Cười càng nhiều, càng có thêm hormone hạnh phúc
Những căng thẳng và khó khăn trong cuộc sống thời hiện đại làm nhiều người giảm bớt nụ cười. Thông điệp của các nhà tâm lý và sức khỏe đưa ra là hãy cười nhiều hơn mỗi ngày.
Theo nhiều nghiên cứu, trẻ em cười trung bình 300-400 lần/ngày, trong khi con số này ở người lớn chỉ 15-20 lần/ngày. Đáng lưu ý là với áp lực ngày càng lớn từ công việc, cuộc sống, con người đang cười ít dần.
Hãy cười, nhưng đừng chiếu lệ!
Tại buổi giao lưu “Nụ cười và sức khỏe” do Trung tâm Làm giàu thế giới nội tâm (Inner Space) tổ chức ở TP.HCM mới đây, bà Phạm Thị Sen – giám đốc đào tạo Inner Space – cho rằng bây giờ nhiều người lớn có cười, nhưng không nhiều người cười thật sự. Nụ cười ngày càng xuất hiện ít dần và không khởi nguồn từ sự hạnh phúc của chính họ.
PGS.TS Trần Văn Cường – chủ tịch Hội Tâm thần học VN – cho rằng trong học tập, công việc cũng như trong cuộc sống hiện đại ngày càng có nhiều khó khăn, áp lực. Điều này dẫn tới việc bạn thường cảm thấy mệt mỏi, buồn chán, không thấy cuộc sống còn ý nghĩa gì.
“Các em nhỏ cũng khác ngày xưa. Thời gian dành cho những sân chơi, những hoạt động ít hơn, thay vào đó là các giờ học từ kiến thức đến năng khiếu, ngoại ngữ. Phụ huynh cũng không có thời gian nhiều dành cho con cái, mỗi ngày chỉ gặp mặt nhau được buổi đêm” – ông Cường phân tích.
Khuyến khích mọi người cười nhiều hơn nhưng ông Letchumanan Ramatha – Cục An toàn sinh học, Bộ Tài nguyên và môi trường Malaysia, điều phối chương trình Inner Space tại Malaysia, người có nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy về thiền định và các liệu pháp tinh thần – lưu ý:
“Nụ cười thật sự phải là nụ cười của hạnh phúc, của sự hân hoan bên trong bạn, chứ không phải là nụ cười bên ngoài mang tính “chiếu lệ” để chào sếp khi ở cơ quan hay để lấy lòng người đối diện”.
Sản sinh “hormone hạnh phúc”
Ông Letchumanan Ramatha cho rằng khi tâm trí vui vẻ thì cơ thể khỏe mạnh. Chẳng ai cảm thấy thoải mái nếu suốt ngày cứ buồn phiền hay tức giận. Niềm vui và sự hạnh phúc chính là động lực để mọi người hoàn thành tốt các công việc của mình, lan tỏa tinh thần tích cực đến mọi người xung quanh.
“Một phụ huynh có tâm trạng vui vẻ thì khi vui chơi với con cái cũng sẽ rất thoải mái. Ngược lại, phụ huynh đang căng thẳng có thể sẽ không có tâm trạng vui chơi cùng con, hoặc nếu có cũng vui đùa qua loa và đứa bé không cảm thấy niềm vui thật sự” – ông Ramatha nhấn mạnh.
Theo bà Sen, khi chúng ta cười hay nói khác hơn là có trạng thái tâm lý tích cực, vui vẻ thì cơ thể sẽ giải phóng endorphin (được xem là “hormone hạnh phúc” vì giúp cơ thể tập trung hơn, hưng phấn và hạnh phúc hơn, giải tỏa căng thẳng, lo âu và chống sự mệt mỏi).
Một nghiên cứu cũng cho thấy khi cười thì lượng hormone cortisol và epinephrine tiết ra có khuynh hướng giảm. Đây là những hormone gây căng thẳng, ức chế hệ miễn dịch, tạo kẽ hở cho các viêm nhiễm, bệnh tật.
Buổi tập thể dục khuyến mãi nụ cười
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, người Việt có câu “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, khi cười người ta thấy thoải mái hơn, tự tin hơn, làm những người xung quanh thấy vui hơn…
“Không ai chê người làm cho người xung quanh luôn vui, vậy tại sao mọi người lại ít cười?” – ông Chất đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, theo ông Chất, có hàng trăm kiểu cười, những nụ cười nhạt, cười nhếch mép, cười lớn tiếng bất kể môi trường xung quanh thì không thể đáng yêu bằng những nụ cười vui tươi, sảng khoái nhưng duyên dáng và đúng lúc đúng chỗ.
“Những nụ cười ấy luôn mang lại những điều tốt đẹp” – ông Chất nói. Ở góc độ y khoa, một chuyên gia về sức khỏe tâm thần cho rằng cười cũng là một hình thức vận động.
Khi cười thì cơ mặt giãn ra, tinh thần sảng khoái, nếu cười kết hợp với các động tác tay, chân, hông… thì tác dụng như buổi tập thể dục có khuyến mãi nụ cười, chắc chắn giúp cải thiện sức khỏe.
Cho nên thông điệp của các chuyên gia tâm lý và sức khỏe là hãy cười nhiều hơn mỗi ngày!
Người bán hàng và công chức ít cười nhất?
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, hiện có hai nhóm ngành nghề hay giao tiếp, những người làm nghề đó ít cười là người bán hàng và công chức, viên chức.
“Bây giờ nhiều cửa hàng nếu mình vào xem mà không mua thì họ khó chịu, nói những câu tổn thương khách hàng, có khi lúc khách ra họ còn đốt vía nữa. Có những cửa hàng được đặt tên là cháo chửi, bún chửi…, chửi chứ không cười, người ta vẫn đến ăn rất đông” – ông Chất nói.
Ở nhóm công chức, ông Chất lý giải người Việt đã có câu “hành là chính”, hơn nữa do nhiều dịch vụ công vẫn còn mang nặng tính “xin – cho” mà dân ở vị trí người đi xin nên người “cho” không mấy khi tươi tỉnh, luôn mặt nặng mày nhẹ với người họ tiếp xúc.
“Nếu họ nghĩ mỗi việc làm của mình là phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, nếu người bán hàng nghĩ khách hàng đã mang đến cơm ăn và việc làm cho họ, họ sẽ cười nhiều hơn” – ông Chất nói.
Minh Khang – L.Anh Nguồn: Tuổi Trẻ