Cần làm gì để phòng ngừa bệnh thận do tiểu đường gây ra
Bệnh thận tiểu đường là một trong những nguyên nhân gây bệnh thận mạn tính phổ biến nhất thế giới. Việc phòng ngừa và phát hiện sớm biến chứng suy thận ở những bệnh nhân tiểu đường có ý nghĩa quan trọng, giúp ngăn chặn nhiều hậu quả nặng nề mà nó gây ra cho người bệnh.
Bệnh thận do tiểu đường là gì?
Bệnh thận do tiểu đường là một loại bệnh lý ở thận có nguyên nhân từ tiểu đường. Là nguyên nhân số một gây ra suy thận. Có khoảng 1/3 số bệnh nhân tiểu đường sẽ dẫn đến suy thận.
Bệnh nhân có bệnh tiểu đường và bệnh thận kết hợp sẽ có tiến triển xấu hơn so với những người chỉ có bệnh thận đơn thuần. Vì những người bị bệnh tiểu đường thường có xu hướng có các bệnh lý mạn tính khác như tăng huyết áp, tăng cholesterol và các bệnh mạch máu (xơ vữa động mạch). Bệnh nhân tiểu đường cũng thường có các vấn đề khác liên quan đến thận như nhiễm khuẩn bàng quang, tổn thương hệ thống thần kinh chi phối bàng quang.
Bệnh thận do tiểu đường tuýp 1 có chút khác biệt so với bệnh thận do tiểu đường tuýp 2. Ở tiểu đường tuýp 1, bệnh thận hiếm khi bắt đầu trong 10 năm đầu sau khi được chẩn đoán tiểu đường. Ở tiểu đường tuýp 2, một số bệnh nhân đã mắc bệnh thận ngay tại thời điểm được chẩn đoán tiểu đường.
Cách phòng ngừa bệnh thận do tiểu đường
Kiểm soát tốt đường huyết
Kiểm soát đường huyết là điều quan trọng đầu tiên cần làm đối với bệnh nhân tiểu đường. Điều trị Insulin theo quy ước bằng cách tiêm 3,4 lần/ngày có thể làm giảm nguy cơ bệnh thận ở người bị tiểu đường type 1. Bệnh nhân tiểu đường đã có biến chứng suy thận sẽ khó ổn định đường huyết hơn so với người không có biến chứng.
Kiểm soát đường huyết tối ưu đối với hầu hết các bệnh nhân là HbA1c < 7%.
- Đường huyết mao mạch lúc đói 80 – 130 mg/dl (4,4- 7,2 mmol/l).
- Đường huyết sau ăn < 180mg/dl (10 mmol/l) (được tính từ 1 – 2h sau khi bắt đầu ăn).
Bệnh nhân cần kiểm tra HbA1c định kỳ để kiểm soát được đường huyết trung bình trong 3 tháng. Từ đó các bác sĩ sẽ nắm được tình trạng kiểm soát đường huyết và đưa ra những phương án điều chỉnh kịp thời, giúp bệnh nhân sớm đạt được lượng đường huyết mong muốn.
Kiểm soát tốt huyết áp
Huyết áp cao làm suy yếu các mạch máu trong thận, cùng với tăng đường huyết sẽ nhanh chóng làm bệnh thận càng diễn tiến nhanh.
Theo hướng dẫn của JNC 8 và Hiệp hội tiểu đường Mỹ (ADA):
- Mục tiêu là huyết áp dưới 140/90 mmHg.
- Khuyến cáo hiện nay, đề nghị huyết áp thấp hơn 130/80 mmHg cho những người trẻ tuổi, và những người có dấu hiệu của bệnh thận.
Việc chọn lựa nhóm thuốc hạ huyết áp cũng cần được cân nhắc. Nhóm ức chế men chuyển hay ức chế thụ thể đã được chứng minh hiệu quả trong việc bảo vệ thận.
Kiểm soát lipid máu
Nếu bệnh nhân có bệnh lý tim mạch đi kèm, cần kiểm soát lipid máu LDL-C < 100mg% hoặc < 70mg%, HDL > 50 mg%, Triglyceride < 150 mg%.
Chọn lựa thuốc hạ đường huyết để điều trị bệnh thận tiểu đường
Thuốc điều trị đái tháo đường nhóm ức chế thụ thể SGLT2, GLP1 đã được chứng minh cải thiện chức năng thận.
Tăng cường hoạt động thể chất
Người bệnh cần tăng cường hoạt động thể chất, tập thể dục hàng ngày. Bệnh nhân nên kiểm soát cân nặng. Những người thừa cân, béo phì cần giảm cân với BMI < 25 kg/m2.
Chế độ ăn kiêng phù hợp
- Người bệnh cần kiểm soát lượng đạm trong khẩu phần ăn hàng ngày. Lượng đạm phù hợp là 0,6 – 0,8g/kg trọng lượng cơ thể/ngày.
- Thực hiện chế độ ăn nhạt, giảm muối < 2,4g/ngày.
- Ăn nhiều rau, củ, quả
- Hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo, đồ chiên rán, các loại thức ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn.
- Không uống rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích
Cẩn thận khi dùng thuốc giảm đau
Lạm dụng các thuốc giảm đau không kê đơn như aspirin và ibuprofen có thể dẫn đến tổn thương thận. Do đó, hãy hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ và dùng theo đúng hướng dẫn.
Quản lý tốt căng thẳng (stress)
Căng thẳng là một trong những yếu tố làm tăng đường huyết và huyết áp. Do đó, người bệnh cần cân bằng cuộc sống, không để bản thân bị stress về cuộc sống hay công việc. Tuy nhiên, chế độ ăn uống và sinh hoạt nghiêm ngặt, kiêng khem nhiều thứ cũng như những mệt mỏi mà bệnh tiểu đường gây nên có thể khiến người bệnh hay buồn phiền, bi quan, dễ giận dữ. Bệnh nhân thường gặp khó khăn trong việc duy trì lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống phù hợp trong một thời gian dài. Từ đó dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi. Do đó, người bệnh cần hết sức lưu ý, giữ cho tinh thần thoải mái, làm chủ cảm xúc của mình để quá trình điều trị bệnh đạt hiệu quả cao.
Kiểm tra sức khỏe, thực hiện các xét nghiệm định kỳ
Bệnh nhân tiểu đường và bệnh thận mạn giai đoạn 1-2 cần thực hiện các xét nghiệm đánh giá chức năng thận 6 tháng/lần. Đối với bệnh nhân tiểu đường và suy thận mạn giai đoạn 3-5 là 3 tháng/lần.
Ngoài ra, bệnh nhân cần theo dõi đạm niệu, chất điện giải, chất khoảng, tình trạng dinh dưỡng, tình trạng thiếu máu, các hormone liên quan đến xương để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm khác của tiểu đường.
Để phòng ngừa biến chứng suy thận một cách hiệu quả, bệnh nhân tiểu đường cần tuân thủ lịch khám định kỳ và chủ động thực hiện các xét nghiệm sàng lọc suy thận sớm, có biện pháp can thiệp ngay khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường.