Giúp con đối phó vấn nạn học quá tải
Quá tải về trí lực sẽ dẫn đến stress, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của các em
Học quá tải là một vấn đề nghiêm trọng đối với các nhà sư phạm, các bác sĩ, và trước hết là các bậc phụ huynh. Bởi sự quá tải về trí lực sẽ dẫn đến stress, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của các em.
Các chuyên gia nhận thấy, một trong những nguyên nhân làm suy yếu sức khỏe của học sinh – đó là sự căng thẳng vì thiếu thời gian học. 50 năm gần đây khối lượng học tập của các em đã tăng hơn hai lần. Tương ứng với khối lượng học tập ở trường là việc gia tăng khối lượng bài tập về nhà. Thêm vào đó rất nhiều em còn tham gia các khóa âm nhạc, thể thao, hội họa, các giờ thực hành khác. Cuối cùng để kịp làm tất cả các việc đó các em buộc phải thường xuyên vội vàng, các em thực sự không còn thời gian để nghỉ ngơi. Một vấn đề nữa là áp lực tâm lý lên các em từ phía thầy cô giáo và cha mẹ. Không hiếm trường hợp nguyên nhân của stress là đòi hỏi cao về điểm số, thành tích trong thi đấu thể thao, âm nhạc…
Nghiên cứu của các nhà sinh lý học cho thấy 40% học sinh tiểu học có các dấu hiệu của chứng loạn thần kinh chức năng âm thầm hoặc rõ rệt. Trong số trẻ vị thành niên con số này đạt tới 70%. Những trường càng “mạnh”, chương trình học tập càng căng thẳng, tỉ lệ này càng cao. Ở những học sinh học ở các trường chuyên đến cuối tuần hoặc cuối kỳ, cuối năm khả năng học tập của học sinh bị giảm sút rõ rệt.
Nguy cơ của sự quá tải còn nằm ở chỗ ít hoạt động thể chất. Ngày nay các em ít khi nghỉ ngơi bằng đi dạo ngoài trời mà thường là ngồi trước màn hình tivi hay máy tính. Theo tổng kết của các nhà sinh lý học và sư phạm, ở bậc tiểu học và trung học cơ sở có 30-40% học sinh thiếu vận động, ở bậc trung học phổ thông tỉ lệ này lên tới 80%. Thiếu vận động ảnh hưởng xấu không chỉ tới thể chất mà cả tâm lý, khi chạy, nhảy, chơi các trò chơi vận động, thậm chí chỉ là đi dạo ngoài trời cũng khiến các em được giải tỏa những căng thẳng tâm lý.
Cha mẹ cần lưu ý những điều gì?
Có những dấu hiệu chứng tỏ con bạn đang bị quá tải hoặc rơi vào trạng thái căng thẳng mạn tính:
Trẻ không tập trung. Ngồi làm bài tập về nhà trong thời gian dài do trẻ không tập trung làm. Ở lớp cô giáo than phiền trẻ không chịu nghe giảng, thường hay mất tập trung.
Buổi tối trẻ rất khó ngủ, thậm chí có thể đi ngủ sau 12 giờ đêm. Ban ngày chúng lại luôn cảm thấy buồn ngủ.
Trẻ ăn không ngon miệng, người gầy yếu. Theo thống kê ở Matxcơva đến giữa kỳ một 60% học sinh lớp 1 bị sụt cân, mặc dù trẻ đang ở độ tuổi tăng cân.
Trẻ thường bị kích động, hay nói tục, có sự thay đổi tâm trạng một cách cá biệt.
Trẻ thường bị đau đầu, thỉnh thoảng tăng huyết áp. Đặc biệt sự thay đổi về huyết áp do căng thẳng trí óc thường thấy ở các trẻ gái.
Nếu những dấu hiệu trên không bị mất đi sau 1,5 – 2 tuần bạn cần đưa trẻ đi khám. Các bác sĩ sẽ có những phương pháp hiện đại giúp trẻ phục hồi khỏi stress, cũng như nâng cao khả năng làm việc trí óc. Đi khám bác sĩ là cần thiết vì trong số các biểu hiện của mệt mỏi còn có thể là dấu hiệu của rất nhiều bệnh khác trong cơ thể mà cần được chữa trị kịp thời.
SOS
Sự quá tải mạn tính khiến trẻ mắc bệnh cảm cúm. Sự quá tải về trí tuệ làm suy giảm khả năng thích nghi của cơ thể với môi trường, trong đó có hệ miễn dịch. Căng thẳng trong học tập tăng lên kéo theo rất nhiều bệnh mạn tính. Trong đó phải kể đến trước tiên là các bệnh thuộc hệ hô hấp và tiêu hóa, thứ nữa là sự suy giảm của các cơ quan tim mạch, cuối cùng là các bệnh thuộc hệ thần kinh, vận động. Theo thống kê sau một thời gian học số trẻ mắc bệnh mạn tính tăng gấp đôi.
Cha mẹ không thể tác động nhiều tới khối lượng học tập của trẻ ở trường bởi các giờ học đã có thời khóa biểu và được các thầy cô giáo ở trường ra yêu cầu. Song cha mẹ có thể theo dõi khối lượng bài tập về nhà của trẻ để phát hiện sự quá tải trong hoạt động trí óc, giải phóng cho trẻ khỏi những căng thẳng về trí óc bằng cách:
Theo dõi xem trẻ có dành quá nhiều thời gian khi ngồi máy vi tính không nếu những việc trên máy tính không liên quan đến yêu cầu học tập. Đối với trẻ tuổi vị thành niên không được ngồi máy tính quá 1,5 giờ. Đối với trẻ dưới 8 tuổi chỉ cho phép ngồi máy tính đến 40 phút, trẻ dưới 7 tuổi không quá 20 phút một ngày. Nếu trẻ phải ngồi học trên máy vi tính thì cứ nửa giờ cần được nghỉ 10 phút.
Trẻ ngồi lâu trước màn hình chịu nhiều tác hại tới sức khỏe
Hãy giúp con bạn tìm ra những giờ học cho tâm hồn. Thường trẻ không có hứng thú với các giờ học âm nhạc hay nghệ thuật, chúng sợ học, hoặc không thích các môn này. Trò chuyện với trẻ làm rõ thực sự trẻ thích môn gì để giúp trẻ phát triển khả năng sáng tạo. Nếu môn học nào trẻ thực sự ham thích thì khả năng tải khối lượng học tập sẽ tăng lên, sự căng thẳng cũng giảm đi.
Trong bất kỳ trường hợp nào các giờ học thêm cũng không được kết thúc mộn hơn 19 giờ. Bởi nếu không trẻ sẽ không còn đủ thời gian để nghỉ ngơi.
Theo dõi xem trẻ có tuân thủ đúng giờ giấc sinh hoạt trong ngày: giờ ngủ trưa, giờ ăn, giờ đi ngủ tối vào một thời điểm cố định trong ngày. Mỗi đêm trẻ phải ngủ được 8 – 9 giờ.
Luôn cố gắng không tạo áp lực cho trẻ. Động viên khích lệ khi trẻ thành công, không mắng mỏ, chì chiết khi trẻ thất bại.
Cố gắng động viên trẻ vận động nhiều hơn. Nếu trẻ không học đủ thể thao ở trường thì hãy đưa trẻ đi dã ngoại, thăm quan. Hoạt động thể chất, thay đổi các hình thức hoạt động, ấn tượng mới mẻ sẽ tác động tích cực lên hệ thần kinh của trẻ.
Chú ý vào chế độ dinh dưỡng của trẻ. Trong thực đơn cần có đủ lượng đạm cần thiết (có trong thịt nạc, cá và pho mát), đường phức (thường có trong các loại ngũ cốc và bánh mỳ đen) cũng như vitamin (có trong các loại rau, củ, quả). Để não hoạt động tốt cần các loại mỡ béo có trong các loại cá béo, dầu thực vật chứa nhiều mỡ chưa no, các loại hạt…
Khuyến cáo
Để giúp trẻ không bị mệt mỏi vì bài tập về nhà cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:
Cố gắng ngồi làm bài tập về nhà vào lúc 15h – 16h hàng ngày. Thời điểm này khả năng làm việc của cơ thể đạt cao nhất.
Trước khi bắt đầu việc học cần lên kế hoạch và chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết như sách, vở, đồ dùng học tập…
Bắt đầu với các môn đòi hỏi nhiều thời gian trước. Rất tốt nếu cứ luân phiên học các môn tự nhiên và xã hội.
Trẻ cần phải ngồi vào bàn học, loại bỏ tất cả các yếu tố làm mất tập trung như đồ chơi, tivi, trò chơi vi tính…
Sau 40 – 50 phút học trẻ cần được nghỉ 10 phút, trong thời gian đó trẻ cần được uống nước, thư giãn, tập thể dục giữa giờ, tập thể dục cho mắt.
Trẻ học lớp 2 – 3 thời gian học bài ở nhà không quá 1,5 giờ, trẻ lớp 4 – 5 không quá 2 giờ, trẻ lớp 6 – 8 không quá 2,5 giờ, trẻ học lớp 9 – 11 không quá 3,5 giờ.
Nguồn: Sức khỏe đời sống