Nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường sau sinh: Cách phòng ngừa
Đái tháo đường sau sinh là bệnh lý xuất hiện do rối loạn chuyển hóa đường huyết sau sinh. Cụ thể là nồng độ đường trong máu của cơ thể người bệnh luôn tăng cao trên mức bình thường. Được biết, chỉ số này ở một người khỏe mạnh chỉ dao động trong khoảng 3,6 – 6,4 mmol/l. Đái tháo đường sau sinh không chỉ xuất hiện sau khi chị em vượt cạn mà nó còn có thể khởi phát ngay từ trong thai kỳ.
Dấu hiệu đái tháo đường sau khi sinh
- Ăn nhiều: đường huyết không thể chuyển hóa thành năng lượng để cung cấp cho tế bào hoạt động do thiếu insulin. Bởi vậy, họ sẽ luôn cảm thấy đói và buộc cơ thể phải dung nạp thức ăn liên tục.
- Uống nhiều: Sản phụ bị đái tháo đường sau sinh sẽ cảm thấy liên tục khát nước dù đã uống đủ. Nguyên nhân là do đường huyết tăng cao đã khiến cơ thể phải huy động liên tục nguồn nước trong tế bào để có thể hòa tan đường và đào thải chúng ra ngoài.
- Tiểu nhiều: Tiểu nhiều chính là hệ quả của triệu chứng uống nước nhiều khi chị em bị đái tháo đường sau sinh. Bên cạnh đó, lúc này, thận và hệ tiết niệu cũng phải làm việc với cường độ cao để có thể bài tiết lượng đường dư thừa trong máu. Điều này đã khiến người bệnh phải tiểu tiện rất nhiều lần trong ngày.
- Sụt cân bất thường: Bệnh nhân bị đái tháo đường không có đủ insulin để chuyển hóa đường thành năng lượng cho cho các cơ quan hoạt động. Bởi vậy, cơ thể họ sẽ tìm một nguồn năng lượng khác thay thế, và đó chính là protein từ các mô cơ và lipid, lúc này chúng sẽ được đốt chất thành năng lượng. Bởi vậy, việc sụt cân bất thường cũng chính là triệu chứng điển hình khi chị em bị đái tháo đường sau khi sinh.
Ngoài ra 4 triệu chứng điển hình trên, còn có các triệu chứng khác như:
- Các vết thương, vết trầy thương lâu lành.
- Vùng kín bị nhiễm nấm.
- Cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng.
- Kiệt sức.
Nguyên nhân gây đái tháo đường sau sinh
Mẹ sau sinh bị đái tháo đường có thể là 1 trong 3 dạng sau:
- Đái tháo đường tuýp 1: Đặc trưng là tuyến tụy giảm tiết hoặc hoàn toàn không sản sinh ra Insulin. Bệnh thường xảy ra ở những người trẻ tuổi (dưới 30 tuổi).
- Đái tháo đường tuýp 2: Do suy giảm khả năng đáp ứng của cơ thể với insulin. Đây là loại đái tháo đường mà mẹ sau sinh thường bị nhất. Đặc biệt ở những mẹ thừa cân và béo phì hay trên 40 tuổi đều có nguy cơ cao mắc bệnh này.
- Đái tháo đường thai kỳ: Nguyên nhân gây ra đái tháo đường thai kỳ vẫn chưa được biết rõ, chỉ biết rằng những thay đổi sinh lý trong cơ thể người mẹ và tác động của các hormone do bánh nhau tiết ra làm giảm hoạt động của insulin nội sinh. Nếu không kiểm soát đường huyết thai kỳ tốt thì bệnh có thể tiến triển xấu đến giai đoạn sau sinh.
Biện pháp phòng ngừa đái tháo đường sau sinh
Thông thường, bệnh đái tháo đường thai kỳ thường biến mất sau khi sinh xong. Nhưng không vì thế mà các mẹ bầu chủ quan bởi mẹ có thể bị đái tháo đường tuýp 2 ngay sau đó. Do đó, việc kiểm soát đái tháo đường thai kỳ là vô cùng quan trọng để phòng ngừa đái tháo đường sau sinh.
Để hạn chế nguy cơ mắc đái tháo đường sau sinh, nên thay đổi chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể dục thể thao để ổn định đường huyết.
Chế độ dinh dưỡng
- Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp, chứ không cần phải kiêng tuyệt đối các loại thực phẩm giàu tinh bột, hay đồ ngọt. Thay vào đó, nên cắt giảm lượng tinh bột, ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, chất đạm và chất béo lành mạnh, chỉ nên ăn những loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp.
- Chia nhỏ bữa ăn hàng ngày thành 5 – 6 bữa để tránh lượng đường huyết tăng đột ngột.
- Trước khi ăn cơm, nên ăn thật nhiều rau xanh để làm chậm quá trình hấp thu tinh bột, cũng như giải phóng lượng đường vào trong máu.
- Uống đủ nước: khoảng 2,5 lít/ngày, giúp cho việc bài tiết sữa được tốt.
Chế độ sinh hoạt, luyện tập
- Tập luyện thể dục thể thao nhẹ nhàng từ 30 – 60 phút mỗi ngày theo tư vấn của bác sĩ để nâng cao thể lực, cải thiện độ nhạy cảm của insulin, cũng như giảm nồng độ đường huyết.
- Duy trì cân nặng ở mức ổn định và phù hợp với thể trạng của bản thân.
- Duy trì cho con bú sữa mẹ: Các nhà khoa học đã kết luận rằng phụ nữ có thời gian cho con bú càng lâu thì càng làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Ngoài ra, việc cho con bú còn giúp cho các mẹ sau sinh con có thể giảm cân, từ đó giảm nguy cơ bị đái tháo đường.
Nếu thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt không cải thiện thì mẹ phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự dùng thuốc để tránh ảnh hưởng đến con.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.