Sốt hồi quy: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Sốt hồi quy là một bệnh nhiễm khuẩn ở người, một số động vật hoang dã và đôi khi các loài vật nuôi như chó, mèo. Bệnh do xoắn khuẩn Borrelia recurrentis gây ra. Chúng thường xâm nhập vào cơ thể người thông qua các con vật ký sinh như chấy rận hay bọ tùy theo vùng. Đặc trưng của bệnh là các cơn sốt lặp đi lặp lại xen kẽ với các đợt thuyên giảm có vẻ như đã khỏi bệnh. Cùng tìm hiểu Sốt hồi quy là gì? triệu chứng, nguyên nhân và điều trị như thế nào? ở bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Sốt hồi quy là một bệnh nhiễm khuẩn gây ra bởi xoắn khuẩn Borrelia recurrentis được truyền từ bọ, chấy rận sang gây bệnh cho người và động vật. Đặc điểm của bệnh là những chu kỳ sốt lặp lại nhiều lần xen kẽ với chu kỳ không sốt. Sốt hồi quy thường xuất hiện phổ biến ở những nước nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Sốt hồi quy thường không lây trực tiếp từ người sang người. Tuy nhiên, khi một người bị rận ký sinh trên da, chúng sẽ hút máu người bệnh và làm cho người bệnh bị nhiễm xoắn khuẩn. Vài ngày sau, những xoắn khuẩn này trở thành nguồn lây bệnh cho người khác.
Triệu chứng của sốt hồi quy
Thời gian ủ bệnh thường khoảng 1 tuần sau khi nhiễm mầm bệnh, người bệnh sẽ gặp những triệu chứng sau:
- Sốt, rét run
- Nhịp tim nhanh
- Buồn nôn, nôn
- Đau khớp
- Đau đầu dữ đội
- Khi sốt cao có thể gây mê sảng
- Gan to, lách to
- Sung huyết da và niêm mạc.
Thông thường, những triệu chứng trên sẽ kéo dài từ 3 tới 10 ngày. Sau đó, bệnh sẽ tái phát lại sau khoảng 1 tới 2 tuần nhưng ít trầm trọng hơn. Người bệnh có thể gặp 3 tới 10 đợt phát như vậy cho tới khi bệnh khỏi hoàn toàn.
Biến chứng có thể gặp khi bị sốt hồi quy
Sốt hồi quy nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây ra một số biến chứng sau:
- Gan to và vàng da
- Viêm màng não lympho
- Viêm cơ tủy
- Viêm cơ tim
- Viêm màng bồ đào
- Viêm dây thần kinh thị giác ở sau nhãn cầu
- Viêm thận
- Hội chứng xuất huyết
Nguyên nhân sốt hồi quy
Nguyên nhân gây ra sốt hồi quy là do Borrelia recurrentis – một loại xoắn khuẩn gây ra thông qua vật truyền nhiễm trung gian là chấy rận và bọ.
Borrelia recurrentis có hình dạng lượn sóng hoặc xoắn ốc. Chúng thường dài khoảng 10 – 30 micromet và chiều ngang khoảng 0,2 micromet. Tuy Borrelia recurrentis không có nội độc tố nhưng chúng lại có nhiều Lipoproteins có thể kích hoạt những Cytokine gây viêm. Khi xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ theo dòng máu gây tổn thương những cơ quan như hệ thần kinh trung ương, gan, mắt,…
Borrelia recurrentis trú ngụ ở tất cả các mô của ve bọ, chấy rận. Người bệnh có thể bị nhiễm bệnh thông qua vết đốt của ve bọ, chấy rận hay qua tiếp xúc với chúng qua vết thương ở da.
Đối tượng nguy cơ
Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) Sốt hồi quy?
Mọi đối tượng đều có thể mắc sốt hồi quy, nhưng những người nuôi chó mèo, tiếp xúc với người bệnh, hoặc sống trong môi trường ô nhiễm có nguy cơ cao hơn.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) Sốt hồi quy
Nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị sốt hồi quy:
- Những người nuôi chó mèo thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Tiếp xúc với những người bị bệnh.
- Tới những vùng đang có dịch bệnh.
- Sống trong môi trường ô nhiễm, điều kiện vệ sinh kém tạo điều kiện cho chấy rận, ve bọ phát triển.
Chẩn đoán sốt hồi quy
Chẩn đoán bệnh sốt hồi quy bắt đầu bằng tiền sử bệnh và những triệu chứng lâm sàng. Sau đó, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm. Những xét nghiệm thường thấy như:
- Sinh thiết mô: Phát hiện Borrelia recurrentis bằng phương pháp ngấm bạc hoặc những phương pháp miễn dịch hóa học.
- Xét nghiệm máu: Thiếu máu, tiểu cầu giảm.
- Xét nghiệm nước tiểu: Xuất hiện protein niệu, trụ niệu.
- Tìm xoắn khuẩn trong máu ở những thời kỳ sốt bằng phương pháp soi trực tiếp dưới kính hiển vi.
- Thực hiện phản ứng B.W (Bordet và Wassermann): Thường cho kết quả dương tính trong 10 – 20% tổng trường hợp.
- Tiêm truyền cho chuột nhắt: Xuất hiện xoắn khuẩn trong máu chuột nhắt trong khoảng 48 giờ.
Điều này rất quan trọng để có thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh giúp bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt.
Phương pháp điều trị Sốt hồi quy
Điều trị sốt hồi quy hiệu quả bằng kháng sinh như Tetracycline, Doxycycline. Với những người chống chỉ định với hai loại này,bác sĩ có thể chỉ định dùng Cloramphenicol và Penicillin
Lưu ý: Thuốc chỉ được sử dụng khi có sự chỉ định của bác sĩ. Phụ thuộc vào sức khỏe cũng như tình trạng người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ cũng như liều lượng điều trị phù hợp.
Phòng ngừa bệnh sốt hồi quy
Dưới đây là một số cách đơn giản có thể giúp phòng ngừa sốt hồi quy, cụ thể:
- Thực hiện những biện pháp diệt chấy rận và những ổ bọ.
- Vệ sinh sạch sẽ xung quanh nhà ở.
- Đối với vật nuôi cần được tắm rửa sạch sẽ bằng xà phòng có thành phần diệt ve bọ.
- Khi làm việc trong môi trường ô nhiễm, rừng hoặc nơi âm u cần mặc đồ bảo hộ và sử dụng thuốc xịt côn trùng.
- Nếu phát hiện những triệu chứng trên nên tới bệnh viện kiểm tra để điều trị bệnh sớm.
Kết luận
Sốt hồi quy là một bệnh nguy hiểm, nhưng có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện kịp thời. Việc hiểu rõ về triệu chứng, nguyên nhân, và các phương pháp điều trị là rất quan trọng. Hãy luôn chú ý đến vệ sinh môi trường sống và chăm sóc sức khỏe của bản thân cũng như gia đình. Nếu bạn có triệu chứng bất thường, hãy đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.