Các phương pháp điều trị bệnh trĩ không cần phẫu thuật: Có thực sự hiệu quả?
Bệnh trĩ là một căn bệnh phổ biến mà nhiều người mắc phải. Người bệnh thắc mắc chữa bệnh trĩ không cần phẫu thuật có được không? Chúng ta sẽ tìm hiểu thông tin tại bài viết dưới đây.
Giới thiệu về phương pháp điều trị bệnh trĩ không cần phẫu thuật
Không phải lúc nào mắc bệnh trĩ cũng cần phải phẫu thuật vì căn bệnh này hoàn toàn có thể chữa khỏi bằng phương pháp nội khoa. Phẫu thuật chỉ là sự lựa chọn cuối cùng khi xử lý nội khoa thất bại hoặc những trường hợp bệnh trĩ đã trở nên quá nặng.
Với các bệnh nhân có trĩ nội cấp độ 1, cấp độ 2 hay trĩ ngoại, trĩ hỗn hợp, thậm chí là trĩ nội cấp độ 3 nhưng búi trĩ nhỏ, chưa có biến chứng gì đáng ngại thì không cần phải phẫu thuật. Phương pháp điều trị tối ưu nhất chính là điều trị nội khoa bằng thuốc hoặc có thể sử dụng các loại thực phẩm chức năng và kết hợp với các loại gel bôi ngoài.
Các phương pháp điều trị bệnh trĩ không cần phẫu thuật
- Điều trị cơn trĩ cấp, trĩ đang gây chảy máu, người bệnh ngứa rát hậu môn, sưng nề,…: điều trị bằng thuốc giúp giải quyết nhanh chóng các triệu chứng của bệnh.
- Đẩy lùi táo bón:
- Ăn nhiều chất xơ: rau, củ quả, uống nhiều nước, mỗi ngày khoảng 2 – 2,5 lít nước đun sôi để nguội,…
- Không ăn thức ăn cay nóng, chất kích thích như ớt, tỏi, rượu, bia, café,…
- Vận động thường xuyên và hợp lý: Tăng cường vận động thể lực, thể dục thể thao ít nhất 60 phút, tối thiểu 5 ngày mỗi tuần.
- Sử dụng men vi sinh chứa chất xơ hòa tan: đây là cách điều trị bệnh trĩ không cần phẫu thuật đơn giản, mang lại hiệu quả cao.
- Giảm đau: Dùng nước muối ưu trương làm thành nước đá rồi chườm chỗ đau hậu môn do trĩ hoặc bệnh nhân có thể ngồi trong bồn nước ấm vài lần một ngày để giúp giảm đau do bệnh trĩ gây ra.
- Các loại thuốc: sử dụng thuốc để điều trị triệu chứng cho bệnh trĩ cấp 1 hoặc 2; giúp giảm tạm thời các triệu chứng cấp tính như chảy máu và đau khi đi đại tiện; các loại thuốc đặt, thuốc làm mềm phân không hấp thu giúp đại tiện dễ dàng hơn; các dạng chất xơ (tan và không tan); thuốc chống viêm, chống sưng; thuốc nhuận tràng. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc uống và thuốc đặt trĩ. Việc điều trị bệnh trĩ bằng phương pháp này, người bệnh cần được thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng và sử dụng thuốc uống, thuốc đặt theo đúng chỉ định của bác sĩ điều trị. Người bệnh tuyệt đối không tự ý dùng thuốc vì dùng sai thuốc có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc chữa trị sau này.
- Các phương pháp điều trị trĩ truyền thống: thường được chỉ định áp dụng cho những bệnh nhân mắc trĩ giai đoạn đầu, mới đang tình trạng chảy máu và viêm nhiễm. Các thủ thuật can thiệp gồm: Chích xơ bằng thuốc gây xơ, thắt trĩ, đốt bằng hồng ngoại,… Các phương pháp điều trị này không sử dụng phẫu thuật. Với những người mắc bệnh ở giai đoạn nặng cần được kiểm tra chi tiết để đánh giá mức độ tổn thương và cân nhắc các biện pháp phẫu thuật phù hợp.
Phương pháp chích xơ trĩ
- Sử dụng bài thuốc dân gian: Đây là cách sử dụng các bài thuốc dân gian để chữa bệnh trĩ tại nhà mà không cần phải phẫu thuật. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng với các trường hợp bị trĩ nhẹ và đòi hỏi sự kiên trì thực hiện. Hiệu quả điều trị khó kiểm chứng vì phụ thuộc vào cơ địa và mức độ bệnh của từng người. Theo đó, người mắc bệnh trĩ có thể dùng rau diếp cá, hoa thiên lý, hoa đu đủ, hoa mướp,… để chế biến thành các món ăn thơm ngon, xay – lọc lấy nước uống hằng ngày, phần bã có thể dùng để đắp hậu môn.
- Điều trị bằng các bài thuốc Đông y: Điều trị trĩ bằng Đông y cần kiên trì. Người bệnh cần đi khám để được kê đơn và hướng dẫn sử dụng thuốc đúng cách.
Cách phòng ngừa bệnh trĩ
- Không để táo bón kéo dài, nhất là phụ nữ mang thai.
- Không nên ngồi quá lâu một chỗ: mỗi 30 phút một lần hãy đi lại một chút nhằm giúp máu lưu thông tốt hơn, đồng thời giảm áp lực cho vùng hậu môn, hạn chế hình thành búi trĩ.
- Tập thói quen đi đại tiện vào một thời gian cố định trong ngày: giúp cân bằng chức năng của hệ tiêu hóa ngăn ngừa táo bón. Cần đi đại tiện ngay khi có nhu cầu, không nên nhịn và không dùng lực mạnh khi đi.
- Vệ sinh vùng hậu môn sạch sẽ: Sau khi đi vệ sinh cần sử dụng các loại khăn giấy mềm để lau, tránh cọ xát gây xước vùng quanh hậu môn, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây ra bệnh trĩ.
- Không mặc quần quá chật.
- Luyện tập thể dục đều đặn: nhằm tránh áp lực dồn nén vùng hậu môn, máu lưu thông tốt, trung bình mỗi ngày cần vận động ít nhất 30 phút: đơn giản là đi bộ nhẹ nhàng hoặc tham gia vào các hoạt động khác như cầu lông, bóng đá, bóng chuyền, bơi lội,…
- Thay đổi thói quen ăn uống: Chế độ ăn không lành mạnh sẽ dễ dẫn đến táo bón hoặc tiêu chảy. Chính vì vậy cần có thói quen ăn uống khoa học và hợp lý bằng việc:
- Uống đủ nước theo trọng lượng cơ thể mỗi người: trung bình 2 – 2,5 lít nước, nếu có thể hãy bổ sung thêm sinh tốt hoa quả.
- Bổ sung nhiều chất xơ: mỗi ngày nên dung nạp từ 25-30 gram các loại thực phẩm giàu chất xơ như các loại đậu, củ cải, khoai lang, bí đỏ, súp lơ, các loại rau xanh, và trái cây như cam, chuối, bơ, táo, thanh long,…
- Hạn chế các loại đồ ăn khó tiêu, cay nóng, nhiều dầu mỡ.
- Hạn chế các loại đồ uống chứa chất kích thích như rượu bia, đồ uống có gas,…
Như vậy, tùy theo thể trạng người bệnh và mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị trĩ phù hợp nhất. Mọi người có thể chủ động phòng tránh bệnh trĩ bằng cách thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Nếu có dấu hiệu mắc bệnh, người bệnh nên đến khám tại cơ sở y tế sớm để kịp thời điều trị bệnh khi còn ở mức độ nhẹ.