tử vong. Bệnh sốt xuất huyết kèm suy thận do virus Hanta với tỷ lệ tử vong khoảng 5 – 10%. Sau khi hồi phục, bệnh nhân vẫn thường gặp phải các vấn đề rối loạn chức năng thận.
Nguyên nhân
Các nhà khoa học Triều Tiên đã phát hiện ra virus Hantan vào năm 1976, chúng phân bố khắp nơi trên thế giới và tồn tại trong chuột đồng, chuột sống trong thành phố và cả chuột nuôi trong phòng thí nghiệm. Các giống chuột khác nhau là ổ chứa của các tuýp virus Hantan khác nhau. Virus Hantan đã thấy ở loài chuột Rattus Norvegicus ở một số tỉnh miền Bắc Việt Nam. Đã có 11 chủng của Việt Nam được đăng ký tại Ngân hàng gen Quốc tế trong đó 10 chủng có cấu trúc gen thuộc chủng vùng Seoul, đặc biệt đã phát hiện một virus mới tại tỉnh Cao Bằng và được đặt tên là virus CBVN
Chu kỳ truyền bệnh của virus Hantan: Trong thiên nhiên (ổ dịch tiên phát), virus Hantan tồn tại trong chuột và do tiếp xúc, lan truyền virus này sang chuột sống lẫn trong cộng đồng dân cư (ổ dịch thứ phát) gặp thời cơ và do con người tiếp xúc với các chất thải có virus Hanta, gây dịch cho người. Hiện nay, chưa có bằng chứng về việc lan truyền virus Hantan qua động vật chân khớp hoặc giữa người với người
Đối tượng nguy cơ cao nhiễm virus Hanta
Những đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh sốt xuất huyết do virus Hanta thường là những người có tiếp xúc gần với môi trường và điều kiện sống của động vật gặm nhấm nhiễm virus. Dưới đây là các nhóm đối tượng nguy cơ cao :
- Công nhân làm trong nông trại
- Những người làm việc trong rừng,ngoài trời
- Người sống trong điều kiện môi trường kém vệ sinh
- Những người tiếp xúc với chuột thú cưng
- Những người làm trong điều tra dịch tễ gây ra bởi virus Hanta
Biện pháp phòng ngừa nhiễm virus Hanta
Vi rút tồn tại trong chuột đồng, chuột sống trong thành phố và cả chuột nuôi trong phòng thí nghiệm, cần tuyên truyền, giáo dục sức khỏe nhất là các nhà nghiên cứu khoa học có liên quan đến động vật gặm nhấm, công nhân lâm nghiệp, bộ đội biên phòng, nông dân nên tránh xa nguồn lây lan virus Hanta là chuột.
- Vệ sinh phòng bệnh: ngủ màn, tránh tiếp xúc với động vật gặm nhấm.
- Loại trừ và không để gặm nhấm tấn công vào nhà.
- Ngăn ngừa không cho loài gặm nhấm xâm phạm thức ăn của người và gia súc.
- Khử khuẩn các vùng có loài gặm nhấm nhiễm bệnh bằng phun hóa chất khử khuẩn trước khi làm sạch. Không quét và hút bụi ở nơi có chuột mà nên dùng khăn tẩm hóa chất để lau.
- Đánh bẫy loài gặm nhấm với những biện pháp thích hợp. Không nên dùng phương pháp bẫy sống.
- Trong vùng có bệnh lưu hành ở động vật, hạn chế tới mức tối thiểu việc tiếp xúc với các loài gặm nhấm hoang dại và các chất thải của chúng.
Hiện nay, bệnh do virus Hanta vẫn chưa có vacxin phòng bệnh và thuốc kháng virus đặc hiệu trong điều trị. Bệnh nhân sẽ được điều trị bằng các phương pháp hỗ trợ như cấp cứu bằng đặt nội khí quản, thở máy, kỹ thuật ECMO,… để đưa bệnh nhân ra khỏi cơn nguy kịch.
Có thể thấy, Virus Hanta là thủ phạm gây chứng bệnh nguy hiểm “Sốt xuất huyết hội chứng thận”. Một hội chứng khác không kém nguy hiểm là “Hội chứng phổi do virus Hanta” cũng là mối đe dọa đến sức khỏe con người. Để đề phòng các bệnh sốt xuất huyết cùng nhiều bệnh khác gây ra bởi Hantavirus, bạn có thể thực hiện các biện pháp trên để phòng bệnh hiệu quả.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.