Lối sống lành mạnh cho người mắc bệnh lỵ amip
Bệnh lỵ amip là bệnh truyền nhiễm lây bằng đường tiêu hóa do Amip lỵ (Entamoeba histolytica) gây nên. Bệnh biểu hiện điển hình là hội chứng lỵ: đau quặn, mót rặn, ỉa phân có máu tươi. Mọi người, mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc; bệnh xảy ra chủ yếu do điều kiện vệ sinh kém. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một vài thông tin về chế độ ăn uống và vận động dành cho bệnh nhân bị bệnh lỵ amip.
Nguyên nhân lỵ amip
Tác nhân gây bệnh lỵ amip là do Entamoeba histolytica, chúng có 2 thể là thể hoạt động và kén. Tùy theo điều kiện sống, amip lỵ có thể chuyển dịch giữa thể hoạt động và thể kén.
E histolytica có thể sống trong ruột già (ruột kết) mà không gây tổn thương ruột. Trong một số trường hợp, nó xâm nhập vào thành đại tràng, gây viêm đại tràng , kiết lỵ cấp tính hoặc tiêu chảy kéo dài (mãn tính). Nhiễm trùng cũng có thể lây lan qua đường máu đến gan. Trong một số trường hợp hiếm hoi, nó có thể lây lan đến phổi, não hoặc các cơ quan khác.
Các con đường lây nhiễm bệnh:
- Ăn thực phẩm, uống đồ uống nhiễm ký sinh trùng
- Chạm tay vào bề mặt chứa trứng ký sinh trùng sau đó đưa vào miệng
- Tiếp xúc với phân, dễ xảy ra nhất khi: quan hệ tình dục qua đường hậu môn, sống hoặc đi du lịch đến nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo…
Entamoeba histolytica là tác nhân gây bệnh lỵ amip
Đề xuất các món ăn dinh dưỡng cho người mắc lỵ amip
- Bệnh nhân cần uống nhiều nước để bù chất lỏng cho cơ thể phòng ngừa mất nước. Trường hợp đi ngoài nhiều, bị mất nước nên bổ sung nước oresol để tránh tình trạng mất nước, kiệt sức, giúp phục hồi sức khỏe tốt hơn. Hoặc có thể uống nước muối đường loãng nhiều đợt.
Bổ sung nước điện giải rất quan trọng khi bị lỵ amip
- Nên uống nước khoáng hoặc nước đun sôi để nguội.
- Nên chọn những món ăn nhạt, loãng, không có xơ và dầu mỡ để dễ tiêu hóa. Người bệnh cũng nên chia thành nhiều bữa nhỏ, không ăn quá no vào một bữa. Cách chế biến món ăn chủ yếu là nấu thành canh, thành cháo. Nên ăn thực phẩm như: gạo tẻ, gạo nếp, mì, đại mạch, đậu non, củ mài, hạt sen, đậu xanh… Đây là những thực phẩm ngoài giúp bạn dễ tiêu, còn có tác dụng hạn chế đi lỏng. Khi đi ngoài nhiều, có thể ninh thành cháo nhừ đặc để ăn.
- Bổ sung rau quả tươi trong chế độ ăn hàng ngày: nên luộc, nghiền hoặc ép thành nước để ăn uống. Các loại hoa quả như chuối, táo giàu kali, chứa pectin – chất xơ hòa tan trong nước có tác dụng giảm tiêu chảy khi bị kỵ.
- Bổ sung lợi khuẩn probiotic giúp cải thiện sức khỏe ruột kết, đặc biệt tốt cho bệnh nhân bị kiết lỵ.
- Nên bổ sung các thực phẩm có tác dụng diệt khuẩn lỵ tốt vào chế độ ăn như tỏi, lá chè, ngó sen, ổi,…
Ngoài ra, bệnh nhân cần kiêng hoặc ít dùng những thực phẩm sau đây để tránh cho bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, gây khó khăn cho việc điều trị:
- Các sản phẩm sữa chẳng hạn pho mát, kem, bơ là những thực phẩm gây kích ứng ruột, khiến bệnh kiết lỵ trở nên trầm trọng hơn. Có thể thay thế bằng các sản phẩm sữa như sữa bò bằng các sản phẩm từ sữa đậu nành, sữa hạnh nhân. Nên giảm bớt thực phẩm giàu protein như sữa bò, cá, thịt, trứng…
- Thực phẩm kích thích như: ớt, hạt tiêu; Đồ uống có cồn, có ga, có chứa cafein chẳng hạn như rượu, bia, cà phê, soda, nước ngọt… Thức ăn cay, chứa nhiều dầu mỡ như quẩy, nhân đào hạt, lạc… sẽ làm tình trạng lỵ trở nên trầm trọng hơn.
Người bị lỵ amip không nên ăn đồ ăn cay nóng
- Nên hạn chế dùng những thực phẩm nhiều bã, nhiều chất xơ như rau hẹ, rau cần, hành tây, giá đậu… hay các loại trái cây có nhiều chất xơ như: bưởi, cam, quýt… Những thứ này nhiều xơ, kích thích các vết loét đường ruột, làm đi ngoài nặng thêm, bất lợi đối với việc hồi phục vết viêm loét;
- Thực phẩm gây đầy hơi, chướng bụng như: ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, hành tây, đậu bắp, đậu Hà Lan, bông cải xanh, súp lơ, khoai bung, khoai tây, đại táo… không tốt cho người kiết lỵ. Riêng người thường xuyên bị đầy hơi cần hạn chế ăn những món sinh hơi.
- Hạn chế ăn thịt, giảm bớt tiêu thụ các sản phẩm chứa nhiều protein như trứng, cá…
- Kiêng các loại thực phẩm đóng hộp vì chúng thường có chứa nhiều chất bảo quản dễ gây ra hội chứng kích ứng cho người bệnh;
- Kiêng thực phẩm chứa nhiều đường (bánh quy, bánh ngọt,…) vì khi vào cơ thể sẽ kích thích sự phát triển của vi khuẩn, dễ khiến dạ dày bị loét chảy máu.
Các hoạt động thể chất phù hợp
Bên cạnh chế độ ăn uống thì hoạt động thể chất cũng rất quan trọng với người bị lỵ amip.
- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, 2-3 lần mỗi tuần giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, duy trì cân nặng phù hợp, tinh thần thoải mái.
- Không nên ngồi lâu 1 vị trí, nên đứng dậy đi lại, vận động tay chân.
Hy vọng bài viết trên đây giúp bạn có thêm những thông tin bổ ích trong việc chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình khi bị lỵ amip.