Đi cầu ra máu là dấu hiệu của bệnh gì? Cách xử lý tại nhà
Đi cầu ra máu là hiện tượng khá phổ biến, thường bắt nguồn từ táo bón, gây tổn thương hậu môn và trực tràng. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng như ung thư, viêm loét. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu chi tiết về các nguyên nhân và cách xử lý tình trạng này.
Hiện tượng đại tiện ra máu là gì?
Đại tiện ra máu là hiện tượng xuất hiện máu trong phân khi đi vệ sinh. Máu có thể có màu đỏ tươi, đỏ sẫm hoặc đen tùy thuộc vào vị trí và nguyên nhân gây ra tình trạng chảy máu.
Tuy nhiên, có trường hợp khó nhận biết hơn khi máu đã bị oxy hóa và chuyển sang màu đen do chảy trước đó và lưu lại trong đường tiêu hóa. Nếu máu chỉ xuất hiện khi bạn bị táo bón, kèm theo cảm giác đau rát do tổn thương niêm mạc và sẽ tự khỏi sau một vài ngày.
Nguyên nhân gây ra tình trạng đi cầu ra máu
Đại tiện ra máu có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ những vấn đề lành tính đến các bệnh lý nghiêm trọng. Vậy đi cầu ra máu tươi là bệnh gì? Dưới đây là các nguyên nhân phổ biến:
Viêm túi thừa
Viêm túi thừa là tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng của các túi nhỏ hình thành ở thành ruột già. Khi túi thừa bị viêm, chúng có thể gây chảy máu, đặc biệt là khi có hiện tượng nhiễm trùng kèm theo.
Viêm dạ dày ruột
Viêm dạ dày ruột là tình trạng viêm nhiễm lớp niêm mạc của dạ dày và ruột non. Nguyên nhân chính gây viêm dạ dày ruột thường là do vi khuẩn, một số trường hợp là do virus. Bệnh không chỉ gây ra tình trạng đi ngoài ra máu mà còn khiến phân lẫn nhiều chất nhầy.
Táo bón
Táo bón kéo dài có thể gây ra vết nứt hoặc rách ở vùng hậu môn, dẫn đến chảy máu. Điều này thường xảy ra khi người bệnh phải rặn mạnh khi đi đại tiện, gây áp lực lên các tĩnh mạch xung quanh hậu môn.
Tình trạng táo bón thường xảy ra khi chế độ ăn uống không lành mạnh, bao gồm tiêu thụ nhiều thực phẩm khó tiêu, đồ cay nóng hoặc sử dụng chất kích thích trong thời gian dài.
Bệnh trĩ
Bệnh trĩ là tình trạng các tĩnh mạch ở vùng hậu môn và trực tràng bị phình to và viêm nhiễm, dẫn đến chảy máu khi đi đại tiện. Việc rặn mạnh khi đi vệ sinh, ngồi quá lâu hoặc táo bón kéo dài là những nguyên nhân chính dẫn đến đi ngoài ra máu đỏ tươi và đi kèm với cảm giác đau rát.
Viêm loét đại trực tràng
Nguyên nhân gây viêm đại trực tràng rất đa dạng, bao gồm bệnh Crohn, nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng, hội chứng ruột kích thích, táo bón và quan hệ qua đường hậu môn.
Viêm loét đại trực tràng là một loại bệnh viêm nhiễm mạn tính của ruột, gây ra các vết loét trên bề mặt niêm mạc của đại tràng và trực tràng. Các vết loét này có thể chảy máu khi người bệnh đi đại tiện.
Polyp đại trực tràng
Polyp là các khối u nhỏ hình thành trên niêm mạc đại trực tràng. Một số loại polyp có thể phát triển thành ung thư nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Polyp đại trực tràng có thể gây kích ứng, viêm và chảy máu khi đi ngoài.
Ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng là một trong những nguyên nhân nghiêm trọng nhất gây ra hiện tượng đi cầu ra máu. Khi các khối u ung thư phát triển, chúng có thể làm tổn thương các mạch máu xung quanh, dẫn đến chảy máu.
Vết nứt hậu môn
Vết nứt hậu môn là các vết rách nhỏ ở da xung quanh hậu môn, có thể phát sinh do biến chứng của bệnh Crohn, táo bón kéo dài, bệnh trí hoặc do quá trình sinh nở. Đây là nguyên nhân thường gặp khiến bạn đi cầu ra máu tươi và cảm thấy đau rát ở vùng hậu môn.
Cách điều trị và phòng ngừa tình trạng đi cầu ra máu
Để điều trị và phòng ngừa tình trạng đi cầu ra máu, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Ăn nhiều chất xơ từ rau quả, ngũ cốc nguyên hạt để giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, tránh tình trạng táo bón.
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để giữ cho phân mềm và dễ đi qua đường ruột.
- Không nhịn đi ngoài và tránh ngồi lâu trên bồn cầu.
- Nếu bạn bị táo bón hoặc bệnh trĩ, có thể sử dụng các loại thuốc bôi hoặc thuốc uống theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Tập luyện thể thao thường xuyên giúp duy trì sự hoạt động của hệ tiêu hóa và tăng cường sức khỏe tổng thể.
- Hạn chế ăn thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ và các loại thức uống có chất kích thích như bia, rượu, cà phê.
- Quan hệ tình dục lành mạnh.
- Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ vùng hậu môn.
- Đối với tình trạng bệnh lý nhẹ, bạn có thể sử dụng các loại thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
Khi nào nên đến thăm khám bác sĩ?
Bạn nên đến gặp bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu sau đây:
- Đi cầu ra máu kéo dài hơn 2 tuần hoặc lượng máu nhiều.
- Đau bụng, sưng bụng.
- Máu trong phân có màu đen hoặc đỏ sẫm.
- Đau bụng dữ dội hoặc liên tục.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Mệt mỏi, suy nhược cơ thể.
- Sốt cao.
- Buồn nôn hoặc nôn mửa.
- Đi ngoài hoặc đi tiểu không kiểm soát.
Đi cầu ra máu không phải lúc nào cũng nguy hiểm, nhưng cũng không nên chủ quan. Việc thăm khám và chẩn đoán sớm giúp phát hiện các vấn đề tiềm ẩn và điều trị kịp thời.