Chăm sóc trẻ sơ sinh theo từng giai đoạn
Làm cha mẹ là một hành trình thiêng liêng và đầy thử thách, đặc biệt là trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng bé yêu. Mỗi giai đoạn phát triển của trẻ sơ sinh lại có những đặc điểm riêng, đòi hỏi cách chăm sóc phù hợp để đảm bảo bé phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần.
Lợi ích của việc theo dõi sự phát triển của bé theo từng tháng
Theo dõi sự phát triển của bé theo từng giai đoạn là rất cần thiết
Mỗi trẻ sẽ có một tốc độ phát triển khác nhau, để biết được trẻ có đang phát triển phù hợp với lứa tuổi của mình hay không thì ba mẹ cần theo dõi con theo từng mốc giai đoạn, việc theo dõi này mang lại 1 số lợi ích sau:
- Biết được những thay đổi trên cơ thể bé là tốt hay xấu, bình thường hay bất thường, từ đó có hướng xử trí kịp thời.
- Theo dõi sự phát triển thể chất của trẻ: cân nặng so với chiều cao của trẻ, từ đó có thể xác định trẻ có bị thiếu cân, thừa cân hay không. Mỗi đứa trẻ nên có một biểu đồ tăng trưởng để theo dõi sự phát triển của mình. Ở mỗi lần cân, cân nặng của trẻ phải được đánh dấu bằng một dấu chấm trên biểu đồ tăng trưởng và các dấu chấm phải được nối với nhau. Trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt nên tăng cân đều đặn hàng tháng. Nếu con bạn không tăng cân sau khi điều chỉnh khẩu phần ăn hoặc sụt cân thì có vấn đề. Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị ngay.
- Theo dõi sự phát triển về trí não, vận động của bé có phát triển tốt không để kịp thời có biện pháp can thiệp? (như khả năng nhận biết, cầm nắm đồ vật, lắng nghe, lẫy, bò, đi, tập nói,…)
- Phát hiện kịp thời các vấn đề sức khỏe bé gặp phải và đưa con đi khám như: vấn đề tiêu hóa (trào ngược, nôn trớ,…), sốt hay các bệnh lý nhiễm trùng, dị ứng,…
Thực tế ghi nhận rất nhiều trường hợp ba mẹ không theo dõi sự phát triển của bé, con bị thấp còi, bị bệnh hoặc thậm chí đe dọa tới tính mạng của trẻ. Vì vậy, theo dõi trẻ sơ sinh trong những năm tháng đầu đời rất quan trọng.
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh theo từng tháng
Giai đoạn 1 tuần đầu sau sinh
Giai đoạn 7 ngày đầu sau sinh là khoảng thời gian đầy thử thách đối với cả cha mẹ và em bé. Đây còn được gọi là thời kỳ chu sinh của trẻ và nếu không được chăm sóc đúng cách thì nguy cơ trẻ bị tử vong là rất cao.
Đây là giai đoạn hệ thần kinh của cơ thể bé đang tập làm quen với một môi trường mới nên bé gần như dành mọi thời gian để ngủ, bé chỉ thức dậy khi cảm thấy đói hay khi đi vệ sinh. Do đó, bố mẹ cần chú ý quan tâm, chăm sóc đặc biệt cho trẻ trong giai đoạn này. Một vài lưu ý cho ba mẹ:
- Giữ ấm cơ thể trẻ: Nhiệt độ môi trường thường sẽ thấp hơn nhiệt độ trong cơ thể mẹ, do đó, trẻ dễ bị hạ thân nhiệt, dễ bị vi khuẩn tấn công dẫn đến các bệnh nguy hiểm. Để cải thiện vấn đề này, mẹ nên cho bé nằm cạnh mẹ nhiều hơn. Điều này không chỉ giúp mẹ có thể truyền hơi ấm qua con, vun đắp tình mẫu tử mà còn có thể quan sát và phản ứng kịp thời ngay khi con gặp các vấn đề không mong muốn.
- Cho trẻ bú đủ sữa: Lúc này dạ dày của bé còn nhỏ, mỗi lần chỉ bú được 1 ít sữa. Do đó, bé rất nhanh đói và nhu cầu ăn rất cao, mẹ nên cho bé bú bất cứ khi nào bé cần thay vì tuân theo một giờ giấc nhất định. Sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất cho bé.
- Chú ý đến các biểu hiện sinh lý khác ở trẻ như bé đi ngoài phân su, vàng da,… Tuy nhiên, nếu mẹ không thấy các biểu hiện này, thay vào đó là trẻ thường xuyên bị sặc khi bú, có hiện tượng khó thở, da tím tái, khóc nhiều hay ngủ li bì, bố mẹ cần báo cho bác sĩ ngay lập tức để được kiểm tra và có hướng điều trị đúng cách, kịp thời.
Giai đoạn từ tuần thứ 2 đến 6 tháng tuổi
Giai đoạn này ba mẹ cần lưu ý:
- Chăm sóc trẻ khi ăn: nếu cho trẻ ăn không đúng cách rất có thể sẽ khiến trẻ bị nôn trớ, ọc sữa, sai khớp ngậm, ngạt thở rất nguy hiểm.
- Đối với những bé ti mẹ trực tiếp: mẹ cần cho bé ngậm đúng khớp vú. Nếu đầu ti mẹ ngắn trẻ khó hợp tác thì trước mỗi lần cho bé bú, mẹ hãy mát xa bầu ngực, kích thích cho núm vú dài ra. Cho bé bú trực tiếp thường xuyên cũng chính là cách cải thiện tình trạng đầu ti ngắn, tù của mẹ. Ngoài ra mẹ cũng cần lưu ý đến tốc độ của tia sữa. Nếu sữa chảy quá mạnh sẽ khiến trẻ dễ bị ọc trớ sữa.
- Đối với những trẻ bú bình: thì hãy để miệng trẻ ngậm hết đầu ti của bình, đồng thời khi bé ăn cần đảm bảo toàn bộ vùng đầu bình ti được lấp đầy sữa để tránh tình trạng bé nuốt phải nhiều không khí trong khi bú. Sau khi cho trẻ ăn xong, hãy từ từ bế trẻ lên, áp trẻ vào người mình và vỗ ợ hơi cho bé để đẩy không khí thừa trong bụng bé ra ngoài. Khi đặt bé nằm xuống ngủ thì nên để vùng đầu cao hơn thân người một chút hoặc nằm nghiêng để tránh bị trớ sữa ra ngoài. Tuyệt đối không để trẻ nằm trong tư thế úp người xuống.
- Vệ sinh rốn: trong thời gian đầu trẻ phải mất ít nhất từ 7 – 10 ngày để rụng cuống rốn. Đây cũng là khoảng thời gian vi khuẩn dễ tấn công vào khu vực này của trẻ. Sau khi tắm xong cho bé, cha mẹ hãy sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh rốn rồi lau khô. Đừng băng rốn bé lại mà hãy để nó được thông thoáng. Thời gian sau cuống rốn sẽ tự rụng ra mà không cần dùng biện pháp can thiệp nào và đây là hiện tượng tự nhiên của cơ thể. Vì vậy cha mẹ đừng bôi bất kỳ thuốc gì lên rốn của bé.
- Tắm bé: cha mẹ cần chuẩn bị sẵn đầy đủ tã, bỉm, khăn tắm và khăn lau (nên chọn loại được làm từ vải xô, mềm mại, dễ thấm hút), sữa tắm dành cho trẻ, thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi,… Nơi tắm cho trẻ cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, kín gió. Ngoài ra thao tác khi tắm cũng cần nhẹ nhàng để không làm tổn thương làn da non nớt của trẻ.
- Cho trẻ mặc tã, bỉm và đội mũ đúng cách:
- Lựa chọn loại bỉm có độ thấm hút tốt, ít hương liệu, mỏng nhẹ và thông thoáng để trẻ không bị hăm da khi mặc. Ngoài ra nên dùng loại bỉm có vạch báo để bạn biết rằng bỉm của con đã đầy hay chưa. Thời gian thay bỉm nên là khoảng 2 – 3 tiếng/lần và khi bé đi ngoài thì nên thay luôn.
- Không nên đội mũ quá nhiều cho trẻ bất kể ngày đêm. Bởi vì khác với người lớn, trẻ em thường thoát nhiệt qua da đầu, đặc biệt là khi đi ngủ khiến mồ hôi toát ra không thoát đi được và trẻ sẽ bị cảm lạnh. Vì vậy cha mẹ đừng bịt kín phần thóp của bé khi ngủ.
- Chăm sóc mắt, da, mũi, miệng cho trẻ:
- Đối với làn da: lựa chọn loại sữa tắm, dầu massage, nước giặt quần áo, kem dưỡng ẩm,… dành cho trẻ sơ sinh. Không để da bé tiếp xúc với các chất tẩy rửa và xà phòng thô vì sẽ làm kích ứng da của trẻ;
- Sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mắt cho trẻ hàng ngày nếu mắt của bé đổ nhiều ghèn;
- Đối với lưỡi và mũi của bé cũng phải được vệ sinh mỗi ngày bằng rơ lưỡi và dung dịch nước muối sinh lý chuyên dụng.
- Vì trẻ sơ sinh có làn da nhạy cảm và sức đề kháng yếu ớt, do đó không được để người lớn ôm hôn, sờ tay lên mặt trẻ vì điều này dễ khiến trẻ bị nhiễm các loại vi khuẩn gây hại.
Giai đoạn từ 6-12 tháng tuổi
Từ 6 tháng tuổi trẻ bắt đầu mọc răng và ăn dặm, kết hợp bú sữa mẹ hoặc sữa công thức, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính. Mẹ cần bổ sung đa dạng các nhóm chất: tinh bột đường, đạm, chất béo và vitamin; cho trẻ ăn từ loãng đến đặc, từ đồ ăn mềm đến cứng, lượng ăn tăng dần theo độ tuổi. Một vài lưu ý khi cho bé ăn dặm:
- Kết hợp nhiều loại thức ăn và thường xuyên thay đổi thực đơn để đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất và giúp bé không bị ngán.
- Thực phẩm phải sạch và không bị nhiễm khuẩn.
- Cho trẻ ăn từ từ từng chút một, từ ít tới nhiều.
- Kiểm tra các nguy cơ dị ứng và khả năng tiêu hóa khi cho trẻ thử thức ăn mới.
- Có thể kết hợp bột ăn dặm với rau củ quả hay thịt cho trẻ.
- Không cho trẻ ăn quá nhiều thịt, cá cùng một lúc.
- Thời gian các bữa ăn dặm nên hợp lý và cố định để tạo thói quen ăn uống cho trẻ.
Giai đoạn này trẻ phát triển nhiều về thể chất và cảm xúc. Trẻ biết ngồi, lẫy, bò,… cầm nắm đồ vật và chuyển đồ vật từ tay này sang tay kia. Lúc này, mẹ nên chuẩn bị đầy đủ đồ chơi cho trẻ để giúp trẻ phát triển các kỹ năng này hiệu quả.
Trẻ bắt đầu giao tiếp nhiều hơn, có thể nhận ra ai là người lạ và biết được khi có ai đó gọi tên, cười nhiều hơn, bập bẹ biết nói và kêu ré lên. Hơn nữa, trẻ cực kỳ thích nghe người khác nói chuyện hoặc chơi cùng trẻ. Vì vậy ba mẹ hãy thường xuyên giao tiếp với con để dạy bé tập nói vài từ đơn giản như “baba”, “ba”, …
Những lưu ý trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh
- Cho bé chích ngừa vacxin đầy đủ, đúng lịch: tiêm phòng vacxin rất quan trọng với trẻ, giúp con có miễn dịch để phòng chống bệnh tật
Tiêm phòng vacxin đầy đủ là rất cần thiết đối với trẻ
- Theo dõi nhiệt độ của trẻ: Nhiệt độ cơ thể bé diễn biến rất nhanh, trẻ có thể bị hạ thân nhiệt cả khi vào mùa hè, từ đó trẻ dễ bị viêm phổi, do vậy cần cho trẻ nằm phòng thoáng, nhiệt độ phòng 28-30 độ C, đủ ánh sáng, không quấn trẻ quá kỹ. Nhiệt độ bình thường của trẻ: 36,5°C – 37,2°C
- Nếu nhiệt độ >37,5 độ C: cho trẻ nằm phòng thoáng, nới lỏng quần áo, dùng khăn ấm chườm cho trẻ ở trán, nách, bẹn. Theo dõi sát nhiệt độ của trẻ. Nếu >38,5 độ C đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ.
- Nếu nhiệt độ <36 độ C: ủ ấm tích cực cho trẻ bằng chăn hoặc bằng phương pháp da kề da.
- Nhận biết một số dấu hiệu nguy hiểm và cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu:
- Bú ít hoặc bỏ bú.
- Co giật hoặc co cứng.
- Ngủ li bì khó đánh thức.
- Thở rít khi nằm yên, thở khò khè.
- Sốt cao hoặc hạ thân nhiệt.
- Chảy máu bất cứ chỗ nào.
- Vàng da đậm hoặc vàng da sớm (24 giờ tuổi).
- Nôn liên tục, bụng chướng.
Hy vọng bài viết trên đây giúp ba mẹ bớt lo lắng, lúng túng trong quá trình chăm sóc bé, giúp bé phát triển tốt hơn.
Kết luận
Chăm sóc trẻ sơ sinh không chỉ là một nhiệm vụ đơn giản mà còn là một hành trình tuyệt vời mà các bậc cha mẹ cùng con trải qua từng giai đoạn phát triển. Việc hiểu rõ các giai đoạn phát triển của bé và áp dụng những phương pháp chăm sóc phù hợp sẽ giúp bé yêu phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Đừng quên, mỗi khoảnh khắc bạn dành cho bé đều quý giá, và những năm tháng này sẽ trôi qua rất nhanh. Hãy trân trọng từng giây phút bên con, vì chính những nỗ lực chăm sóc và yêu thương không ngừng nghỉ của bạn ngày hôm nay sẽ là nền tảng vững chắc cho tương lai của bé. Với tất cả tình yêu thương và sự kiên nhẫn, bạn sẽ là điểm tựa vững chắc để con bạn khôn lớn và phát triển khỏe mạnh.