Nhiễm Clostridium botulinum: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Vi khuẩn Botulinum là gì?
Vi khuẩn Botulinum(Clostridium Botulinum, viết tắt C.botulinum) là một loại vi khuẩn gram dương hình que, kỵ khí nên chỉ có thể phát triển trong môi trường thiếu oxy.
Vi khuẩn Clostridium botulinum sinh ra bào tử, chúng di chuyển được, chịu nhiệt và tồn tại khắp nơi trong môi trường: đất, bụi, bùn, phân…
Độc tố Botulinum là gì?
Độc tố Botulinum là một loại protein do vi khuẩn Clostridium botulinum tạo ra. Đây là chất độc gây chết người mạnh nhất từng được biết đến, liều gây chết người khi tiêm vào khoảng 1,2-1,3 ng/kg và 10-13mg/kg khi hít vào ở điều kiện thiếu oxy, vi khuẩn C.botulinum sinh ra bào tử rồi bài tiết độc tố. Có 7 loại độc tố Botulinum chính, được ký hiệu: A,B,C,D,E,F,G trong đó 4 nhóm A, B, E và F ( hiếm gặp) gây bệnh ở người.
Vi khuẩn C.botulinum không phát triển trong điều kiện axit (pH nhỏ hơn 4,6) nên độc tố không được hình thành trong thực phẩm có tính axit. Tuy nhiên, độ pH dù thấp xuống cũng không phân hủy bất kỳ độc tố nào được hình thành trước đó. Phương pháp bảo quản thực phẩm kết hợp dùng nhiệt độ thấp, hàm lượng muối và/hoặc độ pH thích hợp sẽ giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn cũng như hình thành độc tố.
Độc tố botulinum đã được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm các loại rau củ được bảo quản trong môi trường ít axit như đậu xanh, rau, nấm và củ cải đường, thực phẩm đóng hộp, cách lên men, cá muối và hun khói và các sản phẩm từ thịt như giăm bông và xúc xích
Ngộ độc Botulinum là gì?
Ngộ độc Botulinum là ngộ độc nặng, gây ra các biến chứng nặng có thể dẫn đến suy hô hấp, liệt toàn thân và nếu không can thiệp kịp thời có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt hiện nay thuốc điều trị Botulinum rất hiếm. Ngộ độc Botulinum còn ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe do yếu cơ, yếu tay chân…
Cơ chế gây độc của Botulinum
Độc tố Botulinum được sinh ra do vi khuẩn Clostridium Botulinum trong môi trường kỵ khí (môi trường thiếu không khí). Vi khuẩn Clostridium Botulinum có đặc điểm kỵ khí, do đó không thể phát triển ở những nơi có đủ oxy, thông gió tốt và cũng không phát triển ở môi trường chua, mặn. Điều này có nghĩa, nếu quy trình sản xuất hay bảo quản thực phẩm, đặc biệt thực phẩm đóng hộp có lẫn một vài bào tử. C.botulinum hay môi trường được đóng kín không có oxy, nếu thực phẩm không có đủ độ mặn và chua sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển, tiết ra độc tố botulinum. Đây là nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc thực phẩm.
Trước đây, những ca ngộ độc Botulinum thường gặp ở đồ hộp như thịt hộp, tuy nhiên các thực phẩm khác như rau, củ, quả, thịt, hải sản,… nếu được sản xuất và bảo quản không đúng cách đều có thể gây ngộ độc Clostridium Botulinum.
Triệu chứng ngộ độc Botulinum
Các triệu chứng sau thường khởi phát sau 12-36 giờ sau ăn ( có thể 1 tuần sau ăn)
- Tiêu hóa: xuất hiện sớm các triệu chứng buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng, sau đó liệt ruột cơ năng, táo bón.
- Thần kinh: người bệnh bị liệt đối xứng 2 bên, xuất phát từ vùng đầu mặt, cổ lan xuống chân với các triệu chứng: sụp mí, nhìn đôi, nhìn mờ, đau họng, khó nuốt, khó nói, khàn tiếng, khô miệng. sau đó liệt tay, liệt các cơ vùng ngực, bụng và liệt hai chân.
- Phản xạ gân xương: thường giảm hoặc mất, không có rối loạn cảm giác.
Người bị ngộ độc botulinum có thể không có tất cả các triệu chứng này cùng một lúc. Nếu có các triệu chứng ngộ độc botulinum, hãy đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Điều trị ngộ độc Botulinum
Bác sĩ cho sử dụng thuốc kháng độc tố (thuốc giải độc Botulinum) để giảm tỷ lệ tử vong. Thuốc có vai trò trung hòa các độc tố chưa kịp tiếp cận tế bào thần kinh. Điều này giúp ngăn bệnh diễn tiến nặng hơn.
Bên cạnh đó, người bệnh được điều trị triệu chứng, tùy theo dấu hiệu bệnh mà độc tố gây ra, có thể kèm thở máy cả hàng tuần, hàng tháng. Người bệnh không cần dùng thuốc kháng sinh trừ trường hợp nhiễm độc từ vết thương
Nguyên tắc:
Cấp cứu và hồi sức hô hấp là chính: phát hiện sớm tình trạng liệt cơ hô hấp, kiểm soát đường thở, thở máy và các vấn đề hồi sức kèm theo
Dùng thuốc giải độc đặc hiệu càng sớm càng tốt khi đã có chỉ định
Báo cáo các cơ quan chức năng cùng phối hợp giải quyết
Điều trị cụ thể:
Gây nôn: mới ăn thực phẩm nghi ngờ( trước 2h)
Than hoạt: 1g/kg cân nặng( kết hợp sorbitol liều tương đương)
Hô hấp: NKQ sớm, thường thở máy dài ngày
Tiêu hóa: ăn qua sonde dạ dày (liều hầu họng)
Cân bằng dinh dưỡng, điện giải
Chống loét, nhiễm trùng bệnh viện
Phòng bệnh
- Với cơ quan chức năng: tăng cường công tác kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm
- Với người dân:
- Chọn thực phẩm nguồn gốc xuất xứ rõ ràng
- Thận trọng với các thực phẩm đóng kín như đồ hộp
- Ăn chín, uống sôi (nấu chín sẽ phá hủy độc tố Botulinum trong trường hợp nếu có)