Chế độ dinh dưỡng dành cho người bệnh viêm não
Viêm não là bệnh lý rất nguy hiểm, đặc biệt là viêm não ở trẻ nhỏ. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nặng nề sau này hoặc gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Vậy những thực phẩm bệnh nhân viêm não nên ăn và không nên ăn là gì? Hãy tìm hiểu bài viết dưới đây.
Những điều cần biết về bệnh viêm não
Bệnh viêm não là gì?
Bệnh viêm não là hiện tượng viêm mô não dẫn đến những rối loạn chức năng của hệ thần kinh. Viêm não khác với viêm màng não và căn bệnh này được phân theo 2 dạng như sau:
- Viêm não tiên phát (hay viêm não cấp): là khi vi khuẩn, virus tấn công trực tiếp vào tủy sống và não bộ, có thể xảy đến theo mùa (viêm não dịch tễ) hoặc xuất hiện tại bất kỳ thời điểm nào trong năm;
- Viêm não thứ phát: xảy ra sau nhiễm trùng do vi khuẩn, virus gây bệnh ở một cơ quan nào đó ngoài hệ thần kinh trung ương và sau đó mới lan tới não.
Trong đó, viêm não thứ phát là dạng phổ biến hơn nhưng viêm não tiên phát lại có nguy cơ gây biến chứng nghiêm trọng hơn. Do đó đa phần các trường hợp phải nhập viện điều trị là do mắc viêm não tiên phát.
Bệnh viêm não là gì?
Biểu hiện viêm não
Bệnh nhân khi bị viêm não thường sẽ xuất hiện các triệu chứng tổn thương thần kinh điển hình như sau:
- Đầu đau nhức dữ dội, cứng cổ
- Đờ đẫn, lú lẫn, hôn mê, mất trí nhớ
- Ảo giác, mất định hướng
- Nhân cách thay đổi
- Rối loạn nghe nói, co giật
- Buồn nôn và ói mửa
- Ở trẻ nhỏ: phồng thóp đầu, gồng cứng người, nôn trớ, khóc khó dỗ nín hoặc nếu bồng bế hay thay đổi tư thế trẻ sẽ khóc nhiều hơn.
Viêm não có thể xuất hiện đồng thời với các triệu chứng khi nhiễm virus. Tuy nhiên đôi khi viêm não cũng xảy ra mà không có dấu hiệu báo trước.
Bệnh viêm não nguy hiểm như thế nào?
Có thể nói viêm não do virus gây ra là căn bệnh vô cùng nguy hiểm bởi vì:
- Nguy cơ di chứng nặng nề và tỷ lệ tử vong cao: Nếu không được cấp cứu kịp thời, viêm não có thể khiến bệnh nhân bị tổn thương tế bào não nghiêm trọng, phù não, mất trí nhớ, động kinh, mất chức năng vận động, thay đổi nhân cách,… nặng hơn là bại não, liệt tay chân và liệt nửa người, liệt thần kinh sọ não, tâm thần, chậm phát triển trí tuệ, điếc, hôn mê, viêm màng não,… nguy cơ tử vong rất lớn.
- Viêm não cấp có tốc độ diễn tiến nhanh, mất nhiều thời gian điều trị: Đặc biệt bệnh nhân là trẻ nhỏ thì diễn biến viêm não cấp rất nhanh, triệu chứng bệnh khó nhận biết gây chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị. Thêm vào đó quá trình điều trị viêm não lại lâu (từ 1 – 3 tuần), khả năng phục hồi chậm và ngay cả khi trẻ đã được xuất viện thì cũng cần mất một thời gian lâu sau não bộ mới hoàn toàn hồi phục.
- Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu: Do tác nhân gây viêm não thường là những siêu vi trùng, virus gây nên còn các thuốc điều trị hiện có chỉ có hiệu quả với một vài loại virus, không thể tiêu diệt được tất cả. Vì vậy phương pháp chữa viêm não hiện tại chủ yếu là khắc phục triệu chứng và cải thiện chức năng não bộ, thể chất cho người bệnh. Hiện mới chỉ có vắc xin viêm não Nhật Bản giúp phòng ngừa Arbovirus, còn đối với tác nhân gây bệnh là các loại virus khác (virus đường ruột) thì chưa có biện pháp phòng ngừa. Ngoài ra viêm não còn có khả năng là biến chứng của quai bị, thủy đậu, sởi,… nên rất khó để lường trước.
Viêm não gây biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt ở trẻ
Nguyên nhân viêm não
Có nhiều nguyên nhân gây viêm não, một trong số đó có thể kể đến là:
- Virus: Herpes, Enterovirus, HIV… Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây viêm não.
- Bệnh tự miễn: Các tế bào miễn dịch nhận nhầm tế bào não là tác nhân lạ gây hại của cơ thể nên tấn công chúng và gây nên quá trình viêm.
- Vi khuẩn và ký sinh trùng: Đây là trường hợp hiếm gặp hơn, do các loại vi khuẩn hoặc ký sinh trùng tấn công và gây viêm não.
Phòng ngừa viêm não
Một số biện pháp phòng ngừa viêm não như:
- Tiêm phòng viêm não Nhật Bản và các bệnh lý nhiễm trùng (sởi, thủy đậu, quai bị) đầy đủ cho trẻ theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế.
- Tránh vui chơi ngoài trời vào thời điểm bình minh hoặc hoàng hôn vì đây là lúc hoạt động mạnh nhất của loài muỗi.
- Mắc màn khi đi ngủ, dùng thuốc xịt muỗi, mặc quần áo dài che phủ để tránh bị muỗi đốt.
- Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, khơi thông cống rãnh, làm sạch và đậy kín các vật dụng dùng để chứa nước để hạn chế muỗi đẻ trứng và sinh sôi.
Người bệnh viêm não nên ăn gì?
- Uống nhiều nước. Nếu trẻ vẫn đang bú mẹ thì nên tăng lượng bú và cữ bú trong ngày.
- Ăn các loại thức ăn dễ tiêu hóa, tránh đầy bụng, khó tiêu, táo bón.
- Ăn nhiều bữa trong ngày để bổ sung năng lượng, đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng.
- Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, các loại thực phẩm chứa nhiều muối khoáng và vitamin.
- Bổ sung thực phẩm giàu omega-3. Các chất béo không bão hòa này có vai trò quan trọng với chức năng của não cũng như giảm viêm. Một số loại cá như cá ngừ, cá bơn và cá hồi là nguồn cung cấp axit béo omega – 3 tự nhiên. Các nguồn khác bao gồm hạt lanh, đậu nành, quả óc chó, hạt bí ngô và các loại dầu chế biến từ các loại hạt và hạt giống.
- Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C cũng giúp là tăng sức đề kháng, hỗ trợ cơ thể chống nhiễm trùng. Nguồn thực phẩm có chứa nhiều vitamin C bao gồm trái cây họ cam quýt như cam, bưởi và cà chua, dưa đỏ, ớt đỏ, bông cải xanh, dâu tây, kiwi.
Người bệnh viêm não không nên ăn gì?
- Tránh các chất kích thích: rượu bia, thuốc lá,….
- Đồ ăn nhiều dầu mỡ, chiên rán gây đầy bụng, khó tiêu
- Không nên ăn những đồ ăn nhanh do thành phần dinh dưỡng thấp
Hy vọng những thông tin trên bài đã giúp bạn có gợi ý để xây dựng một chế độ ăn uống cho bệnh nhân viêm não. Tốt nhất hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn cụ thể.