Chăm sóc bệnh nhân ung thư máu như thế nào?
Những điều cần biết về ung thư máu
Ung thư máu hay bệnh bạch cầu cấp là căn bệnh ác tính cả người lớn và trẻ em đều có thể mắc phải. Bệnh ảnh hưởng đến chức năng, khả năng phân chia các tế bào máu trong cơ thể do tình trạng phát triển bất thường của các tế bào.
Ung thư máu đa số thường phát triển ở tủy xương – đây là nơi các tế bào trong cơ thể được sản xuất ra. Hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu được hình thành do tế bào gốc trong tủy xương phát triển tạo ra. Khi các tế bào bị ung thư hóa sẽ tăng trưởng và nhân lên rất nhanh. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây cản trở quá trình phát triển của các tế bào máu khỏe mạnh và ứ đọng trong tủy xương. (1)
Ung thư máu là một loại ung thư ác tính
Ung thư máu giai đoạn đầu thường không có biểu hiện rõ rệt nên người bệnh khó nhận biết. Các triệu chứng ung thư máu dần về sau sẽ xuất hiện, bao gồm:
- Sốt, ớn lạnh không rõ nguyên do
- Chảy máu cam: là hiện tượng phổ biến, nhưng nếu lượng máu chảy nhiều, xảy ra liên tục trong nhiều ngày thì bạn nên đi khám ngay. Bởi đây có thể là biểu hiện của bệnh ung thư máu. Chảy máu cam là hệ quả của việc giảm số lượng tiểu cầu – tế bào có tác dụng cầm máu.
- Đau bụng: là một trong các triệu chứng ung thư máu giai đoạn đầu. Đó là kết quả của việc những tế bào ung thư máu tích tụ trong thận, gan và lá lách khiến bụng to ra và đau.
- Mệt mỏi, khó thở: Tế bào ung thư có xu thế bao quanh tuyến ức, gây đau đớn và khó thở. Các triệu chứng khác là thở khò khè và ho.
- Sưng hạch bạch huyết: Khi mắc bệnh, tế bào ung thư có thể tích tụ trong các hạch bạch huyết. Từ đó, dẫn đến các hạch bạch huyết dưới cánh tay, ở bẹn, ngực và cổ có thể sưng lên.
- Đau xương: Một trong những triệu chứng chính của ung thư máu là đau xương. Các cơn đau có thể xuất hiện tùy theo mức độ của bệnh và thường xuất hiện ở khớp xương chân, đầu gối, cánh tay và lưng,…Nguồn gốc của những cơn đau này là từ tủy xương – nơi sản xuất ra các tế bào máu.
- Nhiễm trùng thường xuyên: Ung thư máu làm suy giảm chức năng của các tế bào bạch cầu vốn giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Hậu quả là bệnh nhân bị nhiễm trùng thường xuyên do vi khuẩn, virus hoặc nấm.
- Dễ bị bầm tím: Bệnh nhân ung thư máu dễ bị bầm tím và chảy máu không kiểm soát được. Điều này xảy ra do các tế bào máu bình thường liên tục bị thay thế bằng các tế bào bạch cầu non bất thường. Kết quả là các tiểu cầu bị mất đi và máu không thể đông lại được.
Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư máu
Mặc dù, vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây ung thư máu, tuy nhiên sẽ có một số yếu tố tác động làm tăng khả năng mắc bệnh như:
- Tiếp xúc với hóa chất như benzene, formaldehyde hay tia xa.
- Nhiễm trùng virus EBV.
- Mắc các hội chứng di truyền như Down,… (2)
Cách chăm sóc bệnh nhân ung thư máu
Trong quá trình chăm sóc người mắc ung thư máu cần chú ý đến tâm lý, thể chất, triệu chứng của người bệnh và các tác dụng phụ của thuốc như sau:
Chăm sóc tâm lý
Chấp nhận căn bệnh ung thư cũng như chung sống với nó trong phần đời còn lại là thách thức với nhiều bệnh nhân. Người thân cần giúp họ lấy lại được sự cân bằng tâm lý bằng những phương pháp sau.
- Thường xuyên trò chuyện, tâm sự vì người mắc bệnh ung thư rất dễ bi quan, thu mình và dần trở nên tuyệt vọng. Khi được trò chuyện bệnh nhân ung thư cần được cố gắng lắng nghe, tôn trọng.
- Bệnh nhân cần được tham gia các hoạt động ưa thích trước đây. Điều này giúp bệnh nhân duy trì sự gắn kết với xã hội cũng như cảm thấy cuộc sống hiện tại không quá tồi tệ so với cuộc sống thường ngày trước khi mắc bệnh của họ.
- Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, người thân cũng cần lưu ý để nhận ra dấu hiệu bệnh nhân cần được trợ giúp. Bệnh nhân ung thư có thể trải qua rất nhiều cảm xúc khác nhau, như buồn rầu, căng thẳng, tức giận, lo âu, tuyệt vọng… Vì vậy, khi nhận thấy cảm xúc của bệnh nhân bất ổn, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ cho bệnh nhân từ tư vấn viên, chuyên gia tâm lý, bác sĩ, hoặc các biện pháp giúp bệnh nhân thư giãn. Nếu người chăm sóc cảm thấy căng thẳng, hãy tìm cách lấy lại cân bằng cho bản thân trước, bởi người chăm sóc khỏe mạnh mới có thể chăm sóc cho bệnh nhân tốt nhất.
Chấp nhận những khó khăn của bệnh nhân
Chăm sóc y tế và thể chất
Người thân hoàn toàn có thể chăm sóc bệnh nhân ung thư tại nhà cả về mặt y tế và thể chất. Để chăm sóc tốt cho bệnh nhân, bạn có thể tham khảo các gợi ý dưới đây.
- Tìm hiểu thông tin, kiến thức về căn bệnh ung thư mà bệnh nhân mắc phải để chuẩn bị. Bạn hãy tham vấn bác sĩ để có được những thông tin chính xác về căn bệnh, về chẩn đoán, điều trị, quá trình theo dõi cũng như tiên lượng của bệnh nhân.
- Người thân cần chủ động hỗ trợ đưa bệnh nhân đi khám, tham vấn với bác sĩ mọi thắc mắc về tình trạng bệnh, cung cấp cho bác sĩ những thông tin cần thiết để hỗ trợ bác sĩ trong quá trình điều trị cho bệnh nhân.
- Hãy giữ cẩn thận hồ sơ của bệnh nhân, bao gồm lịch hẹn khám, kết quả xét nghiệm, thuốc và cách dùng, liều dùng, các triệu chứng của bệnh nhân, những tác dụng không mong muốn của thuốc mà bệnh nhân gặp phải, số điện thoại của bác sĩ…
- Một số bệnh nhân bị giới hạn trong sinh hoạt thường ngày, như không thể tự tắm rửa, thay quần áo, ăn uống, đi vệ sinh… Hãy giúp đỡ khi họ cần, nếu chưa biết cách làm hãy xin chỉ dẫn từ người có chuyên môn, xem video làm mẫu hoặc đọc các tài liệu hướng dẫn.
- Người thân có thể học cách trợ giúp về mặt y tế cho bệnh nhân, như băng bó và chăm sóc vết thương, chăm sóc cơ thể, giúp bệnh nhân uống thuốc… Hãy tham vấn bác sĩ cách trợ giúp và chăm sóc bệnh nhân ung thư tại nhà một cách tốt nhất, an toàn nhất.
Theo dõi triệu chứng bệnh và tác dụng phụ của thuốc
- Người thân cần theo dõi và thông báo cho bác sĩ mọi triệu chứng và tác dụng không mong muốn của thuốc xuất hiện trên bệnh nhân. Bệnh nhân thường bỏ qua một số triệu chứng, chỉ cung cấp những triệu chứng hay gặp nhất hoặc khó chịu nhất, bạn cần lưu ý để giúp bác sĩ đưa ra cách giải quyết tốt nhất.
- Đừng quên theo dõi việc sử dụng thuốc của bệnh nhân. Người bệnh ung thư thường phải sử dụng khá nhiều loại thuốc vì vậy việc tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ là rất quan trọng, do đó nên lập danh sách để theo dõi khoa học. (3)
Những điều lưu ý trong quá trình chăm sóc
- Lên lịch điều trị và lịch hẹn với bác sĩ: Các phương pháp điều trị ung thư như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị phải tuân thủ theo một lịch trình. Lên lịch để ghi lại tất cả các lần điều trị sắp tới, cuộc hẹn với bác sĩ và các ngày khám quan trọng khác.
- Sử dụng bảng thời gian để ghi nhớ lịch dùng thuốc: Tất cả các loại thuốc cần được sử dụng đúng liều lượng, đúng lúc.
- Kiểm soát số lượng người đến thăm: Bệnh nhân ung thư có khả năng miễn dịch thấp, đó là lý do tại sao họ cần được bảo vệ khỏi nguy cơ lây nhiễm. Bên cạnh việc giữ gìn vệ sinh nhà cửa, điều quan trọng là phải theo dõi những người khách đến thăm bệnh nhân. (4)
- Lên chế độ ăn uống lành mạnh: Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo bệnh nhân sau điều trị ung thư nên ăn ít nhất 2,5 đến 3 chén rau và 1,5 đến 2 chén trái cây mỗi ngày. Bạn nên chọn chất béo lành mạnh (như axit béo omega-3 có trong cá và quả óc chó). Về lượng protein, bạn chọn ăn nhóm protein có ít chất béo bão hòa như cá, thịt nạc, trứng, quả hạch, hạt và các loại đậu. Bạn cũng có thể chọn nguồn carbohydrate lành mạnh có trong ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, trái cây và rau quả. (5)
Chế độ ăn đa dạng rau quả hỗ trợ thúc đẩy quá trình phục hồi cho bệnh nhân ung thư sau điều trị.
Kết luận
Chăm sóc bệnh nhân ung thư máu đòi hỏi sự quan tâm toàn diện từ tâm lý đến thể chất. Điều quan trọng là duy trì sự kiên nhẫn, lắng nghe và chia sẻ với người bệnh, giúp họ cảm thấy được an ủi và không cô đơn trong hành trình chiến đấu với bệnh tật. Hãy hỗ trợ bệnh nhân bằng cách theo dõi triệu chứng, quản lý thuốc và duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia y tế và các tổ chức hỗ trợ để có thêm thông tin và phương pháp chăm sóc tốt nhất. Sự chăm sóc tận tâm và chu đáo không chỉ giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn mà còn đóng góp lớn vào quá trình điều trị và phục hồi.