Lao họng là gì? Những điều cần biết về lao họng
Chắc hẳn bạn đã từng nghe tới bệnh lao, và đặc biệt là bệnh lao phổi, một bệnh lý khá phổ biến. Liệu lao họng và lao phổi có liên quan gì tới nhau không? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh lao họng như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin về bệnh lý này.
Tổng quan chung
Lao họng là tình trạng cổ họng của bạn bị viêm do vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis gây ra; thường phát sau lao phổi hoặc lao da. Lao họng gồm nhiều thể như lao kê họng, lao loét bã đậu ở trong bụng, lupus họng và lao họng nguyên phát. Những thể bệnh này thì có triệu chứng và tiên lượng nặng nhẹ khác nhau.
Triệu chứng
Những triệu chứng của lao họng thường giống với các bệnh lý tai mũi họng thông thường. Vì vậy người bệnh thường chủ quan và bỏ qua. Một số dấu hiệu cho thấy bạn đã bị lao họng:
- Sốt, mồ hôi ra nhiều;
- Khó thở, đau ngực nhất là khi ho;
- Đau nhói tai khi nuốt;
- Khó ăn, và dễ bị sặc nước lên mũi;
- Cảm giác ăn không ngon;
- Cơ thể mệt mỏi;
- Sụt cân;
- Ho ra máu;
- Trong họng có những hạt kê, tập trung lại thành các mảnh xù xì, dày cộm, khi những hạt kê này vỡ ra sẽ tạo ra những vết loét nông và rất bần;
- Một vài người có thể bị đau lưng, tiểu ra máu,…
Lao họng thường gây ra một số biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh nếu không được điều trị sớm:
- Lưỡi gà bị biến dạng và dính vào thành họng.
- Vùng bị loét hình thành sẹo dúm hoặc dính niêm mạc hầu.
- Tử vong.
Nguyên nhân
Nguyên nhân lao họng là do vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis gây ra. Đây là một vi khuẩn hiếu khí, chúng sẽ ngừng phát triển ở nhiệt độ 42 độ C và bị tiêu diệt ở 1000 độ C trong vòng 10 phút.
Lao họng có tính lây nhiễm cao, bệnh có thể lây từ người qua người và thường bị nhiễm qua:
- Đường không khí khi người bị bệnh nói chuyện, hắt hơi, ho, khạc nhổ.
- Sử dụng chung các vật dụng, thức ăn, đồ uống với người bệnh.
Lao họng là bệnh thứ phát nhưng đôi khi phát sinh ở người mới bị mắc lao phổi kèm theo bệnh sởi, cúm, cắt amidan, sau sinh đẻ.
Đối tượng nguy cơ
Hầu hết tất cả mọi đối tượng, lứa tuổi đều có khả năng bị lao họng.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ lao họng:
- Người bị nghiện thuốc lá;
- Có tiền sử mắc bệnh lao phổi;
- Tiếp xúc với người bị bệnh lao;
- Hệ thống miễn dịch suy giảm, sức đề kháng yếu như bị HIV/AIDS;
- Người mắc một số bệnh: Ung thư, tiểu đường, bệnh thận,…
- Đi tới những vùng đang có dịch bệnh;
- Người lạm dụng rượu, bia;
- Môi trường sống bị ô nhiễm.
Chẩn đoán
Chẩn đoán lao họng dựa trên thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cận lâm sàng như:
- Chụp X-quang;
- Xét nghiệm đờm;
- Xét nghiệm máu;
- Xét nghiệm dịch cơ thể (như dịch xung quanh phổi hay nước tiểu);
- Sinh thiết mô để tìm xem có những dấu hiệu đặc trưng nào cho thấy có bị lao không;
- PCR (phản ứng chuỗi polymerase).
Điều trị lao họng
Phương pháp điều trị bệnh lao họng cũng giống như điều trị theo phác đồ chống lao. Nguyên tắc điều trị lao họng là:
- Cần phải phối hợp các thuốc chống lao;
- Dùng thuốc đúng liều;
- Dùng thuốc đều đặn;
- Dùng thuốc đủ thời gian, qua 2 giai đoạn: Tấn công và duy trì.
- Phòng ngừa lao họng
Ngoài việc sử dụng thuốc điều trị lao theo phác đồ, bệnh nhân còn được dùng thuốc giảm đau, vitamin, nhất là phải tăng cường đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo năng lượng cho cơ thể.
Vệ sinh mũi họng thật tốt bằng một số thuốc (như thuốc súc họng kiềm nhẹ để làm thay đổi pH của họng) hoặc bằng tia cực tím, tia lửa điện nguội, đốt cote điện…
Cần theo dõi tiến triển bệnh trong suốt quá trình điều trị.
Tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng bệnh, hay mức độ kháng thuốc của cơ thể mà có thời gian sử dụng kháng sinh phù hợp, thường ít nhất từ 6 tới 9 tháng.
Phòng ngừa lao họng
- Tiêm vắc-xin phòng lao cho trẻ sơ sinh trong vòng 1 tháng sau sinh là cách tốt nhất để phòng bệnh. Người trưởng thành cũng có thể sử dụng vắc-xin nếu sống ở các nước đang phát triển có tốc độ lây lan bệnh lao cao.
- Nên đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay để làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh.
- Những người sống hoặc làm việc trong các nhà tù, các trung tâm nhập cư hoặc nhà dưỡng lão do thiếu dinh dưỡng và trong điều kiện vệ sinh đông đúc… đều có nguy cơ cao mắc bệnh lao, vì bệnh này dễ xuất hiện ở những nơi đông người và thông gió kém. Vì vậy các trường hợp này nên giữ gìn sức khỏe cẩn thận, có nếp sống lành mạnh để ngừa nhiễm bệnh lao.
- Duy trì lối sống lành mạnh: bỏ thuốc lá và tránh khói thuốc lá, tập thể dục thường xuyên, tránh stress, chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng; vệ sinh chỗ ở, làm việc sạch sẽ thoáng mát.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị kịp thời.
Hy vọng những chia sẻ này giúp bạn có thêm hiểu biết về bệnh Lao họng. Hãy chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào, hãy đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.