Cẩm nang ở cữ đúng cách với những điều nên và không nên làm
Sau quá trình mang thai 9 tháng 10 ngày, trải qua “cửa tử” của việc sinh nở thì chị em sẽ phải tiếp tục hành trình ở cữ sau mang thai. Vậy ở cữ là gì? Ở cữ bao lâu? Nên và không nên làm gì khi ở cữ? Tất cả sẽ được Pharmacity giải đáp chi tiết trong bài viết sau đây.
Ở cữ là gì?
Cuộc sinh nở của phụ nữ thường được ví như “vượt qua cửa tử” như đau đẻ như gãy 20 chiếc xương sườn cùng lúc. Chính vì vậy, sau khi sinh cơ thể của người mẹ cực kỳ yếu, lúc này họ cần thời gian nghỉ ngơi và kiêng cữ một số thứ để giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi. Khoảng thời gian này được gọi là ở cữ.
Ở cữ là khoảng thời gian nghỉ ngơi sau khi sinh con
Vì sao phụ nữ sau sinh phải ở cữ?
Như đã phân tích ở phần ở cữ là gì? Ở cữ đóng vai trò cực kỳ quan trọng sau quãng thời gian mang thai và sinh nở ở phụ nữ. Thời gian ở cữ được xem là thời điểm mà họ phục hồi lại sức khỏe sau quá trình vượt cạn, , phòng ngừa các bệnh hậu sản như thoái hóa xương khớp, giảm thính lực, thoát vị đĩa đệm,..
Đồng thời ở cữ cũng là lúc chăm sóc bé yêu giai đoạn đầu đời, như tăng cường chất lượng sữa mẹ cho con bú, dành nhiều thời gian để “học làm mẹ” với những chị em có con lần đầu….
Tóm lại, việc ở cữ là một phần quan trọng của quá trình sau sinh, đảm bảo rằng cả mẹ và bé được chăm sóc tốt nhất trong giai đoạn này.
Thời gian ở cữ trong bao lâu?
Trên thực tế, không có quy định cụ thể nào về thời gian ở cữ của mẹ sau sinh. Nhưng theo quan niệm của ông bà ta, thời gian ở cữ dành cho mẹ sau sinh tốt nhất là 3 tháng 10 ngày. Tuy nhiên, trong thời đại xã hội hiện nay thì thời gian ở cữ của chị em đa phần đã rút ngắn hơn tùy thuộc vào thể trạng và sức khỏe của từng người có thể từ 1 – 3 tháng.
Tuy nhiên, để đảm bảo cả mẹ sau sinh và trẻ sơ sinh đảm bảo tốt về mặt sức khỏe thì nên nghỉ ngơi cho đến khi cơ thể cảm thấy thực sự sẵn sàng kết thúc thời gian ở cữ.
Không có quy định thời gian cụ thể của việc ở cữ
Những điều nên tránh làm trong thời gian ở cữ
Sau khi hiểu được ở cữ là gì? thì chắc hẳn nhiều chị em khá áp lực vì quan niệm ở cữ giữa xưa và nay có nhiều sự đối lập. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tinh thần của mẹ sau sinh trong thời gian ở cữ, chị em có thể áp dụng một số kinh nghiệm sau:
Những quan niệm sai lầm về ở cữ nên tránh
- Kiêng tắm gội trong 1 tháng: Ông bà ta cho rằng sau sinh nếu tắm gội sớm dễ cảm lạnh, đau ốm và rụng tóc về sau. Nhưng theo lời khuyên của các bác sĩ thì điều này không đúng. Thay vào đó, mẹ sau sinh thì nên gội đầu, tắm rửa thường xuyên để hạn chế mồ hôi, nấm, ngứa gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, tốt nhất với mẹ sinh thường nên gội đầu sau 5 ngày, còn sinh mổ thì sau 7 – 10 ngày mới nên bắt đầu gội đầu, tắm rửa. Đồng thời, khi tắm gội nên dùng nước ấm, sấy tóc khô sau khi gội và thoa tinh dầu tràm để làm ấm cơ thể.
- Phòng ngủ phải che kín gió: Việc đóng kín cửa thường xuyên rất dễ tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển, ẩm thấp dễ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé. Nên tốt nhất cần mở thoáng cửa vào ban ngày, ban đêm có thể đóng lại để không khí trong phòng lưu thông.
- Nằm than, hơ nóng: Đây là quan niệm nhận được rất nhiều tranh cãi. Theo các bác sĩ cho rằng mẹ sau sinh không nhất thiết phải nằm than. Nhưng nếu có nằm than, hơ nóng cần phải đảm bảo mở cửa thông thoáng, tránh đóng kín cửa dễ gây độc cho cả mẹ và bé.
- Kiêng nói chuyện, nói to: Quan niệm của ông bà cho rằng sau sinh nếu mẹ nói nhiều, nói to sau dễ bị nói lắp, nói không tự chủ. Quan niệm này không có cơ sở khoa học nên mẹ có thể giao tiếp bình thường, nhưng hạn chế nói quá to gây ảnh hưởng đến thanh quản.
Tóm lại, có rất nhiều quan niệm ở cữ của ông bà ta truyền lại. Là một người phụ nữ hiện đại, chị em cần biết cách chắt lọc thông tin, cũng như áp dụng những cách ở cữ đúng, phù hợp với hoàn cảnh để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé nhé.
Một số việc cần tránh khi đang trong giai đoạn cử
Để đảm bảo cơ thể mẹ sau sinh nhanh chóng phục hồi, cũng như đảm bảo sự phát triển của bé giai đoạn đầu đời thì mẹ nên tránh một số việc sau:
- Tuyệt đối không mang vác hay vận động quá mạnh, quá sức. Bởi vì các vết mổ, vết khâu sau sinh thường chưa được phục hồi hoàn toàn như trước nên nếu vận động mạnh dễ làm bục vết thương rất nguy hiểm, nhất là các mẹ sinh mổ.
- Không nên ăn uống quá mặn dễ bị tăng huyết áp, vì sản phụ sau sinh thường huyết áp sẽ cao hơn bình thường.
- Không nên giảm cân trong thời gian ở cữ bằng việc kiêng khem hà khắc, tập luyện quá sức. Điều này sẽ khiến cơ thể mẹ chậm phục hồi, suy nhược, gây ảnh hưởng đến vết mổ và đặc biệt giảm lượng và chất ngườn sữa khiến bé chậm phát triển.
- Sau khi sinh thường sẽ có “sản dịch” nên chị em tuyệt đối không dùng cốc nguyệt san, tampon hay thụt rửa âm đạo dễ gây viêm nhiễm, thay vào đó cần vệ sinh nhẹ nhàng, dùng băng vệ sinh để đảm bảo an toàn.
- Trong thời gian ở cữ chị em không nên uống đồ uống có cồn, chất kích thích dễ truyền qua sữa mẹ, làm ảnh hưởng tới quá trình phát triển của trẻ bú sữa mẹ.
- Tránh căng thẳng, mệt mỏi sau sinh dễ dẫn đến trầm cảm, mà hãy luôn duy trì tâm trạng thoải mái, vui vẻ.
- Kiêng tắm hoặc vệ sinh bằng nước lạnh, đi bơi vì phụ nữ sau sinh giảm khí huyết nên dễ bị cảm lạnh.
Tránh để cơ thể mệt mỏi, stress sau khi sinh
Ở cữ đúng cách cần thực hiện những gì?
Bên cạnh những việc nên tránh trong thời gian ở cữ thì chị em có thể thực hiện những việc nên làm sau đây:
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, không kiêng khem quá mức để mẹ nhanh chóng phục hồi sức khỏe, cũng như giúp nguồn sữa chất lượng để nuôi bé phát triển tốt hơn.
- Đảm bảo mẹ ngủ đủ giấc để giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng, lượng sữa dồi dào hơn.
- Cần uống đủ 2.5 – 3l nước mỗi ngày để giúp tăng lượng sữa mẹ, vừa hạn chế tình trạng táo bón.
- Cần chăm sóc, vệ sinh vùng kín nhẹ nhàng khi đang còn sản dịch sau sinh bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ dịu nhẹ, dùng và thay băng vệ sinh thường xuyên.
- Cần chú ý vệ sinh vết thương sau sinh đối với sinh mổ để tránh trường hợp nhiễm trùng sau sinh.
- Nên vận động nhẹ nhàng bằng việc đi bộ, tập yoga các bài tập nhẹ nhàng để cơ thể linh hoạt hơn, cũng như tránh tình trạng “dính ruột” sau sinh.
Sau sinh cần dành nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn
Mẹ sau sinh ở cữ nên ăn gì và kiêng gì?
Trong thời gian ở cữ, việc chú ý đến chế độ dinh dưỡng đối với mẹ sau sinh cực kỳ quan trọng. Vậy nên, trong thời gian này mẹ nên chú ý những điều sau:
Các loại thức ăn tốt cho mẹ ở cữ
Trong thời gian ở cữ, chị em không nên kiêng khem quá mức mà cần bổ sung đầy đủ, đa dạng chất dinh dưỡng. Thường sẽ là:
- Chất đạm: Đây là thành phần giúp mẹ có đủ năng lượng để cải thiện sức khỏe, phục hồi tốt hơn. Protein thường có trong thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm, trứng, cá…
- Trái cây, rau củ: Sau sinh nên bổ sung các nhóm vitamin từ C, D, A, B, E…trong thực đơn ở cữ của mình để giúp tăng khả năng sản xuất collage, thúc đẩy quá trình tái tạo sản sinh tế bào mới trong cơ thể. Các nhóm vitamin thường có trong các loại trái cây, rau củ.
- Hạt và hạt có vỏ: Hạt như hạt hướng dương, hạt hạnh nhân, hạt óc chó, hạt chia, hạt bí… cung cấp nhiều chất dinh dưỡng như chất béo omega-3, vitamin, khoáng chất và chất xơ, giúp cung cấp năng lượng và hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
- Thực phẩm giàu canxi: Canxi là một chất dinh dưỡng quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe xương của mẹ và bé. Các nguồn canxi tốt bao gồm sữa và sản phẩm từ sữa không béo, cà chua, hạt chia, hạt bí, hạt hướng dương.
- Thực phẩm giàu sắt: Sau sinh cơ thể mẹ mất khá nhiều máu nên trong thời gian ở cữ nên ăn nhiều thực phẩm giàu sắt như thịt bò, thịt gia cầm, các loại gan động vật, nghêu, sò, cá, rau màu xanh đậm…
- Thực phẩm giàu chất xơ: Để giúp hoạt động tiêu hóa của mẹ sau sinh hoạt động trơn tru hơn, tránh táo bón thì nên bổ sung thêm nhiều thực phẩm giàu chất xơ có trong hầu hết mọi loại rau xanh.
Cần đa dạng chế độ dinh dưỡng sau sinh, không kiêng khem quá mức
Một số thực phẩm nên tránh khi ở cữ
Trong quá trình ở cữ, mẹ bỉm cũng cần tránh tiêu thụ những thực phẩm sau đây:
- Đồ ăn cay nóng, có mùi, nhiều gia vị rất dễ làm ảnh hưởng tới mùi sữa mẹ, tăng mùi hôi cơ thể.
- Thực phẩm có cafein như cà phê, trà xanh… dễ khiến mẹ và bé bị mất ngủ, kích thích.
- Thực phẩm sống, lên men như cà muối, dưa muối,… mẹ ở cữ cũng không nên ăn để tránh bị nhiễm ký sinh trùng gây bệnh.
- Thức ăn quá mặn, khô dễ gây tăng huyết áp, ảnh hưởng đến thận của mẹ sau sinh.
- Hải sản cũng là thực phẩm mẹ ở cữ nên tránh mặc dù giàu đạm, canxi, omega – 3 nhưng lại chứa nhiều thủy ngân, chất gây ô nhiễm nếu ăn nhiều dễ gây ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ.
- Thức ăn nhiều dầu mỡ dễ gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, khó tiêu cũng như làm tăng cân.
- Rượu bia, chất kích thích cũng không nên có trong thực đơn ở cữ của mẹ sau sinh để không làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa, tinh thần và sức khỏe của chị em.
- Rau muống, thịt bò, lòng trắng trứng, gạo nếp là những thực phẩm mẹ sau sinh mổ không nên ăn vì dễ gây sẹo lồi, mủ ở vết mổ.
Kết luận
Trên đây là những thông tin giải đáp về việc ở cữ sao cho khoa học mà các mẹ sau sinh có thể tham khảo. Có thể thấy, ở cữ cũng là một khoảng thời gian cũng sẽ khó khăn, áp lực với nhiều mẹ sau sinh nên cố gắng giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ để cơ thể nhanh chóng phục hồi, cũng như giúp con yêu phát triển tốt hơn thông qua nguồn sữa mẹ chất lượng nhé.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.