Camphor là gì? Tại sao lại được sử dụng rộng rãi trong y học?
Đau nhức cơ bắp, cảm lạnh hay những vết côn trùng cắn có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống. Khi gặp phải những tình huống này, nhiều người thường tìm đến các sản phẩm chứa Camphor. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về thành phần, công dụng cũng như liều lượng khi sử dụng nhé!
Mô tả về Camphor
Được biết đến là hoạt chất tự nhiên được chiết xuất từ cây long não, có nhiều ứng dụng trong y học. Sản phẩm chứa Camphor có rất nhiều dạng khác nhau, từ dạng đơn chất như kem bôi, gel, dung dịch xông đến dạng phối hợp với các thành phần khác nhau.
Ở dạng đơn chất bao gồm:
- Kem bôi ngoài da 3,1%: Dùng để giảm đau nhức và viêm sưng nhẹ trên da, phù hợp cho người gặp vấn đề về cơ bắp hay đau khớp.
- Gel bôi ngoài da 0,45%: Dạng nhẹ hơn của kem, phù hợp để làm dịu ngứa và kích ứng nhẹ.
- Dung dịch xông 6,2%: Thường được dùng để xông hơi trong trường hợp cảm lạnh hoặc nghẹt mũi, giúp hỗ trợ làm sạch và thông thoáng đường hô hấp.
Còn với dạng hỗn hợp sẽ bao gồm những loại chính như bảng sau:
Dạng thuốc | Hoạt chất chính | Đường dùng |
Dầu xoa |
| Ngoài da (Xoa bóp) |
Dung dịch xịt mũi | Oxymetazolin hydroclorid, Menthol, Camphor (1,1 mg/ 15ml). | Đường mũi |
Viên nén | Đan sâm, Tam thất, Camphor (8 mg). | Uống |
Viên nang | Menthol, Eucalyptol, Camphor (12 mg), Tinh dầu chanh. | Uống |
Ống hít | Menthol, Camphor (119 mg), Methyl Salicylat. | Hít |
Gel dùng ngoài | Dịch chiết lá xoài, Menthol và Camphor. | Ngoài da |
Cồn thuốc | Camphor (420 mg), Menthol, Procain HCL, Tinh dầu đinh hương, sao đen, tạo giác, thông bạch. | Ngoài da (Xoa bóp) |
Miếng dán | Camphor (1%), Menthol, Dementholised mint oil, Eucalyptus oil. | Dán ngoài da |
Chỉ định dùng Camphor với những trường hợp nào?
Thuốc được các bác sĩ và dược sĩ khuyên dùng trong nhiều tình huống khác nhau, giúp bạn nhanh chóng giảm các triệu chứng, bao gồm:
- Dung dịch xông: Hãy thử xông hơi với hoạt chất, hơi thuốc sẽ giúp làm dịu cổ họng, giảm cơn ho khó chịu và thông thoáng đường thở.
- Kem bôi ngoài da: Nếu bạn bị đau nhức cơ khớp nhẹ, đau lưng, bong gân hay căng cơ, kem bôi Camphor sẽ giúp giảm đau nhanh chóng.
- Gel bôi ngoài da: Dạng Gel của thuốc rất hữu ích trong việc làm dịu các vết bỏng nhẹ, cháy nắng, vết cắt nhỏ, vết xước, côn trùng cắn hay các vết phát ban do tiếp xúc với cây cỏ độc hại,…
Dược lực học của Camphor
Camphor là một hợp chất hữu cơ được chiết xuất từ vỏ và gỗ của cây long não và đã được ứng dụng rộng rãi trong y học từ lâu. Một trong những cơ chế tác dụng quan trọng của hoạt chất là khả năng tương tác với các thụ thể thần kinh. Cụ thể, thuốc có thể kích thích các đầu tận cùng của dây thần kinh, tạo ra cảm giác nóng ấm và làm giảm đau.
Bên cạnh tác dụng giảm đau, chất này còn có hoạt tính kháng khuẩn và kháng nấm. Nghiên cứu cho thấy chúng có khả năng ức chế sự phát triển của một số loại vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp và nấm gây nhiễm trùng móng.
Động lực học của Camphor
Với loại thuốc này, khi được sử dụng, sẽ trải qua một quá trình dược động học bao gồm hấp thu, phân bố, chuyển hóa và thải trừ.
- Hấp thu: Nó sẽ được cơ thể hấp thụ một cách chậm rãi qua da, sau khi tiếp xúc, chất này sẽ dần thẩm thấu vào máu và đạt đến nồng độ cao nhất trong huyết tương sau khoảng 3 giờ. Tốc độ hấp thu này khá chậm so với nhiều loại thuốc khác, điều này ảnh hưởng đến thời gian bắt đầu tác dụng của nó.
- Phân bố: Một khi đã vào máu, Camphor sẽ phân bố rộng rãi trong cơ thể, thể tích phân bố của chất này tương đối lớn, khoảng 2 – 4 lít/kg. Điều này cho thấy thuốc có xu hướng phân bố vào nhiều mô và cơ quan khác nhau. Ngoài ra, nó còn có khả năng liên kết với protein huyết tương ở mức độ khá cao (61%), ảnh hưởng đến khả năng phân bố và tác dụng của thuốc.
- Chuyển hóa: Gan là cơ quan chính chịu trách nhiệm chuyển hóa Camphor, nó sẽ trải qua các phản ứng sinh hóa để tạo thành các chất chuyển hóa không còn hoạt tính.
- Thải trừ: Các chất chuyển hóa của Camphor sẽ được bài tiết chủ yếu qua đường nước tiểu, thời gian bán thải trong cơ thể người là khoảng 1,5 giờ.
Chống chỉ định khi sử dụng Camphor
Tuy có nhiều công dụng, nhưng để đảm bảo an toàn, bạn tuyệt đối không nên sử dụng thuốc trong các trường hợp sau:
- Da bị kích ứng hoặc tổn thương: Nếu da bạn đang bị mẩn đỏ, ngứa, viêm nhiễm hoặc có vết thương hở,…
- Kích ứng da tiến triển nghiêm trọng: Trong trường hợp kích ứng da đã lan rộng, gây đau rát và khó chịu, cần ngưng sử dụng thuốc ngay lập tức và tham khảo ý kiến của bác sĩ để được điều trị phù hợp.
- Trẻ em: Camphor không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ em dưới 12 tuổi đối với dạng kem bôi và dưới 2 tuổi đối với dạng dung dịch xông và gel bôi.
Liều lượng & cách dùng của thuốc Camphor
Hoạt chất có thể được sử dụng dưới dạng dung dịch xông hơi để điều trị ho hoặc dạng kem/gel bôi ngoài da để giảm đau, ngứa, với liều lượng và cách dùng như sau:
- Dung dịch xông hơi:
- Pha loãng: Trước khi sử dụng, pha loãng dung dịch Camphor với nước lạnh theo tỷ lệ: 15ml dung dịch/946ml nước hoặc 7.5ml dung dịch/473ml nước.
- Sử dụng: Cho hỗn hợp đã pha loãng vào máy xông hơi, bật máy và hít hơi nước.
- Liều lượng: Sử dụng tối đa 3 lần/ngày.
- Đối tượng: Chỉ dùng cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên.
- Kem bôi ngoài da giảm đau:
- Cách dùng: Thoa một lớp kem mỏng lên vùng da bị đau.
- Liều lượng: Bôi tối đa 4 lần/ngày.
- Thời gian sử dụng: Nên sử dụng hàng ngày trong ít nhất 2 tuần để đạt hiệu quả tốt nhất.
- Đối tượng: Chỉ dùng cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên.
- Gel bôi ngoài da giảm ngứa và giảm đau:
- Cách dùng: Thoa một lớp gel mỏng lên vùng da bị ngứa hoặc đau.
- Liều lượng: Bôi từ 3 – 4 lần/ngày.
- Đối tượng: Có thể sử dụng cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên.
Tác dụng phụ của Camphor
Trong một số trường hợp, có thể xuất hiện các phản ứng dị ứng với những triệu chứng như: Mẩn đỏ, ngứa, nổi mề đay, phát ban,… Trong trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể sốt, khó thở, khò khè, tức ngực, sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng, thậm chí gây sốc phản vệ đe dọa tính mạng.
Lưu ý trong quá trình sử dụng Camphor
Nhằm đảm bảo sức khỏe và tránh các tác dụng khác phát sinh, trong quá trình sử dụng mọi người cần lưu ý các điểm sau:
- Trước khi bôi Camphor, cần làm sạch và lau khô vùng da. Sau khi bôi, hãy xoa bóp nhẹ nhàng để thuốc thấm sâu.
- Tuyệt đối tránh bôi lên vết thương hở, vùng da tổn thương hoặc đang bị kích ứng. Không băng kín hoặc dùng miếng dán nóng tại vị trí bôi.
- Nếu triệu chứng không thuyên giảm sau 7 ngày hoặc xuất hiện các phản ứng bất thường như mẩn đỏ, cần ngưng sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Khi sử dụng dung dịch xông thuốc, người bệnh ho mãn tính cần hết sức thận trọng. Nếu ho kéo dài hoặc kèm theo các triệu chứng khác, hãy ngưng sử dụng ngay.
- Camphor rất dễ cháy, vì vậy cần để xa nguồn nhiệt, đặc biệt lưu ý khi sử dụng nước nóng để xông hơi, tránh bị bỏng.
- Với trẻ em, nên thận trọng khi sử dụng do da trẻ em rất nhạy cảm, người bệnh gan cũng cần tránh sử dụng Camphor, đặc biệt khi đang dùng các loại thuốc có thể gây hại cho gan.
- Phụ nữ mang thai và cho con bú: Chưa có đủ bằng chứng khoa học về độ an toàn của Camphor đối với hai đối tượng này. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé, khuyến cáo không nên sử dụng sản phẩm chứa hoạt chất trong thời gian mang thai và cho con bú.
Quên liều và cách xử lý khi dùng Camphor
Trong quá trình điều trị dài hạn bằng dạng bôi ngoài da hoặc dung dịch xông, nếu bạn quên một liều, hãy dùng ngay khi nhớ ra. Trường hợp đã gần đến giờ dùng liều kế tiếp, bạn có thể bỏ qua liều đã quên, tuyệt đối không tự ý tăng gấp đôi liều dùng để bù lại liều đã quên.
Với những thông tin trên, chắc hẳn đã giúp mọi người hiểu thêm về Camphor cũng như cách sử dụng hiệu quả. Với khả năng giảm đau, chống viêm và sát trùng của nó khiến long não trở thành thành phần đa năng trong nhiều loại thuốc. Tuy nhiên, trước khi sử dụng, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ và đọc kỹ hướng dẫn để tránh tác dụng phụ.