Nhận biết các loại viêm não
Viêm não là tình trạng viêm nhu mô não do vi rút xâm nhập trực tiếp hoặc xảy ra như một biến chứng miễn dịch sau nhiễm trùng do phản ứng quá mẫn với vi rút hoặc một protein lạ khác. Triệu chứng bao gồm sốt, đau đầu và tình trạng tinh thần thay đổi, thường đi kèm với co giật hoặc thiếu sót thần kinh khu trú. Bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Bài viết sau đây sẽ cùng tìm hiểu các loại viêm não phổ biến và các biện pháp phòng ngừa căn bệnh này.
Các loại viêm não phổ biến
Viêm não Nhật Bản
Là loại viêm não thường gặp nhất ở nước ta. Trẻ em bị bệnh nhiều hơn so với người lớn do chưa có miễn dịch. Thời gian ủ bệnh kéo dài 6 -16 ngày. Virus viêm não Nhật Bản có thể gây sốt đơn thuần, viêm màng não và viêm não. Ở trẻ em bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng sốt cao, rối loạn tinh thần, có thể có co giật (hội chứng não cấp). Ở người lớn bệnh ít cấp tính hơn, bệnh nhân mệt mỏi trong một vài ngày, sau đó xuất hiện sốt, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn… Thăm khám lâm sàng có thể phát hiện tình trạng rối loạn tinh thần, các dấu hiệu viêm não, liệt vận động, các dấu thần kinh bệnh lý. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể có các cơn xoắn vặn chi.
Viêm màng não do HiB
HiB thường gây viêm màng não mủ ở trẻ em dưới 6 tuổi, tỷ lệ tử vong trong viêm màng não do HiB vào khoảng 5%. Một số bệnh nhân sau khi khỏi bệnh còn có các di chứng thần kinh như giảm thính lực hoặc điếc, chậm nói, não úng thủy.
Viêm màng não do HiB có thể đi kèm với các biểu hiện khác của nhiễm khuẩn toàn thân như:
- Viêm phổi, viêm mủ hầu họng, viêm cơ, nhiễm khuẩn huyết, viêm tủy xương…
- Người bệnh sốt, đau đầu, nôn…
- Dấu hiệu màng não có thể rõ hoặc kín đáo.
Hình ảnh mô phỏng viêm màng não HIB
Viêm màng não do phế cầu
Phế cầu (S. pneumoniae) là tác nhân gây viêm màng não thường gặp ở người lớn. Bệnh nhân viêm màng não thường có các ổ nhiễm phế cầu kề cận sọ não hoặc ở các cơ quan khác như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm tai xương chũm, viêm xoang, viêm nội tâm mạc… Nhiễm phế cầu nặng thường gặp ở các bệnh nhân có các bệnh cơ địa như nghiện rượu, suy dinh dưỡng, đái tháo đường, bệnh ác tính, các bệnh suy giảm miễn dịch.
Viêm màng não do não mô cầu
Viêm màng não mô cầu BC là bệnh lây qua đường hô hấp. Hầu hết Viêm màng não mô cầu thường đi kèm với nhiễm khuẩn huyết. Dấu hiệu nhận biết là:
- Sốt cao, rát họng, đau đầu, chảy mũi nước trong hoặc có kèm theo mủ.
- Rét run, đau mỏi các cơ, khớp khắp toàn thân.
- Nhức đầu dữ dội, nôn vọt, táo bón, ban xuất huyết “hình sao”.
- Gan, lách to ra nhanh.
- Huyết áp giảm dần và có thể tụt trong trường hợp sốc nhiễm khuẩn.
Viêm màng não mô cầu ở trẻ nhỏ
Viêm màng não, viêm não do biến chứng của quai bị
Viêm màng não và viêm não xuất hiện ở bệnh nhân quai bị, tủy lệ nam mắc nhiều hơn nữ. Viêm màng não – viêm não quai bị có thể xuất hiện trước, cùng lúc hoặc sau khi sưng các tuyến nước bọt. Một số tổn thương não – màng não có thể để lại di chứng vĩnh viễn như điếc, não úng thủy.
Dấu hiệu nhận biết bệnh:
- Sốt rất cao
- Có rối loạn ý thức, liệt thần kinh sọ não
- Có thể viêm tủy cắt ngang, hội chứng Guillain-Barre..
Là bệnh có tỷ lệ tử vong cao, lên đến 10-15%. Tuy nhiên, có thể phòng ngừa bệnh bằng cách tiêm vắc-xin viêm màng não mô cầu BC. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có cung cấp dịch vụ tiêm vắc-xin ngừa viêm màng não do não mô cầu nhóm B+C.
Viêm não do vi-rút Herpes
Viêm não do vi-rút Herpes xâm nhập cơ thể con người qua đường niêm mạc. vi-rút sẽ trực tiếp đến não, gây viêm não. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại biến chứng như: Tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, nói khó, rối loạn chức năng trí tuệ..
Dấu hiệu nhận biết bệnh Viêm não do vi-rút Herpes:
- Sốt cao, nhức đầu.
- Nôn, co giật.
- Rối loạn tri giác, hay quên…
Viêm não do vi-rút Herpes là bệnh viêm não do virut duy nhất có thuốc đặc trị.
Viêm não do virus Herpes
Viêm não, viêm màng não do các Enterovirus gây bệnh đường ruột
Các virus đường ruột (Enterovirus) có khả năng lây truyền qua tiếp xúc phân – miệng hoặc hô hấp, loại virus này gây viêm màng não nước trong và kèm theo bại nhẹ.
Dấu hiệu nhận biết:
- Sốt, mệt mỏi, đau đầu, nôn, hội chứng màng não.
- Có triệu chứng giống bệnh tay, chân, miệng
- Gây đau cơ ngực và cơ bụng, viêm cơ tim.
- Phát ban dạng dát sẩn ở trẻ em.
Yếu tố nguy cơ gây ra viêm não
Bất kỳ ai cũng có khả năng bị viêm màng não, nhưng bệnh này phổ biến hơn ở các nhóm đối tượng:
Có hệ miễn dịch suy giảm
Những người bị suy giảm miễn dịch dễ bị nhiễm trùng hơn so với người khỏe mạnh, khiến họ dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng gây viêm màng não. Một số vấn đề sức khỏe và phương pháp điều trị có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, đó là:
- HIV/AIDS
- Rối loạn tự miễn dịch
- Hóa trị liệu
- Cấy ghép nội tạng hoặc tủy xương
- Ung thư
- Thuốc ức chế miễn dịch
- Có môi trường sống nhỏ hẹp
Bệnh viêm màng não rất dễ lây lan khi mọi người sinh sống cùng nhau trong không gian nhỏ như ký túc xá, doanh trại, trường học nội trú, trường mầm non…
Phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc bệnh listeriosis – một bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn Listeria gây nên. Nguy hiểm hơn, tình trạng nhiễm trùng có thể lây lan sang thai nhi.
Trẻ nhỏ và người lớn tuổi
Mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não. Tuy nhiên, một số nhóm tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Trẻ em dưới 5 tuổi có nhiều khả năng mắc bệnh do virus. Trẻ sơ sinh có nguy cơ cao mắc bệnh do vi khuẩn. Trong khi đó, người lớn tuổi có thể mắc một số bệnh lý nhiễm trùng – tiền căn của viêm màng não.
Thường xuyên tiếp xúc với động vật
Người làm công việc phải tiếp xúc với động vật hàng ngày như chăn nuôi gia súc, bác sĩ thú y… có nguy cơ nhiễm vi khuẩn Listeria cao hơn.
Phụ nữ mang thai dễ có nguy cơ mắc bệnh Listeriosis
Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm não
Những lý do này đủ để cho chúng ta thấy rằng bệnh viêm não nguy hiểm như thế nào. Vì vậy mỗi người và đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ nên thực hiện các cách phòng ngừa căn bệnh này thông qua những phương pháp sau:
- Tiêm phòng viêm não Nhật Bản và các bệnh lý nhiễm trùng (sởi, thủy đậu, quai bị) đầy đủ cho trẻ theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế;
- Tránh vui chơi ngoài trời vào thời điểm bình minh hoặc hoàng hôn vì đây là lúc hoạt động mạnh nhất của loài muỗi;
- Mắc màn khi đi ngủ, dùng thuốc xịt muỗi, mặc quần áo dài che phủ để tránh bị muỗi đốt;
- Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, khơi thông cống rãnh, làm sạch và đậy kín các vật dụng dùng để chứa nước để hạn chế muỗi đẻ trứng và sinh sôi.
Vệ sinh sạch sẽ nơi ở tránh nguy cơ mắc bệnh viêm não
Viêm não là một căn bệnh nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Để bảo vệ bản thân và gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ, bạn nên chú trọng đến việc tiêm phòng đầy đủ, giữ vệ sinh môi trường sống và hạn chế tiếp xúc với muỗi và các nguồn lây bệnh. Hãy luôn lưu ý những triệu chứng bất thường để có thể phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.