Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý cho người mắc bệnh mề đay
Đa số những người mắc bệnh mề đay thường liên quan đến việc dị ứng với thực phẩm. Chính vì vậy, người bệnh cần có một chế độ ăn uống hợp lý để không làm các triệu chứng thêm trầm trọng. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp những loại thực phẩm dễ gây khởi phát tình trạng mề đay mà người bệnh cần tránh xa, đồng thời hướng dẫn cách điều trị bệnh tốt nhất từ thảo dược.
Nguyên nhân gây nổi mề đay
Những chất gây dị ứng có thể khiến bạn bị ngứa nổi mề đay toàn thân. Khi xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ kích thích hệ thống miễn dịch phản ứng lại bằng cách giải phóng hàng loạt các hoạt chất, trong đó có histamin.
Histamin là một chất được tạo ra từ các tế bào mast và những tế bào miễn dịch khác (như bạch cầu ái toan, bạch cầu ái kiềm…) để loại bỏ tác động của tác nhân gây dị ứng. Tuy nhiên, cơ thể lại phản ứng lại với lượng histamin này bằng cách tạo ra phản ứng dị ứng, dẫn đến nổi mề đay và sưng.
Triệu chứng nổi mề đay
Vì vậy, nhìn chung những nguyên nhân nổi mề đay gồm:
- Bị côn trùng đốt
- Mắc phải các bệnh tự miễn
- Dị ứng thực phẩm (như sữa, đậu phộng, trứng, cá hay động vật có vỏ…)
- Dị ứng với các chất liệu khác nhau, như dị ứng với cao su hay một số chất tẩy rửa
- Có vấn đề về nội tiết tố, như khi mang thai, mãn kinh hay mắc bệnh tuyến giáp
- Nhiễm trùng do vi khuẩn, như viêm họng do liên cầu khuẩn, nhiễm trùng đường tiết niệu
- Những dị nguyên trong không khí, như phấn hoa từ cây cối, bào tử nấm hay vảy da động vật
- Thân nhiệt thay đổi do nhiệt độ xung quanh nóng hay lạnh hơn bình thường hoặc sau khi hoạt động thể chất.
- Dị ứng với thuốc, như thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), codein, thuốc trị tăng huyết áp (đặc biệt là thuốc ức chế men chuyển).
Trường hợp mề đay mãn tính thường không xác định được nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng này.
Vì sao nên xây dựng chế độ ăn uống hợp lý?
Nổi mề đay (mày đay) là vấn đề da liễu phổ biến, thường xảy ra do tiếp xúc với các tác nhân dị ứng và kích ứng. Chỉ sau khoảng vài phút tiếp xúc, da sẽ xuất hiện các sẩn, mảng màu hồng, đỏ, nổi cộm và có ranh giới rõ so với vùng da lành. Tổn thương da do mề đay thường gây ngứa ngáy và đôi khi đi kèm với mụn nước, bọng nước.
Mề đay có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó 54% là do dị ứng thực phẩm. Khi dùng một số loại thức ăn, hệ miễn dịch có thể “nhầm lẫn” protein là dị nguyên. Sau đó, kích thích IgE gắn với tế bào mast và lympho B, hoạt hóa và giải phóng các chất trung gian hóa học. Các chất này chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra phản ứng viêm cấp, mạn tính trên da đi kèm với triệu chứng cơ năng là ngứa ngáy và nóng rát thoáng qua.
Vì nguyên nhân chủ yếu là dị ứng thực phẩm nên khi bị nổi mề đay, bạn cần xây dựng chế độ ăn uống hợp lý. Ngoài ra với những trường hợp khác, ăn uống khoa học cũng giúp cải thiện triệu chứng và hỗ trợ phục hồi nhanh chóng hơn. Nếu dùng các loại thực phẩm gây dị ứng, mề đay có thể lan rộng và gây ngứa ngáy dữ dội. Trong trường hợp xấu nhất, bệnh có thể tiến triển mạn tính (kéo dài hơn 6 tuần).
Cơ chế bệnh sinh của mề đay rất phức tạp nhưng được xác định có liên quan đến phản ứng miễn dịch của cơ thể. Bằng cách cải thiện chế độ dinh dưỡng, bạn có thể nâng cao sức đề kháng và thể trạng. Nhờ vậy, các phản ứng miễn dịch sẽ được điều hòa và triệu chứng của bệnh mề đay sẽ thuyên giảm sau một thời gian ngắn.
Ngoài ra, mề đay cũng có thể bùng phát do tiếp xúc với tác nhân vật lý, cơ học, chất dị ứng và kích ứng từ thực vật, động vật,… Để bệnh tiến triển theo chiều hướng tích cực, cần phải kiêng cữ các yếu tố căn nguyên. Đây được xem là nguyên tắc quan trọng nhất khi điều trị mề đay và các bệnh có cơ chế dị ứng. Nếu không cách ly với căn nguyên gây bệnh, việc sử dụng thuốc hoàn toàn không mang lại hiệu quả.
Các thực phẩm nên và không nên ăn
Người bị nổi mề đay nên ăn gì?
Nổi mày đay ít khi ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, sang thương da có thể gây ngứa ngáy nhiều đi kèm với đau bụng, tiêu chảy, ngứa cổ họng, ngứa mũi,… Để giảm các triệu chứng khó chịu và giúp da phục hồi nhanh hơn, bạn nên bổ sung các loại thực phẩm sau:
- Tăng cường rau xanh và trái cây
Rau xanh, trái cây là nhóm thực phẩm tốt cho người bị nổi mề đay mẩn ngứa. Với hàm lượng vitamin, nước và khoáng chất dồi dào, rau củ và trái cây giúp cải thiện hệ miễn dịch, hỗ trợ giảm đau bụng và đầy hơi. Bên cạnh đó, khoáng chất và vitamin trong nhóm thực phẩm này còn giúp phục hồi da, đồng thời giảm phần nào tình trạng viêm, sưng và ngứa ngáy.
Đối với những người bị nổi mề đay do nóng gan, bổ sung rau xanh và trái cây vào chế độ ăn hằng ngày còn giúp cải thiện chứng nóng trong. Hỗ trợ thúc đẩy hoạt động tiêu hóa, tạo cảm giác ngon miệng, cải thiện táo bón, đầy hơi và chướng bụng. Tuy nhiên, bạn cần tránh các loại trái cây có tính nóng như sầu riêng, mít, vải, nhãn,…
- Bổ sung thực phẩm chứa lượng đạm vừa phải
Ngoài vitamin và khoáng chất, đạm cũng là thành phần dinh dưỡng cần thiết để tăng cường sức đề kháng. Tuy nhiên, người bị nổi mề đay có thể bị dị ứng với thực phẩm chứa quá nhiều đạm. Vì vậy, bạn chỉ nên bổ sung các loại thực phẩm chứa lượng đạm vừa phải để tránh dị ứng và kích thích mề đay bùng phát trên diện rộng.
Ít người biết rằng, đạm là thành phần dinh dưỡng thứ 2 chỉ sau tinh bột cung cấp năng lượng dồi dào trong cơ thể. Bên cạnh đó, protein trong thực phẩm còn tham gia vào quá trình tái tạo và sản xuất các tế bào miễn dịch. Khi đang gặp phải các vấn đề liên quan đến dị ứng như mề đay, viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, bạn nên bổ sung các loại thực phẩm chứa hàm lượng đạm vừa phải như thịt lợn, thịt gà, các loại hạt, đậu, cá,… để cải thiện sức khỏe.
- Các loại thực phẩm giàu chất béo không bão hòa
Omega 3 trong các loại cá đã được chứng minh lợi ích đối với sức khỏe tim mạch, thị lực và chức năng của não bộ. Bên cạnh đó, chất béo không bão hòa cũng giúp ích rất nhiều trong việc kiểm soát các vấn đề da liễu như nổi mề đay, viêm da cơ địa, vảy nến, viêm da tiết bã nhờn và các bệnh da liễu khác.
Cụ thể, Omega 3 tham gia vào quá trình ức chế sản xuất chất gây viêm. Vì vậy, bổ sung các loại cá béo có thể giảm hiện tượng viêm, sưng ở da và giúp cải thiện các triệu chứng của mề đay trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, Omega 3 còn có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện sức khỏe một cách toàn diện.
Đối với những người có cơ địa dị ứng, bác sĩ thường khuyến khích bổ sung các loại cá và thực phẩm giàu Omega 3 từ 2 – 3 lần/ tuần. Loại chất béo này giúp củng cố sức đề kháng và giảm độ nhạy cảm của các tế bào miễn dịch. Nhờ đó có thể hạn chế dị ứng thực phẩm và tránh phản ứng dị ứng khi tiếp xúc với gió lạnh, phấn hoa ở ngoài môi trường.
- Sữa chua
Người bị nổi mề đay thường gặp phải tình trạng khó chuyển hóa lactose từ các loại sữa động vật. Tuy nhiên nếu sử dụng sữa chua, hệ tiêu hóa có thể dễ dàng hấp thu và chuyển hóa chất dinh dưỡng nhờ các enzyme được sản sinh ra trong quá trình lên men. Ngoài hàm lượng đạm và khoáng chất dồi dào, sữa chua còn cung cấp một lượng lớn probiotic (lợi khuẩn).
Lợi khuẩn được biết đến với khả năng hỗ trợ chức năng tiêu hóa và cân bằng môi trường bên trong ruột non, ruột già. Bên cạnh đó, probiotic còn thúc đẩy hoạt động của các tế bào miễn dịch và nâng cao sức khỏe một cách toàn diện.
Bổ sung sữa chua vào chế độ ăn hằng ngày sẽ giúp cải thiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa do dị ứng thức ăn. Đồng thời nuôi dưỡng làn da và giảm hiện tượng viêm, sưng do mề đay gây ra. Để probiotic và các chất dinh dưỡng trong sữa chua được hấp thu tốt, bạn nên ăn kèm sữa chua với các loại hạt, ngũ cốc và trái cây tươi.
- Uống đủ nước
Khi nổi mề đay và gặp phải các vấn đề có liên quan đến dị ứng, bạn cần đảm bảo uống đủ 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày. Cung cấp đủ nước giúp đẩy nhanh quá trình trao đổi chất và điều hòa hoạt động của hệ miễn dịch. Bên cạnh đó, uống đủ nước còn hỗ trợ làm dịu da, giảm ngứa và cải thiện phần nào mức độ viêm, sưng do mày đay gây ra.
Ngoài nước lọc, bạn có thể dùng nước khoáng để cung cấp thêm khoáng chất cho cơ thể. Bên cạnh đó, nên bổ sung thêm nước ép trái cây và các loại trà thảo mộc như trà hoa cúc, trà atiso, trà bạc hà,… để chống viêm và cải thiện phần nào tình trạng ngứa ngáy.
Nổi mề đay mẩn ngứa nên kiêng ăn uống gì?
Ngoài thắc mắc “Nổi mề đay nên ăn gì?”, bạn cũng cần nắm rõ “Bị mề đay mẩn ngứa nên kiêng ăn, uống gì?”. Như đã đề cập, dị ứng thức ăn là nguyên nhân chủ yếu gây nổi mày đay. Do đó, cần phải kiêng cữ một số loại thực phẩm và thức uống để quá trình điều trị mang lại kết quả tốt nhất.
Người nổi mề đay nên kiêng
Với những nguyên nhân khác, kiêng cữ trong ăn uống cũng sẽ giúp quá trình phục hồi diễn ra nhanh chóng hơn, mề đay không bị lan rộng và ít có nguy cơ phát triển mãn tính. Để quá trình điều trị mề đay diễn ra thuận lợi, bạn nên kiêng cữ các loại thực phẩm và thức uống sau:
- Thực phẩm gây dị ứng
Tất cả các loại thực phẩm đều có thể gây dị ứng. Ở mỗi cá thể, hệ miễn dịch sẽ nhạy cảm với một vài loại protein nhất định. Vì nhầm lẫn protein là dị nguyên nên hệ miễn dịch sẽ kích thích phản ứng dị ứng để bảo vệ cơ thể. Đây chính là cơ chế chung của nổi mề đay và các bệnh dị ứng thường gặp khác.
Do đó, nên tránh dùng lại các loại thực phẩm dị ứng – đặc biệt là khi đang điều trị nổi mề đay mẩn ngứa. Không chỉ là nguyên nhân gây mày đay, dị ứng thực phẩm còn kích thích các bệnh dị ứng khác bùng phát như viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, tổ đỉa, viêm da tiết bã nhờn,…
Các loại thực phẩm có khả năng dị ứng cao bao gồm đậu phộng, hải sản (nhất là tôm, cua, ghẹ, ốc, nghêu,…), mè, sữa bò và thịt bò. Trẻ em dễ bị dị ứng với lòng trắng trứng và các loại thực phẩm chứa quá nhiều đạm (protein). Ngoài ra, nên thận trọng nguy cơ dị ứng chéo. Nếu bị dị ứng với cua ghẹ, bạn cũng nên tránh dùng các loại hải sản có vỏ khác như tôm, sò, hàu,…
- Các loại thực phẩm có tính hàn
Nếu bị nổi mề đay do dị ứng thức ăn và dị ứng thời tiết, bạn nên hạn chế dùng thực phẩm có tính hàn như hải sản (trừ cá), rong biển, khổ qua,… Các loại thực phẩm này có thể làm nghiêm trọng tình trạng đau bụng, tiêu chảy và khiến mề đay lan tỏa khắp cơ thể.
Ngoài ra, thực phẩm có tính hàn còn gia tăng mức độ ngứa. Vì vậy khi bị nổi mề đay, bạn nên kiêng thực phẩm có tính lạnh và tanh. Bên cạnh đó, nên chế biến thực phẩm chín và tránh ăn sống. Với các loại thực phẩm có tính mát, nên cân bằng món ăn bằng cách thêm vào một số loại gia vị có tính ấm như nghệ, gừng,…
- Món ăn mặn và cay nóng
Người bị nổi mề đay nên kiêng món ăn mặn và chứa các gia vị cay nóng như tiêu, ớt, mù tạt,… Các món ăn này có thể gây đau dạ dày và làm nghiêm trọng tình trạng táo bón, đầy hơi, chướng bụng ở những người ở nổi mề đay do gan nóng hoặc do nhiễm virus viêm gan B, C.
Ngoài ra, khi dùng thức ăn mặn và cay, thân nhiệt sẽ tăng lên. Đây chính là yếu tố khiến cho mề đay lan rộng, tăng mức độ ngứa ngáy và sưng đỏ. Vì vậy, tốt nhất bạn nên kiêng muối và các loại gia vị cay nóng trong thời gian điều trị mề đay.
- Rượu bia và cà phê
Cần kiêng cà phê, các loại trà chứa caffeine và đặc biệt là rượu bia khi bị nổi mề đay – đặc biệt là mề đay mãn tính. Rượu bia chứa nồng độ cồn khá cao nên dễ gây dị ứng. Với những người đang bị nổi mề đay, tình trạng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu liên tục dùng đồ uống chứa cồn.
Rượu bia khiến cho mề đay lan rộng, đồng thời gây ngứa ngáy dữ dội và dai dẳng. Ngoài ra, đồ uống chứa cồn cũng làm tăng áp lực lên gan và các cơ quan tiêu hóa. Điều này sẽ khiến cho tình trạng nóng gan, đầy hơi, chướng bụng có xu hướng nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, cà phê và các loại trà chứa caffeine cũng góp phần làm nghiêm trọng bệnh mày đay. Vì vậy, bạn nên kiêng cữ các loại đồ uống chứa cồn và caffeine trong thời gian này để đảm bảo hiệu quả của các phương pháp điều trị. Đối với những người có thể trạng dị ứng và tiền sử nổi mề đay mãn tính, nên kiêng hoàn toàn rượu bia để tránh tình trạng tái phát.
- Thực phẩm lên men
Ngoài những loại thực phẩm trên, bạn cũng cần kiêng các loại thực phẩm lên men như dưa muối, cà muối,… khi bị nổi mày đay. Enzyme được sản sinh trong quá trình lên men từ các món ăn này làm tăng các yếu tố gây viêm, từ đó khiến mề đay gây ngứa ngáy nhiều và có xu hướng lan rộng hơn. Bên cạnh đó, thực phẩm lên men thường chứa nhiều muối và gia vị.
Trong trường hợp bị nổi mề đay do gan nóng, bạn nên kiêng tuyệt đối thực phẩm lên men. Bởi các loại thực phẩm này làm tăng áp lực lên cơ quan tiêu hóa và khiến cho các vấn đề về gan trở nên nghiêm trọng hơn. Thay vào đó, nên ưu tiên các món ăn ở dạng luộc, hấp,… để gan được phục hồi hoàn toàn.
Kiêng cữ các loại thực phẩm, đồ uống trên sẽ giúp cho quá trình điều trị mề đay mang lại kết quả tốt hơn. Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế các thực phẩm dị ứng để phòng ngừa tình trạng tái phát.
Lời khuyên dinh dưỡng
Ngoài kiêng cữ thức ăn, bạn cũng cần kiêng cữ một số điều khi sinh hoạt hằng ngày. Bởi một số thói quen xấu có thể khiến các sẩn, mảng lan rộng và gây ngứa ngáy dữ dội. Nếu kết hợp ăn uống khoa học và sinh hoạt hợp lý, tình trạng sẽ thuyên giảm nhanh hơn so với việc chỉ sử dụng thuốc.
Khi bị nổi mề đay mẩn ngứa, bạn cần lưu ý kiêng cữ 7 thói quen sau:
- Kiêng gió lạnh
- Không chà xát, gãi cào lên da
- Tránh mặc quần áo chật, bó sát
- Kiêng tiếp xúc với các tác nhân dị ứng, kích ứng
- Hạn chế dùng sản phẩm chăm sóc có độ pH cao
- Tránh các thói quen xấu khi tắm: Tắm quá lâu, nước quá nóng hoặc quá lạnh
- Không thức khuya