Đi bộ phòng bệnh tiểu đường hiệu quả hơn chạy bộ
Nghiên cứu của ĐH Duke chỉ ra rằng đi bộ có thể giúp chống lại bệnh tiểu đường nhiều hơn chạy bộ.
Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu những người bị tiền tiểu đường, tức là có đường huyết tăng nhưng chưa tới mức bị coi là tiểu đường, đi bộ nhanh hoặc chạy bộ khoảng 22km/tuần trong 6 tháng.
Họ phát hiện ra rằng những người trong nhóm đi bộ cải thiện khả năng dung nạp đường tốt hơn gần 6 lần so với những người chạy bộ.
Các nhà nghiên cứu cho biết cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn để tìm hiểu chính xác tại sao đi bộ có vẻ giúp chống lại tiểu đường nhiều hơn chạy bộ.
Tuy nhiên, họ cũng đặt ra một số giả thuyết:
Khi tập luyện ở mức vừa phải như đi bộ tầm 4,5km, cơ thể sử dụng axit béo tích trữ để làm “nhiên liệu” nhiều hơn là khi tập luyện cường độ mạnh như chạy bộ với quãng đường tương tự.
Đây là tin tốt cho người có nguy cơ tiểu đường: quá nhiều axit béo có thể khiến cơ thể khó xử lý hormon insulin hơn. Và nếu cơ thể không sử dụng insulin một cách hiệu quả, các tế bào sẽ không thể hấp thu đường từ trong máu.
Vì vậy, cơ thể cần nhiều insuslin hơn để cố gắng bù đắp. Cuối cùng, bạn không thể sản xuất đủ insulin để loại bỏ đường huyết một cách hiệu quả, điều này gây nên tiền tiểu đường và tiểu đường.
Cho đến khi nghiên cứu thêm được thực hiện, vẫn chưa rõ đi bộ có ảnh hưởng tới cơ thể của người khỏe mạnh theo cách nó tác động tới người bị tiền tiểu đường hay không.
Nếu bạn bị tiền tiểu đường, tức là có đường huyết tương lúc đói ở mức 100-125mg/dL hoặc tiểu đường – tức đường huyết 126mg/dL hoặc cao hơn, bạn nên đi bộ.
Nhưng cũng không nên bỏ hoàn toàn chạy bộ, tập luyện cường độ cao là cần thiết để tăng cường sức khỏe tim cũng như cải thiện độ vận động và các chức năng khác của cơ thể.
Kết hợp hai hình thức tập luyện này một cách có kế hoạch có thể giúp bạn có được lợi ích lớn nhất.
BS Nhật Nguyệt
(Theo Menshealth)