Triệu chứng của bệnh sởi trong thai kỳ và cách nhận biết sớm
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp do virus gây nên, bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, người chưa được tiêm phòng sởi, người suy giảm miễn dịch đặc biệt là phụ nữ mang thai. Vậy nhiễm sởi khi mang thai sẽ gặp phải những nguy cơ gì? Nguyên nhân và triệu chứng bệnh ra sao? Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu nhé.
Sởi ở phụ nữ mang thai gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm
Tổng quan về bệnh sởi
Sởi được coi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây ra bởi virus Paramyxoviridae. Thời điểm xuất hiện bệnh chủ yếu vào mùa đông – xuân, thường gặp ở trẻ em và có cả người lớn. Con đường lây truyền chủ yếu của virus gây bệnh là qua hệ hô hấp, qua tiếp xúc với dịch nước bọt của người bệnh.
Virus Paramyxoviridae ngoài gây bệnh sởi còn có khả năng gây ra các biến chứng như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm loét giác mạc mắt hoặc thậm chí là viêm não.
Nguyên nhân dễ mắc sởi ở thai phụ
- Ở phụ nữ mang thai, sự thay đổi nội tiết tố làm cho hệ miễn dịch suy giảm khiến mẹ bầu khó có thể chống chọi lại với virus sởi. Mặc dù thai phụ trước đó có sử dụng mũi tiêm phòng sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng nhưng sau khoảng 3 – 5 năm, các kháng thể này yếu dần và không đủ sức để tạo ra hàng rào miễn dịch bảo vệ cho cả mẹ và bé.
- Bệnh sởi ở phụ nữ mang thai còn do tình trạng thiếu chất ở bà bầu trong thời kỳ ốm nghén. Đây là nguyên nhân khiến virus Paramyxoviridae dễ dàng xâm nhập và gây bệnh.
Triệu chứng dễ nhận biết nhất của bệnh sởi ở thai phụ
Bệnh sởi do virus sởi gây nên, thời gian ủ bệnh thường từ 7 – 21 ngày (trung bình khoảng 10 ngày), nếu bị sởi khi mang thai, bà bầu sẽ có những biểu hiện như sau:
Giai đoạn khởi phát:
- Bệnh nhân thường có biểu hiện sốt cao 39 – 40 độ C.
- Viêm đường hô hấp trên (ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi).
- Viêm thanh quản cấp với biểu hiện khản tiếng (có thể gặp).
- Xuất hiện các hạt Koplik là những hạt nhỏ có kích thước 0,5-1 mm màu trắng/xám có quầng ban đỏ nổi gồ lên trên bề mặt niêm mạc má (phía trong).
Giai đoạn toàn phát:
- Sau khi sốt cao 3-4 ngày, xuất hiện triệu chứng phát ban. Ban có tính chất là ban hồng dát sẩn, khi căng da thì ban biến mất.
- Thứ tự xuất hiện của ban từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Khi ban mọc hết toàn thân thì sốt giảm dần.
Phát ban – biểu hiện đặc trưng của bệnh sởi
Giai đoạn hồi phục:
- Ban nhạt màu dần rồi chuyển sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu, để lại vết thâm vằn da hổ và biến mất theo thứ tự như khi xuất hiện. Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh tự khỏi.
- Có thể có ho kéo dài 1-2 tuần sau khi hết ban.
Ở một số trường hợp không điển hình, người bệnh sởi khi mang thai có thể sốt nhẹ thoáng qua, viêm họng nhẹ và phát ban ít, toàn trạng tốt. Do bệnh biểu hiện không điển hình, người bệnh tưởng rằng mình bị cúm hoặc sốt phát ban thông thường nên thường bỏ qua, dễ lây lan cho cộng đồng. Hoặc người bệnh cũng có thể sốt cao liên tục, phát ban không điển hình, phù nề kèm theo viêm phổi nặng.
Trong trường hợp sốt cao kéo dài kèm theo tình trạng mệt mỏi, phát ban trầm trọng, mẹ bầu cần đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và đưa ra phương án điều trị hợp lý nhất.