Propranolol thuốc điều trị bệnh tim mạch và lưu ý khi sử dụng
Propranolol là thuốc đối kháng thụ thể beta-adrenergic đầu tiên được FDA phê duyệt sử dụng vào năm 1976 và cho đến nay propranolol đã có ứng dụng nhiều điều trị. Qua bài viết này, hy vọng sẽ mang lại cái nhìn chi tiết về thuốc Propranolol từ công dụng đến liều lượng, cũng như các hướng dẫn cần thiết cho việc sử dụng thuốc một cách an toàn và hiệu quả.
Những thông tin cần biết về thuốc propranolol
Thuốc propranolol là gì?
Propranolol là thuốc chẹn beta giao cảm không chọn lọc thường được sử dụng để điều trị chứng run, đau thắt ngực (đau ngực), tăng huyết áp (huyết áp cao), rối loạn nhịp tim và các bệnh về tim hoặc tuần hoàn khác. Nó cũng được sử dụng để điều trị hoặc ngăn ngừa cơn đau tim, đồng thời làm giảm mức độ nghiêm trọng và tần suất của chứng đau nửa đầu.
Các dạng bào chế và hàm lượng
Có một số dạng bào chế propranolol trên thị trường như sau:
- Dung dịch tiêm tĩnh mạch: 1mg/ml
- Viên nang tác dụng chậm: 120mg, 160mg, 60mg, 80mg
- Hỗn dịch uống: 20mg/5ml, 40mg/5ml
- Viên nén: 10mg, 20mg, 60mg, 80mg.
Chỉ định của thuốc
Propranolol được sử dụng điều trị cho các trường hợp: Tăng huyết áp; đau thắt ngực; loạn nhịp tim (loạn nhịp nhanh trên thất); nhồi máu cơ tim; đau nửa đầu; run vô căn; hẹp động mạch chủ phì đại dưới van; u tế bào ưa crôm; sau nhồi máu cơ tim; điều trị hỗ trợ loạn nhịp và nhịp nhanh ở người bệnh cường giáp ngắn ngày; ngăn chặn chảy máu tái phát ở người bệnh tăng áp lực tĩnh mạch cửa và giãn tĩnh mạch thực quản.
Chống chỉ định của Propranolol
Không sử dụng loại thuốc này nếu bạn thuộc các nhóm đối tượng sau:
- Người bị dị ứng với Propranolol hoặc mẫn cảm với các thành phần khác trong sản phẩm.
- Người bị bệnh hen suyễn, bệnh phổi.
- Người có tiền sử tim đập chậm dẫn tới ngất xỉu hay suy tim nặng phải cấp cứu.
- Người mắc các bệnh tim nghiêm trọng như suy nút xoang, block tim độ 2, 3.
- Người mắc bệnh nhược cơ.
- Người đang mắc chứng u tuyến thượng thận.
- Không dùng Propranolol cho trẻ nặng dưới 12 tuổi.
- Không dùng cho người thực hiện các công việc yêu cầu sự tỉnh táo như lái xe, sử dụng máy móc.
Sử dụng thuốc propranolol như thế nào?
Liều dùng thuốc sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh cũng như tuổi, thể trạng của từng người bệnh. Propranolol là thuốc kê đơn, liều dùng dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều dùng phù hợp, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.
Người lớn:
- Tăng huyết áp, đau thắt ngực: Khởi đầu uống 20 – 40mg × 2 lần/ngày, duy trì 120- 320 mg/ngày chia 2 – 3 lần.
- Nhịp tim nhanh, cường giáp: Uống 10 – 40 mg × 3 – 4 lần/ngày hoặc tiêm tĩnh mạch 1mg trong 1 phút, có thể nhắc lại sau mỗi khoảng 2 phút, tổng liều tối đa 10 mg.
- Nhồi máu cơ tim: Khởi đầu uống 40 mg × 4 lần/ngày trong 2 – 3 ngày. Duy trì 80 mg × 2 lần/ngày.
- U tủy thượng thận: Uống 60mg/ngày trong 3 ngày trước khi phẫu thuật. Điều trị duy trì: 30 mg/ngày.
Trẻ em:
- Tăng huyết áp: Uống 0,2 – 0,5 mg/kg × 3 – 4 lần/ngày.
- Rối loạn nhịp tim: Khởi đầu truyền tĩnh mạch 10 – 20 mcg/kg trên 10 phút hoặc uống khởi đầu 1,5 – 2 mg/kg, tối đa 16 mg/kg/ngày chia 4 lần.
- Tứ chứng fallot: Trẻ trên 1 tháng: 0,25 – 1 mg/kg × 3 – 4 lần/ngày theo yêu cầu. Tối đa 5 mg/kg/ngày.
Thuốc propranolol có những tác dụng gì?
Propranolol là 1 thuốc chẹn beta giao cảm không chọn lọc, hoạt động bằng cách ngăn chặn hoạt động của các hóa chất tự nhiên trong cơ thể có ảnh hưởng đến tim và các mạch máu (chẳng hạn như epinephrine). Tác động này làm giảm tỷ lệ đau tim, huyết áp và áp lực cho tim.
Thuốc propranolol gây ra những tác dụng phụ nào?
Khi sử dụng Propranolol có thể gặp một số tác dụng phụ như: Buồn nôn, tiêu chảy, co thắt phế quản, khó thở, lạnh tứ chi, chậm nhịp tim, hạ huyết áp tư thế, chóng mặt, mất ngủ, trầm cảm, block tim, thay đổi chuyển hóa glucose và lipid…
Xử trí khi quá liều, quên liều
Trong trường hợp quên liều, quá liều hoặc muốn ngừng sử dụng thuốc, bạn cần chú ý các vấn đề sau:
- Quên liều: Hãy sử dụng thuốc ngay khi nhớ ra. Nếu gần tới thời điểm sử dụng liều tiếp theo bạn chỉ nên sử dụng liều đó và bỏ qua liều đã quên. Không tăng gấp đôi liều dùng tránh gây các tác dụng phụ nghiêm trọng. Hạn chế quên liều bởi nó có thể khiến tình trạng bệnh của bạn không được cải thiện, thậm chí trở nên tồi tệ hơn.
- Quá liều: Quá liều có thể khiến bạn cảm thấy choáng váng, bồn chồn, run rẩy, khó thở, loạn nhịp tim. Lúc này bạn cần liên hệ tới cơ sở y tế gần nhất hoặc nhờ người khác đưa đi cấp cứu kịp thời.
- Ngưng liều: Tuyệt đối không ngừng sử dụng thuốc mà chưa được sự cho phép của bác sĩ. Ngừng thuốc đột ngột có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng như tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn, các tác dụng phụ như thay đổi nhịp tim, loạn huyết áp, đau ngực, đau tim,… Trong trường hợp ngừng dùng thuốc, bác sĩ sẽ giảm liều lượng thuốc từ từ để tránh những ảnh hưởng này.
Thuốc propranolol tương tác với những thuốc nào?
Một số các loại thuốc có thể tương tác với Propranolol:
- Thuốc chống loạn nhịp tim, tăng nhịp tim tăng, huyết áp
- Thuốc gây mê/ gây tê
- Trị hen suyễn
- Giảm đau kháng viêm không steroid
- Chống đông máu
- Điều trị loét dạ dày
- Thuốc antacids, như aluminum hydroxide.
Câu hỏi thường gặp khi sử dụng Propranolol
- Cách xử trí trong trường hợp dùng quá liều propranolol ?
Khi sử dụng thuốc Propranolol quá liều có thể gây chậm nhịp tim, suy tim, hạ huyết áp, co thắt phế quản. Triệu chứng quá liều nặng có thể gây hôn mê và co giật. Trong trường hợp này, cần gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến cơ sở Y tế gần nhất.
- Thuốc có sử dụng được cho Phụ nữ có thai và cho con bú không?
Ðộ an toàn của propranolol đối với người mang thai chưa được xác định. Chỉ dùng thuốc khi đã cân nhắc kỹ giữa lợi ích chữa bệnh và nguy cơ đối với thai.
Thuốc bài tiết ra sữa, nên dùng thận trọng với phụ nữ cho con bú.
- Propranolol thuộc thuốc nhóm nào?
Propranolol là thuốc kê đơn thuộc nhóm thuốc chẹn beta không chọn lọc và nhóm thuốc chống loạn nhịp tim. Thuốc có ảnh hưởng trực tiếp tới tim cũng như lượng máu tuần hoàn trong cơ thể.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.