Nhiễm Nocardia: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Nocardia là 1 loại vi khuẩn từ đất. Khi nhiễm Nocardia, bệnh có thể khuếch tán đến bất cứ bộ phận nào trong cơ thể. Áp xe não và các cục dưới da là hay gặp nhất, thường chỉ gặp ở người bị suy giảm miễn dịch. Để hiểu rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị bệnh, mời bạn tìm hiểu bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Nocardiosis là một bệnh nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn Nocardia sống trong đất. Nếu hít phải, vi khuẩn có thể gây viêm phổi, dẫn đến nhiễm trùng máu và lan rộng nhiễm trùng đến các cơ quan trong cơ thể. Tình trạng này gọi là bệnh do Nocardia lan tỏa (disseminated nocardiosis). Những người bị suy giảm miễn dịch như đang bị ung thư, dùng thuốc steroids hay thuốc ức chế miễn dịch sẽ có nguy cơ bệnh lan tỏa khắp cơ quan.
Nocardia cũng có thể gây nhiễm trên da thông qua đường vào là các vết cắt, các vết thương hở hoặc cào xước xảy ra trong quá trình làm việc trong vườn hoặc ngoài nhà. Nhiễm trùng da có thể khác biệt với các thể khác, gọi là thể da niêm (cutaneous nocardiosis). Phơi nhiễm do bệnh nghề nghiệp với đất, công trường, nơi phong cảnh, nông trang, gia tăng nguy cơ nhiễm thể bệnh ở da.
Triệu chứng nhiễm Nocardia
Bệnh do Nocardia có thời gian ủ bệnh từ vài tuần đến vài năm, thậm chí lâu hơn. Biểu hiện bệnh có thể gặp:
- Nhiễm trùng tại phổi: chiếm đa số trong các nhiễm trùng do vi khuẩn này gây lên. Nocardia không phải là vi khuẩn chí bình thường tại đường hô hấp của con người, do đó sự phân lập được vi khuẩn trong bệnh phẩm đường hô hấp là bằng chứng nhiễm trùng do vi khuẩn này. Tại phổi, vi khuẩn theo đường máu hoặc đường bạch huyết gây bệnh tại nhiều cơ quan như da, thần kinh trung ương,… Tiến triển của bệnh có thể cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính. Người bệnh thường có các triệu chứng không đặc hiệu là: sốt, ra mồ hôi trộm về đêm, gầy sút cân, ho đờm, ho máu, cảm giác khó thở, đau ngực kiểu màng phổi kèm theo mệt mỏi, chán ăn,…. rối loạn nhịp tim, viêm màng ngoài tim, hội chứng tĩnh mạch chủ trên có thể gặp. Trên phim X-quang ngực thấy các hình ảnh tổn thương các nốt đơn lẻ hoặc nhiều nốt, tổn thương dạng khối, thâm nhiễm dạng lưới, thâm nhiễm mô kẽ, đông đặc thùy phổi, tràn dịch màng phổi. Với các đặc điểm trên, bệnh khó phân biệt với các bệnh tại phổi như lao phổi, nhiễm trùng do vi nấm gây bệnh hoặc các bệnh lý ác tính.
- Nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương: chiếm khoảng 25 – 44% các trường hợp nhiễm bệnh. Đường vào khởi phát ban đầu có thể tại phổi hoặc da. Nocardia có thể gây áp xe nhu mô não tại bất kỳ vị trí nào với biểu hiện lâm sàng đa dạng và không đặc hiệu: đau đầu, nôn và buồn nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, co giật, dấu hiệu thần kinh khu trú, gáy cứng,… Viêm màng não di vi khuẩn kèm theo hoặc có thể không kèm theo áp xe não. Biểu hiện lâm sàng của viêm màng não thường bán cấp hoặc mạn tính, người bệnh sốt thất thường, đau nhức đầu, nôn, táo bón, thăm khám thực thể thấy dấu hiệu cứng gáy; dịch não tủy có tăng số lượng bạch cầu trong đó chủ yếu là bạch cầu đa nhân trung tính, protein dịch não tủy tăng, đường dịch não tủy giảm. Trên phim chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ sọ não thấy hình ảnh một hoặc nhiều ổ áp xe não, phù não xung quanh,…
- Nhiễm trùng da và mô dưới da: gồm có viêm da, loét, viêm da mủ, viêm mô tế bào, áp xe dưới da,.. Viêm mô tế bào do Nocardia có biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau tại vị trí tổn thương và không có mụn nước kèm theo, hiếm khi tổn thương lan rộng đến cơ, xương và khớp. Người bệnh có thể sưng hạch bạch huyết.
- Nhiễm khuẩn huyết: ít gặp hơn. Các biểu hiện của nhiễm khuẩn huyết tương tự bệnh cảnh nhiễm khuẩn huyết do các căn nguyên vi khuẩn khác. Tuy nhiên nuôi cấy máu kết quả dương tính thường rất thấp.
- Nhiễm trùng cơ quan khác: ngoài phổi, thần kinh trung ương, da thì xương, van tim ( thường là van nhân tạo), khớp, mắt, lách, gan, tuyến thượng thận và thận, tuyến giáp, tiền liệt tuyến,… là các cơ quan có thể bị nhiễm bệnh. Vi khuẩn có thể gây áp xe ngoài màng cứng, viêm trung thất, áp xe sau phúc mạc, viêm giác mạc và viêm nội nhãn.
Nguyên nhân nhiễm Nocardia
Nhiễm Nocardia do vi khuẩn thuộc chi Nocardia, thường được tìm thấy trong đất, phân, và các chất hữu cơ phân hủy. Vi khuẩn này có thể xâm nhập vào cơ thể qua vết thương trên da hoặc qua đường hô hấp khi hít phải bụi đất chứa vi khuẩn.
Ngoài ra, nếu bị bệnh phổi mãn tính hoặc có hệ miễn dịch yếu như bị ung thư, nhiễm HIV/AIDS, cấy ghép phẫu thuật, dùng thuốc steroid trong thời gian dài cũng có khả năng sẽ mắc phải nhiễm khuẩn Nocardia.
Đối tượng nguy cơ
Những người có nguy cơ cao mắc nhiễm Nocardia bao gồm:
- Người có hệ miễn dịch suy yếu: Bao gồm những người mắc bệnh HIV/AIDS, bệnh ung thư, hoặc đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
- Người có bệnh nền nghiêm trọng: Như bệnh tiểu đường không kiểm soát, bệnh phổi mãn tính, hoặc các bệnh lý hệ thống khác.
- Người tiếp xúc với đất và phân: Những người làm việc trong môi trường nông nghiệp hoặc có tiếp xúc trực tiếp với đất.
Phòng ngừa nhiễm Nocardia
Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp hạn chế diễn tiến nhiễm Nocardia:
- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe.
- Duy trì vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên và bảo vệ vết thương trên da để tránh nhiễm khuẩn.
- Tránh tiếp xúc với đất bẩn: Sử dụng găng tay khi làm việc với đất hoặc phân để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.
- Quản lý bệnh nền: Kiểm soát tốt các bệnh lý nền để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê. Dùng thuốc theo đúng chỉ định. Bệnh nhiễm trùng có thể tái phát nếu điều trị không đủ lâu.
Báo cho bác sĩ biết nếu có bất kỳ triệu chứng nhiễm trùng nào hoặc gặp các biến chứng khác.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán nhiễm Nocardia, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm và phương pháp sau:
- Xét nghiệm mẫu bệnh phẩm: Phân tích mẫu phổi, da, hoặc dịch não tủy để xác định sự hiện diện của vi khuẩn Nocardia.
- X-quang và CT scan: Để phát hiện tổn thương ở phổi hoặc các bộ phận khác của cơ thể.
- Sinh thiết: Lấy mẫu mô từ tổn thương trên da hoặc các bộ phận khác để kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn.
Điều trị
Dùng thuốc kháng sinh trong một thời gian dài là cách điều trị do Nocardia tốt nhất hiện nay. Điều trị nhiễm Nocardia bao gồm:
- Sử dụng kháng sinh: Thuốc như trimethoprim-sulfamethoxazole (TMP-SMX) là thuốc điều trị chính cho nhiễm Nocardia. Liều lượng và thời gian điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và phản ứng của bệnh nhân.
- Nếu nhiễm Nocardia ảnh hưởng đến phổi: cần dùng thuốc kháng sinh trong 6 đến 12 tháng.
- Nếu nhiễm Nocardia ảnh hưởng đến não: cần dùng thuốc kháng sinh trong 12 tháng.
- Nếu nhiễm Nocardia ảnh hưởng đến da hoặc mô mềm: cần dùng thuốc kháng sinh trong 2 đến 4 tháng.
- Điều trị triệu chứng: Điều trị các triệu chứng như sốt, đau và khó thở để cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
- Theo dõi và điều trị biến chứng: Đối với nhiễm khuẩn nghiêm trọng hoặc tái phát, cần theo dõi và điều trị bổ sung để đảm bảo sự hồi phục toàn diện.
Kết luận
Nhiễm Nocardia là một bệnh nhiễm khuẩn nghiêm trọng nhưng có thể điều trị hiệu quả nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa và điều trị đúng cách, bạn có thể bảo vệ sức khỏe của mình và giảm nguy cơ nhiễm bệnh. Nếu nghi ngờ bị nhiễm Nocardia, hãy tìm kiếm sự tư vấn y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.