Có thai bao lâu thì ốm nghén? Cách giảm tình trạng nghén hiệu quả!
Một cảm giác buồn nôn khó chịu làm nhiều chị em phải khổ sở vì không thể ăn uống khi mang thai là do bạn đang bị ốm nghén. Vậy, có thai bao lâu thì ốm nghén? Làm thế nào để giảm tình trạng này hiệu quả? Thông qua bài viết sau, Pharmacity sẽ gửi đến bạn những thông tin hữu ích về dấu hiệu này.
Mang thai bao lâu thì nghén? Như thế nào là ốm nghén?
Phần lớn các chị em sẽ gặp tình trạng ốm nghén ở tuần thứ 5 đến tuần thứ 6 của thai kỳ. Mặt khác, tình trạng này cũng có thể là dấu hiệu mang thai sớm vì nhiều phụ nữ bị nghén khi mới mang thai. Bên cạnh đó, nguyên nhân chính khiến các cơn ốm nghén xuất hiện thường là do sự thay đổi của hormone.
Nhiều thai phụ nhận thấy, khi bị ốm nghén thì cơ thể sẽ bị nhạy cảm về mùi vị của thức ăn hay sự kích thích làm bạn dễ bị buồn nôn hay nôn. Không những vậy, chúng còn khiến nàng không thể ăn ngon miệng như trước, thậm chí là chán ăn. Ngoài ra, các triệu chứng của cơn ốm nghén có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào, một số người sẽ bị nghén vào buổi sáng, trong khi người khác sẽ gặp tình trạng này vào buổi chiều tối.
Ốm nghén nặng nhất vào tuần thứ mấy?
Không chỉ có thắc mắc “Có bầu bao lâu thì nghén?”, nhiều chị em cũng lo lắng khi không biết tình trạng này nặng nhất xảy ra khi nào. Thật ra, ốm nghén phụ thuộc vào cơ địa mỗi người, nhưng đa phần các chị em sẽ bị nghén nặng nhất vào tuần thứ 9 đến tuần 10 trong thai kỳ. Bởi đây là thời điểm nồng độ hormone hCG tăng cao, giảm dần vào tuần 11 và đến tuần 15 thì nồng độ này đã giảm 50% so với thời điểm cao nhất.
Mặc dù tình trạng ốm nghén khiến nhiều người cảm thấy khó khăn trong việc ăn uống nhưng nhìn chung, vấn đề này không gây nguy hiểm đến sức khỏe. Theo nghiên cứu, phụ nữ mang thai sẽ trải qua những cơn nghén từ tuần thứ 6 đến tuần thứ 18, và đây cũng là lúc các cơ quan của trẻ đang bắt đầu phát triển. Đặc biệt, nhiều minh chứng cũng nhận định tình trạng này cũng là cách để bảo vệ thai nhi tránh khỏi các thực phẩm hay hóa chất độc hại có trong đồ ăn.
Bao lâu thì hết ốm nghén?
Cụ thể, sau khi phụ nữ đã trải qua 3 tháng đầu thì tình trạng ốm nghén dần giảm xuống. Cho đến tuần thứ 14 thì cơn nghén có thể biến mất sớm hơn hoặc muộn hơn tùy theo mỗi người. Mặt khác, một số phụ nữ có thể bị nghén cả 9 tháng khi mang thai, trường hợp này dễ bắt gặp ở những chị em bị ốm nghén nặng.
Cách giúp giảm tình trạng ốm nghén khi mang thai
Ngoài việc giải đáp cho câu hỏi “Mang thai bao lâu thì nghén?”, có thể thấy dấu hiệu này luôn khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và khó chịu. Tuy nhiên, sẽ không có phương pháp nào để ngăn ngừa ốm nghén, nhưng tình trạng này sẽ thuyên giảm khi bạn:
- Tuyệt đối không nằm ngay sau khi đã ăn no.
- Không uống quá nhiều nước hay ăn nhiều canh trong các bữa ăn.
- Khuyến khích dùng một tách trà gừng.
- Chăm sóc răng miệng đúng cách vì nôn mửa làm ảnh hưởng đến răng.
- Uống đủ nước mỗi ngày.
- Nên ăn từ 5 – 6 bữa/ngày thay vì chỉ ăn 3 bữa lớn.
- Không dùng các món quá cay, quá nhiều chất béo, dầu mỡ hay mùi vị mạnh.
- Nên nằm trên giường vài phút rồi mới ngồi dậy từ từ khi vừa thức dậy.
- Hạn chế làm việc quá sức.
- Mẹ bầu nên ăn các món mềm, dễ nuốt như rau xanh, quả bơ hoặc trứng.
- Luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc không kê đơn nào.
Lưu ý về tình trạng ốm nghén nặng khi mang thai
Song với vấn đề “Có bầu bao lâu thì nghén?”, nhiều phụ nữ khi mang thai lại gặp tình trạng ốm nghén nặng và lo lắng “Làm sao để nhận biết bản thân đang bị nghén nặng?”. Thực tế, tình trạng này xảy ra khi bạn cảm thấy cơ thể bị buồn nôn hay nôn dữ dội, thậm chí dẫn đến mất nước và suy dinh dưỡng khiến mẹ bầu phải nhập viện.
Ngoài ra, nếu bạn là người lần đầu mang thai đôi hay thai ba, từng bị ốm nghén nặng khi mang thai hay gia đình đã có tiền sử bị nghén nặng và thừa cân thì khả năng cao cơ thể sẽ mắc phải tình trạng trên. Bên cạnh đó, một số triệu chứng sau sẽ giúp các nàng nhận biết bản thân đang bị ốm nghén nặng:
- Sụt cân hơn 4,5kg khi mang thai.
- Những cơn nôn khiến bạn bị chóng mặt và choáng váng.
- Có thể nôn nhiều hơn 3 – 4 lần/ngày và kéo dài đến tháng thứ 4.
- Cảm thấy khô miệng, khát, tim đập nhanh, tiểu ít hay không đi tiểu mỗi khi cơ thể bị nôn.
Nói tóm lại, tình trạng ốm nghén là một dấu hiệu rất phổ biến ở các chị em lúc mang thai. Khi đó, bạn không thể phòng ngừa vấn đề này mà chỉ có thể giảm nghén bằng cách uống đủ nước, không làm việc quá sức, ưu tiên các món ăn mềm và dễ nuốt,… Ngoài ra, nếu chị em gặp tình trạng ốm nghén nặng thì nên đến khám bác sĩ để được tư vấn dùng thuốc phù hợp nhé!
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.