Dị ứng thực phẩm: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách khắc phục
Dị ứng thực phẩm là một phản ứng của hệ thống miễn dịch xảy ra sau khi ăn một số thực phẩm. Ngay cả một lượng nhỏ thực phẩm gây dị ứng cũng có thể kích hoạt một loạt các dấu hiệu và triệu chứng như: phát ban da, tiêu chảy, sưng đường thở đến khó thở…
Dấu hiệu của dị ứng thực phẩm
Đối với một số người, phản ứng dị ứng với một loại thực phẩm có thể không nghiêm trọng, nhưng đối với người khác nó có thể đe dọa đến tính mạng. Các triệu chứng dị ứng thực phẩm thường phát triển trong vòng vài phút đến hai giờ sau khi ăn thực phẩm đó.
Các dấu hiệu và trị chứng của dị ứng thực phẩm biểu hiện phổ biến như:
- Ngứa trong miệng
- Phát ban, ngứa hoặc chàm
- Sưng môi, mặt, lưỡi và cổ họng hoặc các bộ phận khác của cơ thể
- Khò khè, nghẹt mũi hoặc khó thở
- Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn và có thể nôn
- Chóng mặt và ngất xỉu
- Sốc phản vệ
Ở một số người, dị ứng thực phẩm có thể kích hoạt phản ứng dị ứng nghiêm trọng là sốc phản vệ. Điều này có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng đe dọa đến tính mạng cơ thể như:
- Hạn chế và thắt chặt đường thở
- Cổ họng bị sưng và có cảm giác nghẹn thở gây khó thở
- Sốc với huyết áp giảm nghiêm trọng
- Mạch đập nhanh
- Chóng mặt và có thể mất ý thức
Những dấu hiệu này có thể gây hôn mê hoặc thậm chí là tử vong. Do đó, điều trị cấp cứu cho tình huống này là vô cùng quan trọng.
Nguyên nhân gây dị ứng thực phẩm
Nguyên nhân gây ra dị ứng thực phẩm là do hệ thống miễn dịch nhận diện nhầm cho rằng một loại thực phẩm hoặc chất có trong thực phẩm như là dị nguyên nên sinh ra các kháng thể IgE có chức năng trung hòa các dị nguyên này.
Lần sau khi ăn chỉ với một lượng nhỏ loại thực phẩm đó, kháng thể IgE sẽ nhận ra và truyền tín hiệu đến hệ thống miễn dịch để giải phóng histamin và các chất trung gian hóa học khác nhằm chống lại tác nhân gây hại và gây ra phản ứng dị ứng cho cơ thể.
Mặc dù bất kỳ loại thực phẩm nào cũng có thể gây dị ứng, nhưng những loại thực phẩm sau chiếm khoảng 90% các trường hợp dị ứng: Trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa, lạc, các loại hạt, cá, động vật có vỏ như tôm, cua.., lúa mì, đậu nành.
- Hội chứng dị ứng thực phẩm phấn hoa: Còn được gọi là hội chứng dị ứng miệng. Hội chứng dị ứng miệng là một loại dị ứng thực phẩm, các phản ứng dị ứng giới hạn ở vùng hầu họng sau khi ăn các loại hoa quả hoặc rau củ sống ở những người có dị ứng với phấn hoa. Nguyên nhân là do phản ứng chéo giữa IgE đặc hiệu với phấn hoa và protein tương đồng được tìm thấy trong hoa quả và rau củ. Các triệu chứng xuất hiện trong hoặc ngay sau ăn khoảng 5 – 10 phút như ngứa và phát ban ở miệng, ngứa và đau họng, phù nề mô, miệng, lưỡi hoặc cổ họng. Tuy nhiên, các phản ứng của hội chứng dị ứng miệng sẽ ít nghiêm trọng hơn khi các thực phẩm này đã được nấu chín.
- Dị ứng thực phẩm sau gắng sức: Các triệu chứng dị ứng xuất hiện sau khi gắng sức trong vòng vài giờ sau khi ăn một số thực phẩm nhất định. Một trong những thực phẩm dị ứng được ghi nhận nhiều nhất là lúa mì, động vật có vỏ…Nhiều người các triệu chứng dễ dàng xuất hiện hơn khi kèm theo các yếu tố kèm theo như sử dụng đồ uống có cồn, nhiệt độ quá cao, giai đoạn tiền kinh nguyệt ở phụ nữ, đang sử dụng các thuốc giảm đau chống viêm nhóm NSAIDs…. Các trường hợp nghiêm trọng cũng có thể dẫn đến sốc phản vệ.
Phòng tránh dị ứng thực phẩm như thế nào?
Để phòng tránh dị ứng thực phẩm, tốt nhất là tránh tiêu thụ các loại thực phẩm đã từng gây dị ứng cho bạn. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo các biện pháp sau:
- Đọc nhãn thực phẩm cẩn thận để biết chắc không có thành phần gây dị ứng trong đó, tránh ăn các thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng phổ biến như sữa, trứng, đậu phộng, hạt cây, cá, sò, đậu nành và lúa mì.
- Nếu nghi ngờ thực phẩm có thể chứa tác nhân gây dị ứng, hãy nói không với thực phẩm đó để phòng tránh các tác hại nguy hiểm do dị ứng mang lại.
- Ăn chín uống sôi, tránh sử dụng thực phẩm nhiễm bẩn, quá hạn sử dụng.
Dị ứng thức ăn là một tình trạng khá phổ biến. Trong nhiều trường hợp, phản ứng dị ứng có thể rất đáng sợ và gây nhiều nguy hiểm. Vì thế cần có những hiểu biết về biện pháp phòng ngừa và xử lý khi gặp phải trường hợp dị ứng thực phẩm.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.