Giun xoắn: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Tổng quan chung
Bệnh giun xoắn Trichinella (Trichinellosis) do các loài thuộc lớp giun tròn giống Trichinella gây bệnh. Lợn và các động vật hoang dã đóng vai trò quan trọng trong quá trình lây nhiễm cho người; ngoài ra, một số loài động vật khác cũng có thể trở thành vật chủ lây truyền bệnh. Người mắc bệnh khi tình cờ ăn phải thịt các loài động vật chưa nấu chín. Bệnh giun xoắn Trichinella xuất hiện ở khắp mọi nơi. Phần lớn các ca bệnh được ghi nhận ở châu Âu, đặc biệt là Romania, Liên Xô, vùng trung tâm châu Âu. Ngoài ra, một số các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Mexico, Argentina, Bolivia cũng là nơi bệnh giun xoắn Trichinella lưu hành với tỷ lệ cao.
Triệu chứng
Lâm sàng
- Phù mi mắt, mặt, phù mi kèm theo xuất huyết dưới giác mạc, võng mạc.
- Sốt nhẹ sau tăng dần
- Đau sưng cơ, đổ mồ hôi, mất ngủ
- Cảm giác kiến bò
- Có thể gặp các triệu chứng khác như tiêu chảy, khát nước, ra mồ hôi nhiều, cảm giác ớn lạnh và mệt mỏi kiệt sức.
- Các biến chứng về tim mạch và thần kinh: viêm cơ, viêm phổi, viêm não. Tuỳ theo mức độ nhiễm ấu trùng giun xoắn, trường hợp nặng, tử vong do suy tim.
Cận lâm sàng
- Tăng bạch cầu ái toan. Thể nhẹ, bạch cầu ái toan tăng 15-30%; thể nặng tăng tới 50-60%.
- Sinh thiết cơ
- Tìm kháng thể ấu trùng giun xoắn trong huyết thanh Elisa.
Nguyên nhân
Giun xoắn không thể lây truyền trực tiếp từ người sang người mà qua đường ăn uống. Bệnh có thể gặp ở mọi nơi trên thế giới nhưng phổ biến hơn ở các nước đang phát triển. Giun xoắn ký sinh ở đâu lại còn tùy thuộc vào tập quán, văn hóa ăn sống, uống tươi của từng vùng. Một số nơi thì thịt gấu lại là nguồn lây nhiễm chính. Tuy nhiên, hiện tại ở Việt Nam thì thịt heo nhiễm bệnh vẫn chiếm đa số.
Ở những nơi mà việc giết mổ heo không có sự kiểm tra, kiểm dịch của chi cục Thú y thì khả năng mắc bệnh sẽ cao hơn. Một số vùng có tập tục ăn sống, ăn tái, uống tiết canh lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa nấu chín sẽ có nguy cơ xảy ra dịch bệnh ký sinh trùng, một trong số đó là nhiễm giun xoắn.
Đối tượng nguy cơ
Nhiễm giun xoắn liên quan đến cách chế biếnn thực phẩm, phương pháp lưu trữ thức ăn ở mỗi vùng miền, mỗi nền văn hóa. Bệnh giun xoắn Trichinella thường gặp ở những khu vực có phong tục ăn thịt không nấu chín; hoặc những người có thói quen ăn đồ sống.
Chẩn đoán
Cần nghĩ đến chẩn đoán bệnh giun xoắn Trichinella ở bệnh nhân có phù nề quanh mắt. viêm cơ và tăng bạch cầu ái toan. Bệnh nhân cần được khai thác tiền sử ăn thịt chưa nấu chín, đặc biệt thịt lợn. Bệnh giun xoắn Trichinella được chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng, và được khẳng định bằng xét nghiệm huyết thanh.
Xét nghiệm huyết thanh: thường phát hiện kháng thể sau hơn 3 tuần nhiễm bệnh; do đó, không dùng để chẩn đoán bệnh giun xoắn Trichinella giai đoạn sớm. Nồng độ kháng thể không tương ứng với mức độ nặng của bệnh. Kháng thể của giun có thể tồn tại vài năm sau nhiễm bệnh và dương tính chéo với các loài giun sán khác.
Sinh thiết cơ: Chẩn đoán xác định dựa vào tìm thấy ấu trùng giun khi sinh thiết cơ. Vị trí sinh thiết ở các cơ có biểu hiện triệu chứng.
PCR có thể phân biệt các kiểu gen của giun Trichinella, nhưng chủ yếu làm ở những phòng xét nghiệm hiện đại, không thể làm phổ biến ngoài cộng đồng.
Cần chẩn đoán phân biệt bệnh giun xoắn Trichinella với:
- Ấu trùng di chuyển nội tạng: Bệnh nhân mắc bệnh giun xoắn Trichinella và ấu trùng di chuyển nội tạng đều có bạch cầu ái toan tăng cao và tổn thương phổi. Tuy nhiên, tổn thương trong bệnh giun xoắn Trichinella chủ yếu ở cơ và được xác định bằng chẩn đoán huyết thanh.
- Nhiễm giun lươn: Bệnh nhân đều có triệu chứng tiêu hóa (như đau bụng, nôn, buồn nôn, tiêu chảy) và tăng bạch cầu ái toan. Phân biệt bằng xét nghiệm huyết thanh.
- Ấu trùng sán lợn: Thường gây tổn thương hệ thần kinh trung ương; đôi khi, gây bệnh về cơ. Ngược lại, bệnh giun xoắn Trichinella thường gây tổn thương cơ, hiếm khi có biểu hiện thần kinh.
- Bệnh viêm đa cơ: thường kèm theo tổn thương da và có nguyên nhân do tự kháng thể của cơ thể. Trong khi đó, bệnh do Trichinella liên quan đến tăng bạch cầu ái toan kèm theo triệu chứng tiêu hóa.
- Bệnh do sarcocystosis: Do sử dụng thức ăn chưa nấu chín, bệnh nhân cũng có thể có viêm cơ, tăng bạch cầu ái toan. Chẩn đoán dựa vào sinh thiết.
Phòng ngừa bệnh
- Tổ chức: Báo cáo khẩn lên tuyến trên, tổ chức đội chống dịch xuống nơi có ca mắc để điều tra dịch tễ, điều trị, truyền thông giáo dục về phòng chống bệnh giun xoắn tại cộng đồng.
- Chuyên môn:
- Thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân: Nhiễm giun xoắn là một quá trình nhiễm độc dị ứng dẫn đến viêm dị ứng toàn bộ mao mạch, hoại tử tế bào cơ vân và thiếu oxy tổ chức gây suy tim, suy gan cấp, suy hô hấp hoặc rối loạn ý thức. Bệnh nhân nhiễm giun xoắn cần được điều trị tại các cơ sở y tế để điều trị thuốc đặc hiệu và điều trị các triệu chứng, biến chứng do giun xoắn gây ra.
- Quản lý người lành mang trùng, người tiếp xúc: không bắt buộc.
- Dự phòng cho đối tượng nguy cơ cao: xét nghiệm chẩn đoán cho những người đã ăn loại thịt nghi ngờ nhiễm giun xoắn.
- Xử lý môi trường: tịch thu và tiêu huỷ thịt hoặc những sản phẩm từ thịt đã bị nhiễm giun xoắn.
Điều trị như thế nào
- Praziquantel liều 10 mg/kg cân nặng/ngày x 2 ngày hoặc liều 75 mg/kg cân nặng/ngày chia làm 3 lần. Có thể kết hợp với corticoid để làm giảm phản ứng dị ứng.
- Albendazole hoặc liều 15 mg/kg cân nặng/ngày x 7 ngày.
- Thiabendazol liều 25 mg/kg cân nặng/ngày x 24 ngày (chia làm 2 lần sau khi ăn). Thiabendazol có thể gây chậm tiêu, chóng mặt, đau thượng vị hoặc buồn nôn. Không dùng cho phụ nữ có thai hoặc cho con bú.