Con trai khi nào dậy thì? 8 dấu hiệu dậy thì ở nam mà ba mẹ nên biết
Khi bé trai bước vào tuổi dậy thì sẽ trải qua nhiều biến đổi không chỉ về cơ thể mà còn về tâm lý và tinh thần. Để giúp ba mẹ có thể hỗ trợ con trai vượt qua giai đoạn này một cách tốt nhất, hãy cùng Pharmacity khám phá các dấu hiệu dậy thì ở nam thông qua bài viết dưới đây.
Tuổi dậy thì ở nam bắt đầu và kết thúc khi nào?
Tuổi dậy thì ở bé trai là một giai đoạn quan trọng đánh dấu sự phát triển và biến đổi rõ rệt của cơ thể, để bước vào giai đoạn trưởng thành. Trong giai đoạn này, cơ thể của bé trai trải qua những thay đổi đồng thời về mặt thể chất, sinh lý và tâm lý.
Đối với các bé trai, tuổi dậy thì thường bắt đầu từ khoảng 11 đến 13 tuổi và kéo dài từ 2 đến 5 năm, có thể kết thúc lúc trẻ 16 đến 18 tuổi. Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, nên thời điểm bắt đầu và kết thúc dậy thì có thể khác nhau.
Một số bé có thể trải qua giai đoạn này sớm hơn, từ 9 tuổi, trong khi có những bé khác có thể trì hoãn đến 14 tuổi. Điều quan trọng nhất để nhận biết bé đã bắt đầu tuổi dậy thì là khi họ trải qua lần xuất tinh đầu tiên, xảy ra trung bình khi bé 13 tuổi.
8 dấu hiệu dậy thì ở nam
Để có thể nhận biết dễ dàng các dấu hiệu dậy thì ở nam, ba mẹ có thể tham khảo một số biểu hiện phổ biến dưới đây.
Mọc lông trên cơ thể
Khi đến tuổi dậy thì, con trai sẽ bắt đầu mọc lông nhanh chóng dưới tác động của hormone testosterone. Những sợi lông đầu tiên thường bắt đầu mọc từ gốc dương vật và lông vùng kín sẽ trở nên sậm màu, xoăn và dày hơn.
Trong vài năm tiếp theo, lớp lông này sẽ lan tỏa và bao phủ vùng mu, bẹn và có thể lan ra xuống đùi. Một số ít lông mỏng cũng có thể mọc ngược lên hướng về rốn. Khoảng hai năm sau khi lông mu bắt đầu xuất hiện, lông sẽ bắt đầu mọc dày hơn ở khắp mặt, chân, tay, lông nách và ngực.
Con trai dậy thì như thế nào? Xuất hiện mụn trứng cá
Sự thay đổi đột ngột của nội tiết tố trong thời kỳ dậy thì có thể gây ra một loạt các biến đổi trong cơ thể bé trai dẫn đến việc tiết ra các chất bã nhờn nhiều hơn, làm tắc nghẽn lỗ chân lông từ đó gây ra sự xuất hiện của mụn trứng cá trên mặt, lưng, ngực và cổ.
Tuổi dậy thì ở nam làm tăng tuyến bã nhờn gây ra tình trạng mụn trứng cá
Dấu hiệu dậy thì ở nam: Thay đổi vóc dáng nhanh chóng
Hầu hết các bé trai thường trải qua một giai đoạn phát triển vượt bậc về chiều cao trong giai đoạn sau của tuổi dậy thì. Trong khoảng thời gian từ 18 đến 20 tuổi, bé trai có thể tăng thêm từ 10 đến 30 cm về chiều cao.
Khi sắp kết thúc giai đoạn dậy thì, nam giới trưởng thành thường có xương nặng hơn gần gấp đôi lượng cơ bắp so với khi còn bé. Sự phát triển của cơ bắp chủ yếu diễn ra trong giai đoạn sau của tuổi dậy thì và tiếp tục phát triển sau dậy thì.
Tốc độ phát triển chiều cao và cơ bắp ở nam giới có thể khác nhau và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian ngủ, thói quen tập thể dục, chế độ dinh dưỡng và di truyền từ gia đình.
Trong giai đoạn dậy thì bé trai phát triển chiều cao và cơ bắp nhanh chóng
Tinh hoàn và dương vật thay đổi kích thước
Tinh hoàn là một trong những biểu hiện đầu tiên khi bé trai đến tuổi dậy thì. Trước tuổi dậy thì, tinh hoàn ít thay đổi về kích thước, với chiều dài trung bình khoảng 2-3 cm và chiều rộng 1,5-2 cm.
Tinh hoàn bắt đầu sẽ thay đổi về kích thước và hình dạng từ 9-14 tuổi. Tinh hoàn sản xuất hormone testosterone, góp phần tạo nên các dấu hiệu dậy thì ở nam như mọc lông, thay đổi giọng nói và phát triển cơ bắp. Đồng thời, dương vật cũng trở nên to và dài hơn, cùng với sự phát triển của quy đầu và thể hang.
Dấu hiệu dậy thì ở nam: Thay đổi giọng nói
Sau khi quá trình dậy thì bắt đầu, phần thanh quản và dây thanh âm của bé trai sẽ trở nên phát triển to lên. Trong một khoảng thời gian, giọng nói của con sẽ trải qua giai đoạn “vỡ giọng”, lúc này giọng nói bắt đầu trở nên trầm xuống.
Khi thanh quản đạt đến kích thước của người trưởng thành, quá trình vỡ giọng sẽ dừng lại. Mặc dù giọng nói của bé gái cũng có thể trầm xuống, nhưng sự thay đổi thường ít hơn so với trường hợp của bé trai.
Mộng tinh và cương cứng ngoài ý muốn
Bé trai trong tuổi dậy thì cũng bắt đầu trải qua cảm xúc tình dục và có thể trải qua cương cứng dương vật, một biểu hiện bình thường trong quá trình này. Lần xuất tinh đầu tiên thường xảy ra vào khoảng tuổi 13, đôi khi trong giấc ngủ, được gọi là “mộng tinh”.
Các biến đổi này là phần không thể thiếu trong quá trình phát triển tự nhiên của cơ thể nam giới và quan trọng nhất là phụ huynh và người chăm sóc cần cung cấp sự thấu hiểu và hỗ trợ cho các bé trai trong thời kỳ này.
Dấu hiệu dậy thì ở nam: Mùi cơ thể
Một dấu hiệu dậy thì ở nam phổ biến là sự xuất hiện của mùi cơ thể. Khi hormone như testosterone bắt đầu sản xuất, tuyến tiền liệt của bé trai cũng sẽ hoạt động mạnh mẽ hơn.
Các hoạt động này gây ra một loạt các thay đổi trong hệ thống bài tiết làm tuyến mồ hôi và dầu trên da, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và làm xuất hiện mùi cơ thể, đặc biệt là ở vùng nách.
Xuất hiện mùi cơ thể là dấu hiệu dậy thì ở nam phổ biến
Phát triển ngực
Trong giai đoạn đầu của quá trình dậy thì, hầu hết các bé trai thường trải qua tình trạng đau và nhạy cảm quanh đầu vú. Khoảng ¾ số bé trai sẽ thực sự trải qua một số sự phát triển ở vùng ngực. Lúc này vùng ngực sẽ trở nên cứng hơn và nhú lên với đường kính khoảng 2cm quanh núm vú.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Trong một số trường hợp bé trai có các dấu hiệu dậy thì bất thường như dậy thì sớm hoặc dậy thì muộn thì ba mẹ cần lưu ý và nên đưa trẻ đến thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Khi bé trai xuất hiện dậy thì trước 9 tuổi thì được coi là dậy thì sớm. Một số nguyên nhân gây nên tình trạng này là:
- Tuyến yên sản sinh ra hormone sớm.
- Suy giáp.
- U tuyến thượng thận.
Khi trẻ 14 tuổi mà vẫn chưa xuất những thay đổi về thể chất, sinh lý và tinh thần thì được coi là dậy thì muộn. Có nhiều yếu tố tác động đến sự bất thường này như:
- Rối loạn nội tiết tố.
- Di truyền.
Ba mẹ cần làm gì để hỗ trợ con khi dậy thì?
Khi con trai đến tuổi dậy thì, các bậc phụ huynh có vai trò quan trọng trong việc cung cấp sự hỗ trợ và hướng dẫn cho con vượt qua giai đoạn quan trọng này. Dưới đây là một số điều ba mẹ cần làm:
- Giải thích về các dấu hiệu thay đổi tự nhiên của cơ thể: Làm cho con hiểu rằng mộng tinh, cương cứng, mụn trứng cá hay mùi cơ thể cũng là một hiện tượng bình thường và không có gì phải xấu hổ.
- Hướng dẫn chăm sóc cá nhân: Mua sắm các sản phẩm chăm sóc cá nhân cần thiết như sữa rửa mặt, lăn khử mùi… và hướng dẫn con về cách sử dụng.
- Hỗ trợ tinh thần: Tạo điều kiện thoải mái để con thảo luận về những thay đổi mà con đang trải qua. Khuyến khích con chia sẻ cảm xúc và lo lắng với ba mẹ.
- Giáo dục về sức khỏe sinh sản: Thảo luận với con về sức khỏe sinh sản, giới tính và các khía cạnh liên quan. Hướng dẫn con về biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục nếu con đã đến độ tuổi đó.
- Cung cấp thông tin và giáo dục: Trả lời mọi thắc mắc của con về tuổi dậy thì, sự biến đổi cơ thể và tâm lý. Hỗ trợ con hiểu rõ hơn về quá trình này thông qua sách, tài liệu hoặc hướng dẫn.
- Khuyến khích lối sống lành mạnh: Hỗ trợ con xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc và lối sống hoạt động thể chất. Khuyến khích trẻ tránh xa các vấn đề nguy hại của thuốc lá, rượu và các chất kích thích khác.
- Tạo điều kiện cho con độc lập: Hỗ trợ con phát triển khả năng tự quản lý và độc lập cá nhân, giúp con xây dựng kỹ năng quản lý thời gian và sự tự chủ của bản thân.
Thông qua cách nhận biết các dấu hiệu dậy thì ở nam, việc cha mẹ hỗ trợ và hướng dẫn con trai trong giai đoạn dậy thì là một phần quan trọng của việc giúp con trưởng thành và phát triển một cách lành mạnh và tự tin.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.