Sodium Bicarbonate là gì? Chỉ định và chống chỉ định
Sodium Bicarbonate (Natri bicarbonat) là thuốc có tác dụng làm giảm thiểu các triệu chứng của bệnh nhiễm trùng tiết niệu ở mức độ nhẹ. Vậy liều lượng dùng Sodium Bicarbonate như thế nào là phù hợp? Cần lưu ý điều gì khi sử dụng loại thuốc này? Hãy cùng Pharmacity giải đáp các thắc mắc trên thông qua bài viết dưới đây!
Mô tả về Sodium Bicarbonate
Sodium Bicarbonate là một loại thuốc kháng acid và thuốc kiềm hóa, được dùng để điều trị tình trạng nhiễm acid hay kiềm hóa nước tiểu. Dưới đây là các dạng thuốc và liều lượng Sodium Bicarbonate phổ biến mà bạn có thể tham khảo, gồm:
- Dạng dung dịch tiêm: 1,4%; 4,2%; 7,5% và 8,4%.
- Dạng lọ thủy tinh với các dung tích: 10ml, 50ml, 100ml hoặc chai thủy tinh, gồm 250ml và 500ml.
- Dạng uống (có thể dùng dạng ống thông mũi – dạ dày): Thường được dùng để chuẩn bị làm xét nghiệm và kết hợp giữa natri bicarbonat cùng một số chất điện giải như natri clorid, kali clorid, natri sulfat.
- Dạng viên nén: 325mg, 500mg, 650mg, 1000mg.
- Dạng gói: 5g, 10g, 20g, 50g, 100g.
- Dạng viên phối hợp: Gồm có natri bicarbonat cùng với các loại thuốc acid khác, như magnesi carbonat, nhôm hydroxyd, bismuth subnitrate và magnesi trisilicat.
Tuy nhiên, do tiềm ẩn nhiều nguy cơ và tác dụng phụ không mong muốn, Cục Quản lý Dược đã thông báo ngừng cấp phép lưu hành các loại thuốc uống chứa thành phần natri bicarbonat. Vì vậy, những thông tin về dạng uống có chứa natri bicarbonat chỉ mang tính chất tham khảo và không được khuyến khích sử dụng.
Chỉ định dùng thuốc Sodium bicarbonate
Thuốc Sodium bicarbonate giúp kiềm hóa trong các trường hợp nhiễm toan chuyển hóa, hoặc để kiềm hóa nước tiểu và kháng acid (dạ dày). Ngoài ra, thuốc còn hỗ trợ làm giảm các triệu chứng khó chịu khi người bệnh bị nhiễm trùng tiết niệu ở mức độ nhẹ.
Dược lực học của Sodium bicarbonate
Natri bicarbonate đóng vai trò quan trọng trong hệ thống đệm ở khoang ngoại bào. Do đó, nhờ vào đặc điểm kiềm hóa rất nhanh mà natri bicarbonat sẽ giúp đường thông khí phổi không bị tổn thương nhờ vào tác dụng đệm và làm tăng sự giải phóng carbon dioxide.
Bên cạnh đó, natri bicarbonat còn có khả năng kiềm hóa rất nhanh trong trường hợp cần kiềm hóa, nhiễm acid do acid lactic hay nhiễm acid chuyển hóa. Ngoài ra, đối với thuốc Sodium bicarbonate dạng uống thì natri bicarbonate còn làm giảm độ acid ở bộ phận dạ dày và thường được dùng kết hợp với các loại thuốc khác như enzym tiêu hóa, acid alginic, glutamine,…
Dược động học của Sodium bicarbonate
Đi kèm với dược lực học thì dược động học của thuốc Sodium bicarbonate gồm có các đặc điểm như:
- Hấp thu: Khi tiêm natri bicarbonat vào tĩnh mạch, thuốc sẽ phát huy tác dụng ngay bằng cách trung hòa nhanh acid trong dạ dày và được hấp thụ tốt thông qua đường tiêu hóa.
- Phân bố: Phần lớn natri bicarbonat đều có trong các chất lỏng của cơ thể, tạo sự trung hòa acid dịch vị và tạo ra khí cacbonic. Lúc này, các ion bicarbonate hòa tan vào máu và di chuyển dễ dàng hơn vào máu não.
- Chuyển hóa: Ion bicarbonate là một chất điện giải đơn giản nên không thể chuyển hóa qua gan mà được thải trừ ra khỏi cơ thể qua đường bài tiết.
- Thải trừ: Ion bicarbonate thường được bài tiết thông qua nhiều con đường khác nhau, cụ thể là hệ thống phổi, thận và nước tiểu.
Tương tác thuốc Sodium bicarbonate và các loại thuốc khác
Do natri bicarbonat gây kiềm hóa nước tiểu, vì thế mà việc kết hợp giữa chất này với quinidin, amphetamin, pseudoephedrin hay các loại thuốc cường giao cảm sẽ làm tăng độc tính của các thuốc trên. Không những thế, chúng còn làm tăng sự thải trừ lithi hay làm giảm tác dụng của các chất như sucralfat, digoxin, rifampicin, clorpromazin, penicilamin, diflunisal, warfarin, thuốc kháng cholinergic, thậm chí làm vỡ lớp vỏ của các loại thuốc dạng viên nén bao tan ở ruột.
Ngoài ra, natri bicarbonat cũng tương kỵ với các chất chứa ion calci, magnesi, aspirin. Do đó, người dùng không nên tự ý thêm các thuốc khác vào trong dung dịch natri bicarbonat nhằm tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Đặc biệt, không được dùng chung giữa natri bicarbonat với rượu vì có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Chống chỉ định khi dùng Sodium bicarbonate
Sodium bicarbonate không được khuyến cáo sử dụng ở những đối tượng, như:
- Người bị viêm loét đại tràng, trực tràng, bệnh Crohn, mắc hội chứng tắc hay bán tắc ruột, hội chứng đau bụng nhưng chưa rõ nguyên nhân.
- Không dùng dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch có chứa natri bicarbonat cho người bị suy tim, tăng huyết áp, sàn giật, tổn thương thận.
- Người đang bị rối loạn tiêu hóa hay gặp chứng khó tiêu.
- Người bị hạ calci, hạ clo hoặc tăng aldosteron máu.
- Việc sử dụng natri bicarbonat để giải độc trong trường hợp ngộ độc axit có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như căng phồng dạ dày và thoát vị dạ dày.
Liều lượng & cách dùng của thuốc Sodium bicarbonate
Thuốc Sodium bicarbonate có thể được sử dụng để điều trị cho cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, liều lượng sử dụng sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng đối tượng.
Đối với người lớn
Có 2 dạng chính, gồm dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch và dạng uống, cụ thể:
- Sử dụng dạng tiêm truyền tĩnh mạch:
- Người bệnh không xét nghiệm được khí máu động mạch (ABGs): Nên tiêm 1 mEq/kg (1 mmol/kg) và sau 10 phút thì tiêm không quá 0,5 mEq/kg (0,5 mmol/kg).
- Người bệnh đã xác định được ABGs: Lượng natri bicarbonat được tính với công thức là: liều natri bicarbonat (mmol) = mức thiếu kiềm (mmol/l) x 0,3 x trọng lượng (kg). Khi đó, 1g natri bicarbonat sẽ tương đương với 11,9 mmol natri và 11,9 mmol bicarbonat.
Tuy nhiên, khi điều trị nhiễm acid thì bạn không nên dùng thuốc quá nhanh. Ban đầu, chỉ nên dùng một nửa liều lượng tính toán được. Sau đó, cần kiểm tra lại khí trong máu để quyết định có nên tiếp tục điều trị hay không.
- Sử dụng dạng uống:
- Liều dùng thông thường: 500 mg/lần, 3 lần/ngày và dùng sau khi ăn.
- Trường hợp người bệnh dùng thuốc nhằm kiềm hóa nước tiểu hay giảm các triệu chứng của bệnh viêm đường tiết niệu nhẹ: 10g/ngày, uống với nhiều nước và chia thành nhiều liều.
Đối với trẻ em
Đối với trẻ em thì Sodium bicarbonate cũng được dùng tiêm truyền tĩnh mạch hoặc sử dụng dạng uống, cụ thể:
- Sử dụng dạng tiêm truyền tĩnh mạch:
- Trẻ tuổi vị thành niên bị nhiễm toan chuyển hóa ít khẩn cấp: 2 – 5mEq/kg và truyền từ 4 – 8 giờ nhưng với các liều tiếp theo thì cần phải dựa vào mức độ phản ứng của người bệnh.
- Trẻ sơ sinh và trẻ em đang hồi sức trong nhi khoa: Nên tiêm chậm khoảng 1 mEq/kg.
- Bé bị rối loạn nhịp thất do ngộ độc cocain: Tiêm từ 1 – 2 mEq/kg.
- Sử dụng dạng uống:
- Bé từ 8 – 10 tuổi: 250mg/lần với 3 lần/ngày.
- Trẻ từ 11 – 14 tuổi: 1000mg và chia làm 2 – 3 lần/ngày.
Đối với cách dùng của dạng viên uống thì bạn nên nhai nhẹ thuốc trước khi nuốt. Trường hợp áp dụng tiêm truyền tĩnh mạch thì nên tiêm vào tĩnh mạch chủ, thực hiện với tốc độ là natri bicarbonat 4,2% nghĩa là 40 giọt/phút = 120ml/giờ hoặc tiêm natri bicarbonat 7,5% và 8,4% thì từ 20 – 40 giọt/phút = 60 – 120ml/giờ.
Khi truyền cho bé, nên dùng 0,5 mEq/ml hay pha loãng dung dịch bằng nước cất vô khuẩn với tỷ lệ 1:1. Đặc biệt ở trẻ sơ sinh và bé dưới 2 tuổi thì nên tiêm truyền tĩnh mạch chậm với dung dịch từ 4,2% – 8 mEq/kg/ngày.
Tác dụng phụ của thuốc Sodium bicarbonate
Thông thường, việc sử dụng Sodium bicarbonate không gây tác dụng phụ gì đáng lo ngại. Nhưng trong một số trường hợp đặc biệt, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như tiêu chảy nhẹ, đầy bụng, co cứng cơ dạ dày hoặc ợ hơi. Thậm chí, việc lạm dụng thuốc khiến bệnh nhân bị suy thận cảm thấy mệt mỏi, tim đập bất thường, yếu cơ,…
Lưu ý khi dùng Sodium bicarbonate
Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dùng, trước khi sử dụng thuốc bạn cần lưu ý:
- Chia sẻ với bác sĩ khi bản thân đang có kế hoạch mang thai, đang có thai hoặc đang cho con bú.
- Thông báo với bác sĩ hoặc dược sĩ khi cơ thể mắc bệnh suy gan, có chức năng thận kém, suy tim, cá nhân đang dùng corticoid, người bị suy thận có tiểu ít hoặc bí tiểu, đang thẩm tách máu.
- Hạn chế dùng thuốc thời gian dài hoặc quá liều ở người bệnh mở thông đại tràng.
- Luôn theo dõi điện giải huyết cùng với tình trạng cân bằng acid-base khi đang điều trị nhiễm acid bằng cách tiêm truyền natri bicarbonat.
Trường hợp quá liều khi dùng Sodium bicarbonate
Trường hợp tiêm quá liều natri bicarbonat dễ khiến cơ thể bị nhiễm kiềm chuyển hóa, làm kali trong máu giảm hoặc cơ bắp bị co cứng do thiếu calci huyết. Lúc này, hãy ngừng tiêm truyền và điều trị bằng cách hít lại không khí thở ra hoặc tiêm truyền tĩnh mạch bằng dung dịch natri clorid 0,9%. Mặt khác, nếu lượng kali trong máu giảm, bác sĩ sẽ bổ sung bằng cách sử dụng kali clorid hoặc calci gluconat khi cơ thể bị co cứng quá mức.
Tóm lại, Sodium bicarbonate có thể được sử dụng như một liệu pháp hỗ trợ trong điều trị nhiễm trùng tiết niệu mức độ nhẹ. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc này cần được cân nhắc kỹ lưỡng và theo dõi chặt chẽ để tránh các tác dụng phụ tiềm ẩn.