Những ai dễ mắc bệnh tả? Tác hại của bệnh và cách chăm sóc người bệnh tả
Bệnh tả ở người là bệnh nhiễm trùng hệ tiêu hóa do nhiễm phải khuẩn tả Vibrio Cholerae có trong nguồn nước hoặc thức ăn. Trước đây, bệnh tả đã gây nhiều đại dịch lớn ở nhiều nước gây tử vong cho hàng triệu người do bệnh diễn biến nhanh, người bệnh có thể mất nước và điện giải dẫn đến sốc nặng nếu không can thiệp kịp thời.
Bệnh tả thường gặp do nhiễm khuẩn tả từ nguồn nước, thực phẩm không sạch sẽ
Những ai dễ mắc bệnh tả
Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, được chia thành các thể bệnh sau:
- Thể bệnh không triệu chứng: Nhiều người bị nhiễm khuẩn tả nhưng không có triệu chứng bệnh.
- Thể bệnh nhẹ: Tả chỉ gây triệu chứng tiêu chảy thông thường.
- Thể bệnh điển hình: Diễn biến bệnh nhanh, cấp tính, điển hình là triệu chứng tiêu chảy liên tục ra nước và nôn mửa.
- Thể tả tối cấp: Diễn biến bệnh nhanh hơn, mỗi lần tiêu chảy khiến bệnh nhân mất nước nghiêm trọng, sức khỏe suy kiệt nhanh chóng.
- Thể tả ở trẻ em: Hầu hết chỉ gây tiêu chảy nhẹ cho trẻ nhỏ, có thể kèm theo sốt nhẹ.
- Thể tả ở người già: Nguy hiểm do gây mất nước nặng, có thể dẫn đến biến chứng suy thận dù bù nước, bù điện giải đầy đủ cũng khó đem lại hiệu quả.
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ gây bệnh tả, chẳng hạn như:
- Điều kiện vệ sinh kém
- Sống ở các khu vực trại tị nạn, các nước nghèo và các khu vực bị tàn phá bởi nạn đói, chiến tranh hay thiên tai
- Giảm hoặc không có axit dạ dày
- Người nhóm máu O: các nghiên cứu gen mới đây cho thấy rằng mức độ dễ bị lây nhiễm của một người đối với bệnh tả phụ thuộc vào nhóm máu của họ. Người có nhóm máu O dễ bị lây nhiễm nhất trong khi người có nhóm máu AB có khả năng kháng cự nhiều nhất, gần như là miễn nhiễm.
- Ăn thức ăn chưa được nấu chín và các loài hải sản có vỏ.
Nguyên nhân, triệu chứng gây bệnh và tác hại nếu bệnh kéo dài?
Nguyên nhân:
Vibrio cholerae – phẩy khuẩn tả
Vi khuẩn gây bệnh tả – Vibrio cholerae, phát triển tốt trong môi trường nhiều dinh dưỡng, có tính kiềm như trong nước, thức ăn hoặc trong cơ thể của các loại hải sản,… Nguyên nhân quan trọng nhất quyết định tính gây bệnh của vi khuẩn này nằm ở độc tốc mà nó tiết ra tại ruột. Sau khi chui qua qua lớp chất nhầy, phẩy khuẩn tả xâm nhập vào lớp biểu mô của ruột và tiết ra chất độc có dạng một protein, gây tăng tiết quá mức chất điện giải từ niêm mạc ruột non dẫn đến tiêu chảy, mất nước và điện giải.
Bệnh tả thường truyền nhiễm qua nguồn nước, các loại thực phẩm bị ô nhiễm bởi phân của người mắc bệnh, qua các loại hải sản, rau củ nguy cơ mà người ta đem ăn sống hoặc qua chân tay tiếp xúc nguồn bệnh nhưng lại không vệ sinh sạch sẽ,…
Triệu chứng của bệnh tả có diễn biến được chia thành các giai đoạn như sau:
- Giai đoạn ủ bệnh: Giai đoạn ủ bệnh kéo dài từ vài giờ đến vài ngày, khi đó bệnh nhân sẽ chưa xuất hiện triệu chứng bất thường gì.
- Giai đoạn khởi phát: Các triệu chứng đầu tiên bắt đầu xuất hiện như đầy bụng, tiêu chảy, sôi bụng,… Triệu chứng sẽ kéo dài liên miên không ngớt. Đặc biệt, triệu chứng đau bụng, sốt ít khi gặp ở bệnh nhân bị tả.
Bệnh khởi phát từ các triệu chứng tiêu chảy điển hình
- Giai đoạn toàn phát: Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh.
– Tiêu chảy liên tục, đi ngoài rất nhiều lần với khối lượng lớn, có khi 10 đến 20 lít nước chất thải một ngày. Đặc điểm phân trong bệnh tả điển hình chỉ toàn là nước, màu trắng lờ đục như nước vo gạo, không thấy có nhầy máu.
– Nôn mửa rất dễ dàng, lúc đầu nôn ra thức ăn, lúc sau nôn toàn nước.
– Bệnh nhân mắc bệnh tả thường không sốt, ít khi đau bụng.
– Tình trạng mất điện giải gây mệt lả, chuột rút…
– Triệu chứng mất nước: tụt huyết áp, mạch nhanh, mắt trũng, da nhăn nheo, giảm nước tiểu….
- Giai đoạn hồi phục: Nếu được điều trị kháng sinh, bù nước, bù điện giải hiệu quả thì các triệu chứng sẽ lui dần, bệnh nhân dần hồi phục.
Các mức độ mất nước ở người bị bệnh tả kéo dài
Các dấu hiệu | Mất nước độ 1 | Mất nước độ 2 | Mất nước độ 3 |
Khát nước | Ít | Vừa | Nhiều |
Tình trạng da | Bình thường | Khô | Nhăn nheo, mất đàn hồi da, mắt trũng |
Mạch | < 100 lần/phút | Nhanh nhỏ (100-120 lần/phút) | Rất nhanh, khó bắt (> 120 lần/phút) |
Huyết áp | Bình thường | < 90 mmHg | Rất thấp, có khi không đo được |
Nước tiểu | Ít | Thiểu niệu | Vô niệu |
Tay chân lạnh | Bình thường | Tay chân lạnh | Lạnh toàn thân |
Lượng nước mất | 5-6% trọng lượng cơ thể | 7-9% trọng lượng cơ thể | Từ 10% trọng lượng cơ thể trở lên |
Chăm sóc người bệnh tả như thế nào?
Giữ gìn vệ sinh chân tay sạch sẽ
Nếu bệnh nhân mắc bệnh tả ở giai đoạn đầu, mất nước chưa quá nghiêm trọng thì có thể bù nước qua đường uống tại nhà hoặc tại cơ sở y tế. Pha chế uống dung dịch Oresol gồm nhiều muối với nước sôi để nguội, uống liên tục trong ngày
Cho uống nước cháo (nấu từ gạo và thêm muối).
Cho uống nước dừa non pha thêm muối.
Giữ gìn vệ sinh tay chân, rửa tay bằng xà phòng và nước thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh và trước khi chế biến thức ăn hoặc ăn uống. Bạn cũng có thể sử dụng chất khử trùng tay có cồn thay thế.
Chỉ nên cho bệnh nhân uống nước đóng chai, nước đun sôi hoặc khử trùng và nên sử dụng chúng để đánh răng. Nếu dùng nước đóng chai, bạn nhớ rửa kỹ bên ngoài trước khi mở chúng;
Cho ăn thực phẩm còn nóng và được nấu chín hoàn toàn (bởi vi khuẩn tả sẽ bị tiêu diệt ở 80 độ C trong 5 phút), hãy hạn chế tối đa ăn những thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm bán trên vỉa hè…
Tránh ăn sushi, cũng như các món gỏi sống,…
Gọt vỏ trái cây, rau quả trước khi ăn. Nếu muốn ăn rau sống bạn phải lựa nguồn rau sạch, rửa kỹ càng nhiều lần bằng nước sạch.
Vệ sinh môi trường: đảm bảo sử dụng nguồn nước sạch.
Kết luận:
Bệnh tả là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa nguy hiểm, đặc biệt khi kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như mất nước, suy thận, và thậm chí tử vong. Để bảo vệ bản thân và gia đình, việc duy trì vệ sinh cá nhân, ăn uống an toàn và sử dụng nguồn nước sạch là vô cùng quan trọng. Hãy luôn rửa tay bằng xà phòng, ăn chín uống sôi, và tránh ăn các thực phẩm không rõ nguồn gốc. Nếu có dấu hiệu mắc bệnh, cần bổ sung nước và điện giải ngay lập tức và đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Việc chăm sóc đúng cách và phòng ngừa hiệu quả sẽ giúp bạn và gia đình vượt qua bệnh tả một cách an toàn.