Phẫu thuật mắt cận và những điều cần biết
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự đoán 50% dân số trên thế giới sẽ bị cận vào năm 2050, riêng ở châu Á cận thị nhiều hơn do yếu tố chủng tộc, với 80-90% trẻ em châu Á sẽ bị cận thị. Ở Việt Nam, theo số liệu thống kê mới nhất năm 2023 hiện nay tỷ lệ người mắc cận thị chiếm từ 15-40% với con số tương ứng từ 14-36 triệu người. Đối tượng phổ biến nhất mắc phải cận thị là trẻ em từ 6-15 tuổi với tỷ lệ 20-40% ở khu vực thành thị và 10-15% ở khu vực nông thôn. Hãy cùng tìm hiểu về tật khúc xạ cận thị là gì và những điều cần biết khi bị cận thị nhé.
Tật khúc xạ cận thị là gì?
Cận thị là một trong các tật khúc xạ phổ biến nhất ở mắt, là tình trạng thị lực có thể nhìn rõ các vật ở gần nhưng các vật ở xa bị mờ.
Mặc dù nguyên nhân chính xác của cận thị vẫn chưa được biết rõ nhưng có bằng chứng quan trọng cho thấy cận thị có thể do:
- Di truyền: Nếu một hoặc cả hai cha mẹ đều bị cận thị thì nguy cơ con bị cận thị sẽ cao hơn.
- Lối sống: Người dành nhiều thời gian cho công việc cần nhìn gần và cường độ cao như đọc sách, làm việc trên máy tính, chơi trò chơi điện tử, sử dụng điện thoại,… dễ bị cận thị hơn. Trên thực tế, thời gian sử dụng các thiết bị như điện thoại di động ở mức cao có liên quan đến nguy cơ cận thị cao hơn khoảng 30% và khi kết hợp với việc sử dụng máy tính quá mức, nguy cơ đó đã tăng lên khoảng 80%.
Cận thị có thể do di truyền
Các loại phẫu thuật mắt cận
Có nhiều biện pháp để khắc phục cận thị, bao gồm:
Biện pháp không phẫu thuật
- Đeo kính cận, kính áp tròng.
- Chỉnh hình giác mạc tạm thời bằng Ortho K (Orthokeratology) (sử dụng kính áp tròng cứng đeo mỗi đêm để làm phẳng giác mạc tạm thời và giảm cận thị).
- Liệu pháp thị giác cho những người bị cận thị do căng thẳng (thông qua các bài tập mắt để cải thiện khả năng tập trung kém của mắt và lấy lại tầm nhìn rõ ràng từ xa).
Biện pháp phẫu thuật
Phẫu thuật khúc xạ laser
Sử dụng tia laser để thay đổi hình dạng giác mạc, cải thiện cách các tia sáng tập trung vào võng mạc, một số phương pháp phổ biến:
- LASIK (Laser in situ keratomileusis): Được sử dụng để điều trị cận thị, viễn thị và loạn thị. Phương pháp này điều trị cận thị bằng cách tạo vạt giác mạc và dùng tia laser excimer để triệt tiêu độ cận.
- Femto Lasik (mổ LASIK không dùng dao): Cải tiến hơn so với phẫu thuật LASIK tiêu chuẩn vì sử dụng công nghệ Laser Femtosecond để tạo vạt giác mạc. Sau đó, dùng tia Laser Excimer để giảm độ cận thị, đồng thời giảm nguy cơ biến chứng do quá trình tạo vạt trong cuộc phẫu thuật. Mổ mắt cận Femto Lasik được đánh giá có tính an toàn cao và chính xác hơn do không có sự can thiệp của dao mổ mà toàn toàn dùng bằng máy móc. Phương pháp này còn có thể thực hiện với tất cả các bệnh nhân kể cả với những người có giác mạc mắt mỏng.
- PRK (Photorefractive Keratectomy): Được dùng để điều trị cận thị, viễn thị và loạn thị. PRK tương tự như LASIK nhưng không cắt vạt. Trong quy trình thực hiện, bác sĩ nhỏ dung dịch chuyên dụng và gạt bỏ lớp nhu mô giác mạc ở bề mặt, sau đó tia laser sẽ điều chỉnh hình dạng của mắt trực tiếp. Thủ thuật này phù hợp cho người có giác mạc quá mỏng.
PRK sử dụng một bàn chải đặc biệt để loại bỏ lớp ngoài cùng của giác mạc (trái); sau đó tia laser loại bỏ mô khỏi giác mạc để định hình lại (phải).
- SMILE (Small Incision Lenticule Extraction): Được FDA chấp thuận để điều trị chứng cận thị nhẹ và loạn thị. SMILE không tạo vạt mà sử dụng tia Femtosecond Laser để tách lớp giác mạc tương ứng với độ cận và tạo đường rạch nhỏ để rút lõi mô giác mạc.
Nếu bạn có lối sống hoặc công việc năng động, PRK hay SMILE có thể là lựa chọn tốt hơn cho bạn so với LASIK do PRK hay SMILE không cắt vạt giác mạc như LASIK. Nếu bạn hoạt động nhiều, bạn có thể vô tình làm bung vạt giác mạc và gây ra vấn đề.
Phẫu thuật khúc xạ không dùng tia laser
- Những người bị cận thị nặng hoặc có giác mạc quá mỏng để thực hiện thủ thuật laser có thể được phẫu thuật điều trị bằng cách cấy ghép các thấu kính nhỏ với khả năng điều chỉnh quang học mong muốn vào mắt.
- Bộ cấy ghép có thể được đặt ngay trước thủy tinh thể tự nhiên (cấy thủy tinh thể nội nhãn Phakic: sử dụng thấu kính nội nhãn có độ an toàn cao đặt trực tiếp vào bên trong mắt, ở vị trí đặt sau mống mắt và trước thủy tinh thể để điều chỉnh độ khúc xạ, lấy lại thị lực tối đa cho mắt. Phakic hoàn toàn không tác động đến cấu trúc giác mạc hay làm mỏng giác mạc) hoặc cấy ghép có thể thay thế thủy tinh thể tự nhiên (loại bỏ thấu kính tự nhiên bên trong mắt bạn và thay thế bằng thấu kính nhân tạo, thấu kính nhân tạo mới giúp hướng ánh sáng vào võng mạc ở phía sau mắt để bạn có thể nhìn rõ hơn).
Hiện nay có rất nhiều phương pháp phẫu thuật mắt cận
Những lưu ý trước và sau khi phẫu thuật mắt cận
Trước khi phẫu thuật mắt cận
Người bệnh cần được thực hiện khám sàng lọc và chuyên sâu trước khi phẫu thuật mổ mắt cận để bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe mắt, độ cận và giác mạc. Từ đó, xác định có nên tiến hành mổ không và mổ bằng phương pháp nào thích hợp vì không phải ai cũng có thể phẫu thuật mắt cận.
- Đối tượng đủ điều kiện phẫu thuật
- Bạn phải từ 18 tuổi trở lên.
- Tật khúc xạ ổn định trong nhiều năm qua (ít nhất 6 tháng – 1 năm trước phẫu thuật thay đổi chỉ khoảng 0,25 – 0,5 diop).
- Giác mạc của bạn cần phải khỏe mạnh và sức khỏe tổng thể của mắt bạn phải tốt.
- Đối tượng chống chỉ định phẫu thuật
- Có trầy xước hoặc bệnh ở giác mạc
- Bệnh giác mạc hình nón (Keratoconus)
- Bệnh tăng nhãn áp tiến triển
- Đục thủy tinh thể ảnh hưởng đến thị lực
- Tiền sử bị nhiễm trùng mắt
- Bệnh đái tháo đường không được kiểm soát tốt
- Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú.
- Một số lưu ý khác
- Ngưng sử dụng kính áp tròng mềm ít nhất 3 ngày hoặc kính áp tròng cứng ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật.
- Không trang điểm hay sử dụng mỹ phẩm trước giờ phẫu thuật.
Sau khi phẫu thuật mắt cận
Tuân thủ tái khám định kỳ theo lịch bác sĩ:
- Tái khám sau 1 ngày, 1 tuần và 1 tháng sau phẫu thuật để kiểm tra tình trạng mắt và đảm bảo không có biến chứng sau phẫu thuật.
- Định kỳ khám mắt trong vòng 3 – 6 tháng giúp phát hiện và điều trị sớm các bệnh về mắt, đảm bảo thị lực của bạn luôn ổn định.
- Nếu bạn gặp đau, cộm và vướng quá mức, sưng, đỏ hoặc nhìn mờ đột ngột, hãy đi khám lại ngay.
Ngoài ra sau phẫu thuật mắt dễ khô, nhạy cảm hơn và cần được chăm sóc cẩn thận, một số lưu ý khi chăm sóc mắt:
Ngay sau phẫu thuật:
- Ngay sau khi mổ người bệnh có thể gặp các triệu chứng như đau nhẹ, cảm giác cộm, chảy nước mắt hay đỏ mắt, đây là tình trạng bình thường và sẽ tự hồi phục dần do đó không cần lo lắng.
- Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, hạn chế ánh sáng từ thiết bị điện tử.
- Tránh vận động mạnh, chơi thể thao
- Tránh khói bụi ô nhiễm, không dụi tay lên mắt.
- Hạn chế đồ cay nóng trong thực phẩm.
- Dùng thuốc nhỏ mắt và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Không sử dụng mỹ phẩm.
- Hạn chế làm việc hoặc học tập trong thời gian này.
Trong 1 tuần sau phẫu thuật
- Mắt vẫn còn nhạy cảm với ánh sáng, có thể nhìn mờ, lóa, chói xung quanh khu vực có ánh đèn.
- Sử dụng kính râm khi ra ngoài nắng để bảo vệ mắt khỏi tia UV.
- Nếu bệnh nhân cần sử dụng các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại nên có thời gian nghỉ ngơi giữa các khoảng làm việc, sử dụng nước mắt nhân tạo để giảm tình trạng khô, mỏi mắt.
Trong 1 tháng sau phẫu thuật
- Kiêng chơi thể thao hoặc vận động mạnh, tránh các hoạt động khiến nước, bụi bẩn bắn vào mắt như: bơi lội, xông hơi, bóng rổ, đá bóng.
- Không dùng đồ trang điểm ở vùng mắt như: mascara, eyeliner,…
- Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Trong 3 – 6 tháng sau phẫu thuật
- Không làm việc với máy tính quá nhiều, để mắt nghỉ ngơi và thư giãn.
Kết luận
Tóm lại, phẫu thuật mắt cận là giải pháp hiệu quả giúp cải thiện thị lực, tuy nhiên để tiến hành phẫu thuật người bệnh cần đáp ứng một số điều kiện nhất định và tùy tình hình sức khỏe bản thân mà mỗi người sẽ phù hợp với phương pháp phẫu thuật khác nhau. Trước khi lựa chọn phẫu thuật người bệnh sẽ được thăm khám kỹ bởi bác sĩ chuyên khoa và sau khi phẫu thuật cần lưu ý chăm sóc kỹ lưỡng để đảm bảo hiệu quả và tránh tái cận.