Nhiễm sán máng: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Sán máng (Schistosomiasis) là một loại sán dẹt sống trong hệ tuần hoàn lấy dinh dưỡng từ máu và có thể xâm nhập ra tất cả các nội tạng trong cơ thể. Tuy bệnh có diễn biến mãn tính và tỷ lệ tử vong thấp nhưng lại gây ra tổn thương cơ quan phủ tạng, đặc biệt nhất là gây chậm phát triển cả về tinh thần, nhận thức ở trẻ nhỏ. Mời bạn tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu hơn về căn bệnh này.
Tổng quan chung
Bệnh sán máng (Schistosomiasis) gây ra bởi sự nhiễm trùng của sán dẹp loài Schistosoma trong cơ thể. Loại ký sinh trùng này phổ biến nhất được tìm thấy ở khắp Châu Phi, nhưng cũng sống ở các khu vực của Nam Mỹ, Caribe, Trung Đông và Châu Á. Bệnh lây lan qua tiếp xúc với nước có chứa ấu trùng sán máng. Những ấu trùng này xâm nhập vào da và sống trong các mạch máu xung quanh ruột hoặc bàng quang. Ấu trùng sán máng do ốc nước ngọt bị nhiễm phóng thích ra. Bệnh đặc biệt phổ biến ở trẻ em tại các nước đang phát triển vì chúng hay chơi đùa trong nước bị nhiễm. Các nhóm khác có nguy cơ cao gồm nông dân, ngư dân, và những người dùng nước bị nhiễm trong sinh hoạt hàng ngày. Bệnh thuộc loại bệnh truyền nhiễm. Bạn thường không có bất kỳ triệu chứng nào khi mới bị nhiễm sán máng, nhưng ký sinh trùng có thể tồn tại trong cơ thể nhiều năm và gây tổn thương cho các cơ quan như bàng quang, thận và gan.
Triệu chứng nhiễm sán máng
Nếu nhiễm sán máng cấp tính (gọi là sốt Katayama fever) có thể xuất hiện một vài tuần sau khi sán máng xâm nhập cơ thể người, nguyên nhân thường do S. mansoni và S. japonicum. Các triệu chứng sẽ khác nhau ở mỗi loài ký sinh và giai đoạn của bệnh bao gồm:
- Một số loài có thể gây sốt, ớn lạnh, sưng hạch bạch huyết, gan lách to.
- Khi xâm nhập vào da, nó có thể gây ngứa và phát ban.
- Các triệu chứng đường ruột bao gồm đau bụng và tiêu chảy (có thể đại tiện ra máu).
- Các triệu chứng tiết niệu bao gồm đi tiểu thường xuyên, tiểu gắt buốt và tiểu máu.
- Đa số bệnh sán máng là mạn tính, tuy nhiên bất kể có triệu chứng ban đầu hay không thì bệnh vẫn tiến triển nghiêm trọng gây hại các bộ phận cơ thể. Sán máng mạn tính có thể bao gồm một loạt các triệu chứng, tùy thuộc vào khu vực nhiễm trùng.
- Sán máng tiêu hóa: có thể gây thiếu máu, đau và sưng bụng, tiêu chảy và máu trong phân.
- Sán máng tiết niệu: gây kích ứng bàng quang (viêm bàng quang), đau khi đi tiểu, tăng cảm giác mót tiểu và máu trong nước tiểu.
- Tim và phổi: gây ho dai dẳng, thở khò khè, khó thở và ho ra máu.
- Hệ thống thần kinh và não: có thể gây co giật, đau đầu, suy nhược, tê ở chân và chóng mặt.
Một số biến chứng có thể gặp khi nhiễm sán máng như:
- Xuất hiện các điểm phình mạch thực quản dạ dày.
- Tăng áp lực tĩnh mạch cửa gây xuất huyết tiêu hóa trên.
- Bệnh lý não – gan do sán máng.
- Viêm phúc mạc nhiễm khuẩn nguyên phát.
- Tắc ruột hoặc viêm ruột thừa do sán kẹt.
Nguyên nhân nhiễm sán máng
Nhiễm sán máng là do tiếp xúc với nước bị ô nhiễm chứa ấu trùng sán. Các nguyên nhân chính bao gồm:
- Tiếp xúc với nước ô nhiễm: Các hoạt động như tắm, giặt giũ, hoặc đi bộ trong nước bị ô nhiễm là con đường chính giúp sán máng xâm nhập vào cơ thể.
- Sử dụng nước không sạch: Nước dùng để sinh hoạt nếu bị ô nhiễm bởi phân chứa trứng sán máng có thể dẫn đến nhiễm bệnh.
Sán máng là một loại sán dẹp, có con đực và con cái riêng biệt, sống chủ yếu trong hệ tuần hoàn và hút máu; tùy theo từng loại ký sinh ở các hệ tĩnh mạch của các các cơ quan khác nhau.
Có 5 loài sán máng gây bệnh ở người: Schistosoma hamatobium (S. hamatobium), Schistosoma mansoni (S.mansoni), Schistosoma japonicum (S.japonicum), Schistosoma intercalatum, Schistosomamekongi. Trong đó có 3 loài sán máng gây bệnh cho người nhiều nhất là sán máng S.hamatobium; S.mansoni và S.japonicum.
Đường lây truyền bệnh:
Ấu trùng chui qua da người khi người bơi lội hoặc tắm trong nước có ấu trùng sán máng. Bạn có thể bị nhiễm bệnh nếu bạn tiếp xúc với nước bị ô nhiễm ví dụ như khi chèo thuyền, bơi lội hoặc giặt giũ và ấu trùng chui vào da của bạn. Khi vào cơ thể bạn, ấu trùng sẽ di chuyển theo máu đến các khu vực như gan và ruột. Sau một vài tuần, con trưởng thành bắt đầu đẻ trứng. Một số trứng vẫn còn bên trong cơ thể và bị tấn công bởi hệ thống miễn dịch, trong khi một số được thải ra ngoài trong nước tiểu hoặc phân của người bệnh. Nếu không điều trị, sán máng có thể tiếp tục đẻ trứng trong vài năm. Nếu trứng đi ra khỏi cơ thể vào nước, chúng sẽ giải phóng những ấu trùng nhỏ cần phát triển bên trong vật chủ trung gian là ốc nước ngọt trong vài tuần trước khi có thể lây nhiễm sang người khác. Điều này có nghĩa là không thể lây nhiễm bệnh từ người khác mắc bệnh.
Đối tượng nguy cơ
Tỷ lệ mắc bệnh sán máng cao nhất tại khu vực châu Phi hạ Sahara; đặc biệt tại khu vực nông thôn hay đô thị thiếu nguồn nước sạch, tạo điều kiện cho vật chủ trung gian là ốc sên phát triển. Văn hóa trồng lúa nước cũng là yếu tố quan trọng; do trâu có thể là nguồn mang mầm bệnh ở khu vực Đông Á hay Tây Phi. Trẻ nhỏ có thể mắc bệnh khi tắm trong khu vực hồ, sông, suối có mang mầm bệnh. Nhiễm sán máng cũng có thể xảy ra ở các khách du lịch đến những nơi có dịch tễ.
Phòng ngừa nhiễm sán máng
Nhiễm bệnh sán máng có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, do đó cần thực hiện các biện pháp phòng chống chủ động để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh:
- Tẩy giun định kỳ 6 tháng để phòng tránh các loại giun sán thường gặp.
- Đảm bảo ăn chin, uống sôi, đảm bảo vệ sinh khi ăn uống.
- Vệ sinh cá nhân, môi trường sống xung quanh.
- Tránh tiếp xúc với nước ô nhiễm: Hạn chế tiếp xúc với nước bị ô nhiễm và không sử dụng nước không sạch. Không tắm hoặc bơi lội ở các khu vực ao hồ, sông suối. Nếu phải tiếp xúc với những vùng nước này thì nên có đồ bảo hộ (quần áo, giày ủng).
- Cải thiện vệ sinh: Đảm bảo nguồn nước sinh hoạt được xử lý sạch sẽ và duy trì vệ sinh môi trường.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán xác định thì tùy từng loài sán mà ta có thể xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm phân tìm trứng. Có thể dùng phương pháp soi bàng quang, soi trực tràng kết hợp với xét nghiệm. Có thể chẩn đoán gián tiếp bằng các phương pháp phản ứng ngưng kết kháng nguyên, ELISA.
Điều trị
Bệnh nhân mắc bệnh sán máng cần được điều trị để hồi phục ở giai đoạn cấp, tránh các biến chứng giai đoạn mạn tính và ngăn ngừa tổn thương thần kinh trung ương.
- Giai đoạn cấp: Nếu bệnh nhân biểu hiện hội chứng nhiễm sán máng cấp tính (sốt Katayama), thường xảy ra 3 đến 8 tuần sau nhiễm ký sinh trùng, điều trị giảm viêm bằng corticoid. Sau khi các triệu chứng cấp tính được giải quyết, điều trị bệnh nhân bằng praziquantel trong ít nhất 4 đến 6 tuần .
- Giai đoạn mạn tính: Bệnh nhân nhiễm sán máng cần được điều trị bằng praziquantel trong ít nhất 4 đến 6 tuần. Liều praziquantel từ 40 mg/kg (với S. haematobium, S. mansoni, S. intercalatum) đến 60 mg/kg (với S. japonicum, S. mekongi). Sau điều trị, cần tiếp tục theo dõi triệu chứng lâm sàng, bạch cầu ái toan cà theo dõi trứng sán trong phân hoặc nước tiểu. Nếu bạch cầu ái toan kéo dài 3 tháng sau điều trị cho thấy điều trị không đáp ứng hoặc nhiễm thêm ký sinh trùng khác.
Trong trường hợp bệnh nhân có biểu hiện thần kinh do sán máng, cần điều trị ngay bằng corticoid để tránh phản ứng viêm gây tổn thương tế bào thần kinh.
Kết luận
Nhiễm sán máng là một bệnh ký sinh trùng nghiêm trọng, nhưng có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả bằng cách thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân và môi trường, cũng như sử dụng thuốc điều trị phù hợp. Hiểu rõ về triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa sán máng giúp bạn bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng. Nếu nghi ngờ bị nhiễm sán máng, hãy tìm kiếm sự tư vấn y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.