Nguyên nhân đau nửa đầu bên trái
Đau nửa đầu bên trái là tình trạng khá phổ biến. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến đau nửa đầu nói chung và đau nửa đầu bên trái nói riêng. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về nguyên nhân gây bệnh đau nửa đầu bên trái.
Đau nửa đầu bên trái là bệnh gì?
Đau nửa đầu bên trái không phải là bệnh, nó có thể là triệu chứng của bệnh lý đau nửa đầu migraine, đau đầu do căng thẳng, đau đầu cụm hoặc kết quả của một vấn đề sức khỏe khác như một khối u não, đột quỵ, nhiễm trùng,…
Khi bị đau nửa đầu bên trái, người bệnh sẽ có cảm giác đau âm ỉ hoặc đau nhói, đau buốt ở một vị trí nhất định bên trái đầu. Một số trường hợp cơn đau có thể lan đến cổ, răng, sau mắt. Đi kèm với triệu chứng đau đầu bên trái còn có nhiều dấu hiệu khác như thay đổi tầm nhìn, nhạy cảm với âm thanh, chóng mặt buồn nôn, nôn,…
Ngoài ra, tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau đầu mà người bệnh có thể thấy cơn đau diễn tiến nặng hơn vào một thời điểm nào đó trong ngày như buổi tối, sau khi ngủ dậy,…
Nguyên nhân đau nửa đầu bên trái
Cơn đau nửa đầu trái có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như:
Yếu tố lối sống
- Do chế độ ăn uống: Thường xuyên bỏ bữa, chế độ ăn uống thất thường, uống nhiều rượu bia và thực phẩm có cồn là những yếu tố nguy cơ góp phần dẫn đến chứng đau nửa đầu trong đó có đau nửa đầu bên trái. Việc bỏ bữa khiến não thiếu glucose để duy trì hoạt động, làm tăng nguy cơ bị đau nửa đầu. Còn rượu bia và thức uống có cồn có chứa ethanol – tác nhân gây đau đầu.
- Căng thẳng: Đau đầu do căng thẳng là một tình trạng vô cùng phổ biến và có rất nhiều người rơi vào trạng thái này.
- Thiếu ngủ: Những người ít ngủ, thường xuyên ngủ chập chờn không sâu giấc hay thường xuyên thức khuya cũng dễ bị đau nửa đầu hay bị đau nửa đầu bên trái hơn.
Yếu tố thần kinh
Giống như đau nửa đầu bên phải, đau nửa đầu bên trái có thể xuất phát từ yếu tố thần kinh. Cụ thể, mắc các bệnh lý thần kinh như viêm động mạch tế bào khổng lồ, đau dây thần kinh sinh ba, đau dây thần kinh chẩm, đau đầu migraine,… sẽ khiến bạn dễ bị các cơn đau đầu tấn công kèm theo các triệu chứng khác như chóng mặt, hoa mắt, suy giảm thị lực,…
Do chấn thương
Người bị chấn thương ở vùng đầu do té ngã, va đập, dù có chảy máu hay không thì cũng có nguy cơ đau nửa đầu, ví dụ đau nửa đầu bên trái. Điều này có thể do máu hoặc dịch tụ dưới sọ. Thông thường, sau khi chấn thương, có đến khoảng 30% trường hợp bị đau đầu.
Nếu bạn cảm thấy đau nửa đầu bên trái hoặc phải sau chấn thương, cơn đau đầu diễn tiến ngày càng nặng đi kèm với các biểu hiện bất thường khác như tay chân run rẩy, yếu tay chân không thể phát âm rõ ràng, mất ngủ,… thì bạn nên đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt. Có thể đó là dấu hiệu cho thấy có tình trạng tụ máu/dịch ở não.
Lạm dụng thuốc
Một sự thật ít người biết chính là thuốc điều trị đau đầu có thể dẫn đến đau đầu nhiều hơn nếu tự ý lạm dụng quá mức. Tình trạng đau nửa đầu trái do lạm dụng thuốc thường xảy ra khi bạn thức dậy vào buổi sáng.
Các loại thuốc có thể gây đau đầu nặng hơn nếu tự ý lạm dụng bao gồm: Aspirin, acetaminophen, ibuprofen, naproxen, sumatriptan, zolmitriptan, các dẫn xuất ergotamine, oxycodone, tramadol và hydrocodone,…
Nhiễm trùng và dị ứng
Đau nửa đầu trái thường xuyên là một triệu chứng của tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp (diễn ra khi bạn bị cảm lạnh, cảm cúm,…). Dị ứng cũng có thể gây đau đầu do tình trạng các lỗ thông xoang tắc nghẽn, gây áp lực lên phía sau trán và gò má dẫn đến đau đầu.
Ngoài ra, các vấn đề nhiễm trùng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như viêm màng não, viêm não,… cũng có thể gây ra những cơn đau nửa đầu bên trái cùng với triệu chứng sốt cao, co giật, cơ thể căng cứng,…
Do hormone
Cơn đau nửa đầu bên trái xuất hiện có thể do sự thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể. Khi một lượng hormone đột ngột tăng lên, chẳng hạn như trong những ngày hành kinh hay thai kỳ ở phụ nữ cũng có thể “kích hoạt” cơn đau nửa đầu diễn ra.
Ngoài những nguyên nhân thường gặp kể trên, một số nguyên nhân khác cũng có thể làm tăng nguy cơ đau nửa đầu hay bị đau nửa đầu bên trái bao gồm:
- Thường xuyên đội mũ quá chật: Đội mũ bảo hiểm hoặc các loại mũ nón thông thường quá chật thường xuyên có thể gây áp lực lên phần đầu, khiến bạn bị đau toàn đầu hoặc đau nửa bên đầu.
- Do bị tăng nhãn áp: Tình trạng tăng nhãn áp do áp lực nội nhãn tăng, làm hỏng các dây thần kinh thị giác, dẫn đến các triệu chứng như đau mắt, mờ mắt, đau đầu dữ dội,…
- Huyết áp cao: Đau nửa đầu bên trái có thể xuất phát từ nguyên nhân huyết áp tăng cao nguy hiểm.
- Đột quỵ: Tai biến mạch máu não, máu đông gây tắc nghẽn mạch máu đến não hoặc chảy máu bên trong não gây đột quỵ đều có thể dẫn đến đau nửa đầu bên trái hoặc phải.
- Khối u trong não: Khối u, dị vật bất thường trong não có thể gây nên cơn đau nửa đầu vô cùng dữ dội, đột ngột, đi kèm với các triệu chứng khác như lú lẫn, đi lại khó khăn, nói lắp, động kinh,…
- Ánh sáng xanh: Sử dụng thiết bị điện tử trong thời gian dài, tiếp xúc với ánh sáng xanh quá mức cũng kích thích cơn đau đầu của bạn.
Các triệu chứng đau nửa đầu bên trái
Một số thống kê cho thấy, có đến hơn 50% người lớn trên toàn thế giới bị đau đầu. Cơn đau có thể lan tỏa cả đầu hoặc chỉ ở một vị trí nào đó, chẳng hạn như đau nửa đầu trái hoặc đau nửa đầu bên phải.
Khi bị đau nửa đầu bên trái, người bệnh sẽ có cảm giác đau lan tỏa khắp nửa đầu, cơn đau âm ỉ ở mức độ nhẹ hoặc đau nhói ở một vị trí nhất định bên trái đầu, cơn đau nghiêm trọng, đau buốt.
Đi kèm với triệu chứng đau nửa đầu bên trái còn có nhiều dấu hiệu khác như sụp mi mắt, mờ mắt, chảy nước mắt, suy giảm thị lực, căng cổ và vai, buồn nôn, nôn, chóng mặt,… Cơn đau nửa đầu trái cũng có thể khiến người bệnh nhạy cảm hơn với ánh sáng, âm thanh, các mùi hương,…
Đặc biệt, tùy theo nguyên nhân gây đau đầu mà bạn có thể thấy cơn đau diễn tiến nặng hơn vào buổi tối hoặc một thời điểm nào đó trong ngày, chẳng hạn như khi vừa ngủ dậy.
Trên đây là toàn bộ thông tin chia sẻ về tình trạng đau nửa đầu bên trái. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.