Phòng ngừa bệnh lỵ amip hiệu quả tại nhà
Bệnh lỵ amip là một bệnh truyền nhiễm đường ruột do ký sinh trùng Entamoeba histolytica gây ra. Ký sinh trùng này có thể xâm nhập vào niêm mạc ruột, gây ra tình trạng viêm loét và chảy máu. Bệnh lỵ amip có thể lây truyền qua đường tiêu hóa, thường do ăn hoặc uống thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm bởi phân của người bệnh. Bệnh có thể lây lan thành dịch nguy hiểm. Bài viết này sẽ cung cấp những biện pháp giúp bạn phòng ngừa lỵ amip tại nhà hiệu quả.
Bệnh lỵ amip là gì?
Bệnh lỵ amip là bệnh truyền nhiễm lây bằng đường tiêu hóa do Amip lỵ (Entamoeba histolytica) gây nên. Amip thuộc nhóm động vật đơn bào, ký sinh trên cơ thể người, mọi người, mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc. Bệnh biểu hiện điển hình là hội chứng lỵ: đau quặn, mót rặn, ỉa phân có máu tươi. Amip cũng có thể gây một số bệnh ngoài đường ruột như: ở gan, màng phổi, màng bụng…
Nguyên nhân gây ra bệnh lỵ amip
Tác nhân gây bệnh lỵ amip là do Entamoeba histolytica, chúng có 2 thể là thể hoạt động và kén. Tùy theo điều kiện sống, amip lỵ có thể chuyển dịch giữa thể hoạt động và thể kén.
E histolytica có thể sống trong ruột già (ruột kết) mà không gây tổn thương ruột. Trong một số trường hợp, nó xâm nhập vào thành đại tràng, gây viêm đại tràng , kiết lỵ cấp tính hoặc tiêu chảy kéo dài (mãn tính). Nhiễm trùng cũng có thể lây lan qua đường máu đến gan. Trong một số trường hợp hiếm hoi, nó có thể lây lan đến phổi, não hoặc các cơ quan khác.
Các con đường lây nhiễm bệnh:
- Ăn thực phẩm, uống đồ uống nhiễm ký sinh trùng
- Chạm tay vào bề mặt chứa trứng ký sinh trùng sau đó đưa vào miệng
- Tiếp xúc với phân, dễ xảy ra nhất khi: quan hệ tình dục qua đường hậu môn, sống hoặc đi du lịch đến nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo…
Entamoeba histolytica là tác nhân gây bệnh lỵ amip
Những biện pháp phòng ngừa lỵ amip hiệu quả tại nhà
- Đảm bảo vệ sinh ăn uống:
- Ăn chín, uống sôi
- Rửa tay sạch sẽ với xà phòng và nước sau khi đi vệ sinh và trước khi chế biến thức ăn
- Rửa trái cây và rau quả một cách cẩn thận trước khi ăn; tránh ăn các loại trái cây hoặc rau quả tươi sống, trừ khi đã được rửa sạch và gọt vỏ
- Tránh sử dụng sữa, phô mai hoặc các sản phẩm từ sữa chưa được tiệt trùng khác
- Tránh ăn các loại thực phẩm không vệ sinh ở đường phố
Đảm bảo vệ sinh thực phẩm giúp phòng tránh bệnh lỵ amip
- Xử lý tốt nguồn nước uống: Sử dụng nước đóng chai, nước giải khát không chứa cồn. Do nước uống khử bằng clo ở nồng độ uống được thì không đủ diệt amip. Vì vậy, tránh dùng đá cục ở các cơ sở chế biến đá hoặc uống nước ở đài phun nước, nên sử dụng nước lọc đã được nấu chín.
- Quản lý tốt người bệnh, nguồn phân: Bệnh nhân mắc bệnh lỵ amip phải được điều trị bằng thuốc điều trị đặc hiệu (tốt nhất điều trị nội trú tại bệnh viện), chỉ cho bệnh nhân ra viện khi soi phân 2 lần không phát hiện kén amip lỵ. Quần áo dính phân phải được giặt và khử trùng. Mọi người dân tuyệt đối không được đại tiện ra ngoài môi trường. Không được sử dụng phân tươi cho chăn nuôi và trong nông nghiệp.
- Ở các nơi có bếp ăn tập thể như trường học, nhà trẻ, đơn vị bộ đội …, hoặc các nhà hàng ăn uống các nhân viên nhà chế biến và phục vụ ăn, uống phải được xét nghiệm phân định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện kén amip lỵ. Điều trị diệt kén và tạm thuyên chuyển vị trí công tác trong thời gian điều trị cho cá nhân mang kén.
Hy vọng thông qua những chia sẻ này, bạn biết được những cách phòng bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe và hạn chế tối đa biến chứng nguy hiểm do bệnh lỵ amip gây ra.