Sốt phát ban khi mang thai có ảnh hưởng đến thai nhi hay không?
Sốt phát ban là bệnh phổ biến ở lứa tuổi trẻ em. Bệnh không gây biến chứng và điều trị khá dễ dàng. Tuy nhiên, sốt phát ban ở phụ nữ mang thai lại đặc biệt nguy hiểm vì bệnh có thể làm tăng nguy cơ dị tật thai hoặc sảy thai nếu người mẹ nhiễm virus. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Nguyên nhân gây sốt phát ban ở phụ nữ mang thai
Khi mang thai, hệ thống miễn dịch của người mẹ suy yếu hơn bình thường nên virus dễ dàng xâm nhập và gây bệnh. Nếu như tiếp xúc với virus Herpes 6 hoặc 7 trong giai đoạn này, phụ nữ đang mang thai có nguy cơ bị sốt phát ban.
Giống như nhiều bệnh nhiễm trùng khác, virus sốt phát ban lây từ người sang người thông qua việc tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp hay nước bọt của người bị nhiễm bệnh, chẳng hạn như dùng chung ly nước với một đứa trẻ bị nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, nếu như phụ nữ mang thai từng bị sốt phát ban khi còn nhỏ thì khả năng mắc bệnh rất thấp vì trong cơ thể đã được sản sinh kháng thể chống lại virus gây hại trên.
Triệu chứng sốt phát ban ở phụ nữ mang thai
Thông thường, sốt phát ban ở phụ nữ mang thai thường kéo dài từ 1-2 tuần với các triệu chứng đặc trưng sau:
- Sốt
Phụ nữ đang mang thai bị sốt phát ban sẽ xuất hiện triệu chứng sốt cao, đột ngột (trên 39,4 độ C). Một số đối tượng có thể bị đau họng, sổ mũi, ho trước khi bị sốt. Cũng có nhiều trường hợp phụ nữ mang thai bị nổi hạch bạch huyết ở cổ. Thông thường, cơn sốt kéo dài khoảng 3 – 5 ngày.
- Phát ban
Trong phần lớn trường hợp, phát ban xuất hiện sau khi hết sốt. Phát ban trên da có thể rải rác từng đốm nhỏ có vòng trắng bao quanh hoặc hình thành các mảng lớn.
Phát ban khởi phát đầu tiên ở lưng, bụng, sau đó lan sang cánh tay, cổ. Phát ban không gây ngứa ngáy, khó chịu, có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày trước khi mờ dần.
Ngoài ra, người bị sốt phát ban có thể xuất hiện những biểu hiện khác như:
- Sưng mí mắt
- Giảm sự thèm ăn
- Khó chịu trong người
- Tiêu chảy nhẹ
Ảnh hưởng của sốt phát ban đối với thai kỳ
Sốt phát ban nghe chừng đơn giản nhưng nguy cơ cho bà bầu là rất lớn, nó phụ thuộc vào thời gian mà thai phụ mắc bệnh.
Đặc biệt vào 3 tháng đầu, là thời kỳ hình thành phôi và phát triển các bộ phận của thai nhi. Vì vậy, virus sẽ theo máu mẹ qua rau thai xâm nhập vào bào thai dễ gây sẩy thai, đẻ non, chảy máu bất thường và dị dạng cho thai nhi. Khi mẹ bầu bị sốt phát ban lần đầu tiên có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe thai kỳ. Những biến chứng có thể xảy ra khi bà bầu lần đầu bị sốt phát ban gồm có:
- Virus HHV (Human Herpesvirus) 6/7 được cho là 1 trong những tác nhân khiến bà bầu 3 tháng đầu bị sảy thai.
- Virus HHV 6/7 làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi và gây sinh non trong 3 tháng cuối thai kỳ
Mẹ bầu bị sốt cao có thể gây mất nước, rối loạn điện giải gây co giật, tổn thương hệ thần kinh, hồng cầu bị phá vỡ dẫn đến thiếu sắt và kẽm. Nghiêm trọng hơn, bà bầu bị sốt cao có thể dẫn tới chán ăn, suy kiệt, mê sảng, suy tim, suy hô hấp,… có thể đe dọa tới tính mạng.
Bà bầu bị sốt phát ban thân nhiệt có thể tăng cao đột ngột tới 39,4 độ C, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng. Để có thể can thiệp kịp thời, giảm tác hại mà sốt cao có thể gây ra, khi bà bầu bị sốt từ 38,5 độ C trở lên cần được đưa ngay tới các cơ sở y tế để bác sĩ theo dõi và can thiệp đúng lúc.
Sốt phát ban rất nguy hiểm cho phụ nữ mang thai
Cách phòng ngừa
Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mẹ và bé trong suốt thai kỳ, phụ nữ mang thai cần hạn chế phơi nhiễm với virus gây bệnh. Những ai chưa từng bị sốt phát ban thời thơ ấu càng đặc biệt thận trọng hơn. Một số biện pháp phòng ngừa như:
- Tiêm phòng vacxin trước khi mang thai 3 tháng
Phụ nữ nên tiêm phòng trước mang thai 3 tháng đề phòng ngừa sốt phát ban
- Giữ khoảng cách với trẻ em bị nhiễm virus Herpes.
- Nên thăm khám và có biện pháp chăm sóc đặc biệt nếu như nghi ngờ mình bị nhiễm HHV-6.
- Nếu trong gia đình có thành viên bị nhiễm virus HHV-6, nên giữ khoảng cách, tránh dùng chung vật dụng cá nhân, rửa tay thường xuyên để tránh lây bệnh cho phụ nữ mang thai.
Trên đây là những chia sẻ về sốt phát ban ở phụ nữ mang thai. Bệnh có thể làm tăng nguy cơ dị tật ở thai nhi. Hãy chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, mẹ cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.