Đối tượng dễ mắc bệnh ung thư thận?
Thận là cơ quan quan trọng của cơ thể có chức năng lọc máu và thải nước, muối và các chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Ung thư thận là kết quả của một số tế bào thận phát triển không kiểm soát, dẫn đến một khối ác tính. Ung thư thận chiếm tỷ lệ thấp, khoảng 2% tổng số ung thư. Nam giới có tỷ lệ mắc bệnh ung thư thận cao hơn phụ nữ. Hầu hết người bệnh được chẩn đoán trong độ tuổi 60 và 70. Nhờ những tiến bộ về hình ảnh học như siêu âm và công nghệ chụp cắt lớp vi tính hỗ trợ chẩn đoán chính xác, ngày càng có nhiều trường hợp ung thư thận được phát hiện ở giai đoạn sớm.
Biểu hiện của bệnh ung thư thận
Trong hầu hết các trường hợp, ung thư thận thường không xuất hiện triệu chứng rõ ràng. Bệnh chỉ được phát hiện khi siêu âm kiểm tra sức khỏe. Người bị ung thư thận thường sẽ có những triệu chứng lâm sàng điển hình sau:
Tiểu ra máu: Triệu chứng này khá phổ biến, với khoảng 80% bệnh nhân đều gặp phải. Tình trạng đái máu thường có những đặc điểm như: đại thể, toàn bãi, không xuất hiện máu cục, đái máu một cách vô cớ. Sẽ có những trường hợp đái máu vi thể hoặc nhiều, có xuất hiện thêm máu cục và đôi khi cũng là do những cơn đau quặn thận.
Quan sát màu nước tiểu khi nghi ngờ các dấu hiệu bất thường ở thận
Đau ở vùng thắt lưng: Người bệnh sẽ cảm nhận được những cơn đau âm ỉ, đau do khối u phát triển với kích thước to ra khiến cho bao thận bị căng. Có một vài trường hợp có thể đi kèm theo những cơn đau quặn thận vì máu cục làm cho đường niệu bị tắc nghẽn.
Có khối u ở vùng thắt lưng: Nếu bệnh nhân phát hiện bệnh muộn thì sẽ có những người cảm nhận được có một khối u rắn bờ không đồng đều, bị gồ ghề và ít di chuyển.
Ngoài ra, bệnh còn có thêm một vài triệu chứng nhận biết khác như:
- Bị giãn tĩnh mạch tinh ở cùng bên phát hiện ra u thận.
- Tình trạng sốt kéo dài dai dẳng do tình trạng hoại tử trong khối u hoặc trong thận hay do tình trạng phản ứng của cơ thể gây ra.
- Chứng đau đầu, thường xuyên mệt mỏi, bị chóng mặt, xuất hiện tình trạng tê ngứa ở các chi và có thể xuất hiện rối loạn thị giác.
- Cân nặng bị giảm sút đột ngột, người bệnh có dấu hiệu chán ăn, bị suy nhược cơ thể, bị thiếu máu, xuất hiện những cơn sốt nhẹ và tốc độ máu lắng tăng nhanh hơn.
- Gan trở nên to hơn, bề mặt nhẵn, không bị đau. Đi kèm với đó là phosphatase kiềm tăng cao và tỷ lệ prothrombin giảm xuống, albumin máu giảm.
- Huyết áp tăng cao vì khối u tiết ra nhiều renin hoặc là vì bị chèn ép động mạch thận.
Đau vùng thắt lưng có thể là dấu hiệu của ung thư thận
Đối tượng dễ mắc bệnh ung thư thận
Nguyên nhân gây ung thư thận chưa được khẳng định, tuy nhiên đối tượng có nhiều nguy cơ mắc bệnh ung thư thận nếu có các yếu tố sau:
- Hút thuốc lá: Đây là một trong những yếu tố có nguy cơ cao gây nên ung thư thận. Trung bình, có đến khoảng 30% nam giới và khoảng 24% nữ giới khi hút nhiều thuốc lá thì đều mắc phải căn bệnh quái ác này. Người hút thuốc với thời gian càng dài và số lượng cao thì nguy cơ mắc bệnh sẽ càng tăng.
- Tiếp xúc hóa chất: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người làm việc có tiếp xúc với những hóa chất có tỷ lệ mắc bệnh khá cao, điển hình như công nhân nghề in, hóa chất, công nhân nhuộm hoặc những người thường xuyên tiếp xúc với xăng dầu.
- Yếu tố di truyền: Bệnh có khả năng khởi phát ở nhiều người trong cùng một gia đình. Những đối tượng bị khuyết một đoạn ở NST 3 hoặc chuyển vị của các NST 3 và NST 8 cũng sẽ có tỷ lệ mắc ung thư thận khá cao.
- Huyết áp cao
- Tuổi cao: Từ 60 – 70 tuổi. Những người dưới 50 tuổi hiếm khi bị ung thư thận.
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao gấp đôi nữ giới.
- Lọc máu lâu dài điều trị suy thận mạn tính.
- Thừa cân: Những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên có nguy cơ mắc ung thư tế bào biểu mô thận cao gần gấp đôi.
Thừa cân hoặc béo phì khiến nguy cơ mắc ung thư thận cao hơn bình thường
Tầm soát bệnh ung thư thận
Để tầm soát bệnh thì siêu âm ổ bụng khi khám sức khỏe định kỳ là một phương pháp ít chi phí và có thể phát hiện được ung thư thận.
Dựa vào các phương pháp cận lâm sàng để tầm soát ung thư thận
Nếu nghi ngờ có những bất thường ở thận khi siêu âm thì có thể thực hiện các biện pháp đi kèm như:
- Phân tích nước tiểu: Nước tiểu được kiểm tra trong phòng thí nghiệm để xem có máu hoặc tế bào ung thư không.
- Xét nghiệm hóa sinh máu: Những xét nghiệm này cho thấy thận hoạt động tốt đến mức nào.
- Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi: Xét nghiệm này đo số lượng tế bào máu trong máu, như bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu. Những người mắc ung thư thận thường có số lượng hồng cầu thấp.
- X-quang ngực: X-quang có thể được thực hiện để xem nếu ung thư đã lan đến phổi chưa.
- Chụp CT: còn được gọi là “chụp CAT”, dụng một loại tia X đặc biệt chụp ảnh chi tiết bên trong cơ thể để xem ung thư đã lan rộng chưa.
- Chụp MRI: Xét nghiệm này sử dụng sóng vô tuyến và từ trường mạnh thay vì tia X để tạo ra hình ảnh các phần mô mềm của cơ thể. Xét nghiệm này có thể được sử dụng để xem ung thư đã lan rộng chưa.
- Siêu âm: Sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể. Xét nghiệm này có thể giúp cho thấy khối trong thận đặc hay chứa chất lỏng (ung thư thận thường là đặc). Nếu cần sinh thiết thận, siêu âm có thể được sử dụng để hướng dẫn chọc kim vào khối u để lấy ra một số tế bào để xét nghiệm.
- Sinh thiết thận: bác sĩ lấy ra một mảnh mô nhỏ để kiểm tra tế bào ung thư. Đối với hầu hết các bệnh ung thư, sinh thiết là cách duy nhất để biết chắc chắn có bệnh ung thư không. Nhưng sinh thiết không phải lúc nào cũng cần thiết để biết bạn có bị ung thư thận hay không, X-quang hoặc chụp CT/MRI đôi khi là đủ.