Pharmacity thu được hơn 20.000 ống hít trị hen sau 3 tháng triển khai chương trình “Thu xịt hen cũ – Đổi xịt hen mới”
Sau 3 tháng triển khai, chương trình “Thu xịt hen cũ – đổi xịt hen mới” đã đạt được những phản hồi tích cực ban đầu khi Pharmacity thu về và xử lý hơn 20.000 ống hít trị hen. Qua đó, chuỗi nhà thuốc đã hỗ trợ giảm chi phí điều trị cho các bệnh nhân phải sử dụng ống xịt lâu dài. Chương trình vẫn đang được tiếp tục triển khai tại các nhà thuốc trên cả nước của Pharmacity.
Ông Deepanshu Madan – Tổng Giám Đốc Pharmacity cho biết thời gian qua số lượng các ống xịt được bán tại các nhà thuốc trong chuỗi có sự tăng trưởng nhẹ: “Điều đó cho thấy các chương trình Pharmacity triển khai được nhiều người dân hưởng ứng tích cực. Pharmacity đang nỗ lực làm đúng sứ mệnh đồng hành cùng sức khỏe và hạnh phúc của mọi gia đình Việt”. Cũng theo ông, các ống xịt hen cần được bảo quản với nhiệt độ dưới 30OC, tránh đông lạnh và ánh sáng mặt trời trực tiếp. Nếu các điều kiện bảo quản không được đảm bảo, chất lượng của thuốc có thể bị giảm đi ảnh hưởng đến kết hiệu quả điều trị của người bệnh. Được người tiêu dùng đánh giá là thương hiệu nhà thuốc số 1 Việt Nam về bảo quản thuốc đầu năm 2024, Pharmacity tự hào là đơn vị luôn nghiêm ngặt tuần thủ GPP trong việc kiểm soát và điều hòa không khí, đáp ứng yêu cầu nhiệt độ, độ ẩm lưu trữ thuốc để mang lại chất lượng tốt nhất đến tay người dùng.
Cùng trong chuỗi những hoạt động của Pharmacity nhắm đến các đối tượng có nguy cơ bệnh viêm phổi COPD, trong tháng 7 vừa qua, chuỗi nhà thuốc đã đồng hành cùng AstraZeneca và Liên chi hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TP.HCM đã có buổi tầm soát miễn phí cho người dân tại bệnh viện Phổi Long An. Những hoạt động này dự kiến sẽ được nhân rộng thêm trong thời gian tới tại các địa phương khác.
Các ống hít cũ sau khi thu lại đã được Pharmacity phân loại và xử lý đúng theo quy định đối với rác thải y tế. Theo báo cáo của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường về hiện trạng chất thải nhựa(*), tổng khối lượng chất thải nhựa phát sinh trong năm 2022 là 2,9 triệu tấn, trong đó có một lượng lớn rác thải y tế lẫn vào rác thải sinh hoạt nên không được xử lý đúng quy trình tiêu chuẩn. Các loại rác thải y tế như bình xịt hen suyễn đã qua sử dụng thường bị vứt vào rác thải sinh hoạt, không được thu gom và xử lý đúng cách có thể gây ô nhiễm, đồng thời thải ra một lượng chất nhựa không phân hủy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe con người và môi trường. Qua việc thu gom các ông xịt cũ tại các nhà thuốc, các dược sĩ cũng cập nhật các kiến thức cần thiết cho người sử dụng ống xịt trong việc xử lý rác thải y tế cũng như giảm rác thải nhựa cho cộng đồng.