Cách phòng ngừa các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch còn non nớt và sức đề kháng yếu nên dễ mắc bệnh. Các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh phần lớn không quá nguy hiểm cho tính mạng nếu trẻ được theo dõi và điều trị kịp thời, chính vì vậy ba mẹ vẫn cần nắm bắt thông tin, nhận biết những triệu chứng điển hình để chủ động xử lý kịp thời và tránh hậu quả đáng tiếc.
1. Tầm quan trọng của việc phòng ngừa các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh với hệ miễn dịch còn non nớt, sức đề kháng yếu và chưa thích nghi được với môi trường bên ngoài nên trẻ sơ sinh thường dễ mắc bệnh. Phần lớn các chứng bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh không nguy hiểm tính mạng có thể xử trí tại nhà nhưng các bậc cha mẹ phải biết được nguyên nhân, những dấu hiệu cảnh báo để có thể xử trí, tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Nhận biết các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh là bước đi cần thiết để bảo vệ sức khỏe và đảm bảo sự phát triển tối ưu cho trẻ.
Trẻ sơ sinh với hệ miễn dịch còn non nớt
2. Các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh
Các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh thường được phân loại thành các nhóm như:
- Các bệnh về đường hô hấp
- Các bệnh ngoài da
- Những vấn đề về tiêu hóa
Bệnh về đường hô hấp
– Cảm lạnh: Thường là do virus, dị ứng thời tiết, bụi bẩn,… Trẻ bị bệnh thường gặp phải một số triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, thở khò khè,…
– Nấc cụt: Rất dễ gặp khi trẻ mới chào đời. Triệu chứng là trẻ thường nấc liên tục, mỗi lần nấc khoảng 3 phút và tần suất khoảng 3 lần mỗi ngày.
– Nhiễm trùng đường hô hấp: bao gồm các bệnh truyền nhiễm ở đường hô hấp trên hoặc dưới do virus gây ra:
- Nhiễm trùng đường hô hấp trên bao gồm cảm lạnh thông thường, viêm thanh quản, viêm họng/viêm amidan, viêm mũi cấp tính, viêm mũi xoang cấp tính và viêm tai giữa cấp tính.
- Nhiễm trùng đường hô hấp dưới bao gồm viêm phế quản cấp tính, viêm tiểu phế quản, viêm phổi và viêm khí quản. Đây là những bệnh trẻ sơ sinh thường gặp.
Triệu chứng nhận biết nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ sơ sinh:
- Nghẹt mũi, sổ mũi;
- Sốt với nhiệt độ cao khoảng 38,3 đến 38,9° C, thường gặp ở trẻ nhỏ hoặc những bé bị cúm;
- Ngứa họng và ho, có thể kéo dài đến 14 ngày. Một số trẻ có thể tiếp tục ho trong nhiều tuần sau khi nhiễm trùng đường hô hấp đã khỏi;
- Chán ăn, thờ ơ và cảm giác ốm yếu;
- Tỏ ra cáu kỉnh, khó chịu và quấy khóc.
Trẻ sơ sinh dễ mắc bệnh về đường hô hấp nguy hiểm cần khám sớm và điều trị kịp thời
Các bệnh về da
Trẻ sơ sinh rất dễ mắc các bệnh ngoài da do làn da của bé mỏng manh và nhạy cảm.
– Bệnh vàng da: Căn bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh này được chia thành 2 loại:
+ Vàng da do sinh lý: Do cơ thể tích tụ nhiều bilirubin. Trẻ vàng da nhưng vẫn ăn và ngủ tốt. Sau một thời gian tình trạng này sẽ cải thiện.
+ Vàng da bệnh lý: Có thể vì những nguyên nhân như bệnh gan, tắc mật hay nhiễm trùng. Nếu tình trạng này kéo dài hơn 3 ngày, mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm.
Cần theo dõi để phân biệt vàng da sơ sinh sinh lý hay vàng da bệnh lý
– Mụn sữa: Nguyên nhân có thể do ảnh hưởng từ nội tiết tố của mẹ, do da trẻ quá mỏng, yếu hoặc cũng có thể do bệnh phì đại tuyến bã. Một số triệu chứng bệnh là những nốt mụn nhỏ mọc nhiều trên da và kèm theo hiện tượng sưng tấy da.
– Viêm da tiết bã: Có thể do môi trường ẩm ướt hay liên quan đến di truyền. Triệu chứng của bệnh là những vảy nhờn dính xuất hiện ở đỉnh đầu hay mông của trẻ. Thường gặp ở những trẻ 2 tuần tuổi trở lên.
– Chàm Eczema: Nguyên nhân là do tăng tiết bã nhờn hoặc do di truyền hay do trẻ tiếp xúc nhiều với lông động vật. Triệu chứng của bệnh là ngứa, da nổi mụn nước và có phản ứng kích ứng khi cho trẻ tiếp xúc với chất tẩy rửa.
– Rôm sảy: Hay gặp vào mùa hè. Nguyên nhân gây bệnh là do trẻ tiết mồ hôi nhiều. Triệu chứng của bệnh là những mụn nước nhỏ nổi trên da mặt, tay, lưng và cổ của trẻ.
– Hăm tã: Nguyên nhân thường do mẹ cho trẻ dùng tã nhiều và chưa vệ sinh đúng cách. Tùy cấp độ mà triệu chứng hăm tã ở trẻ sẽ có sự khác biệt. Trẻ có thể xuất hiện vết ửng đỏ hoặc có thể bị rộp nước vùng bẹn hay mông khiến trẻ rất đau.
Hăm tã, chàm sữa và rôm sảy là một trong số các bệnh phổ biến thường gặp ở trẻ sơ sinh
Những vấn đề về tiêu hóa
– Nôn trớ, sặc: Có thể do mẹ cho bú sai cách, bú quá nhiều, nằm khi vừa bú xong hoặc cũng có thể là do các bệnh về đường tiêu hóa. Triệu chứng thường gặp là trẻ bị trớ ra sữa màu vàng hay trắng.
– Tiêu chảy: Có thể do chế độ dinh dưỡng của mẹ hoặc do trẻ bị nhiễm trùng đường tiêu hóa. Khi bị tiêu chảy, trẻ thường gặp phải những triệu chứng như đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, mùi tanh, nghiêm trọng hơn là có máu trong phân.
– Táo bón: Có thể do chế độ ăn của mẹ nhiều đồ cay nóng hoặc do trẻ không hợp sữa công thức. Triệu chứng bệnh là hơn một ngày trẻ mới đi ngoài và phân của trẻ khô, rắn, trẻ thường phải rặn khi đi ngoài.
Các bệnh về đường tiêu hóa là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh
Một số căn bệnh phổ biến khác
– Nhiễm khuẩn rốn, polyp rốn,… có thể gây nguy hiểm cho trẻ.
– Tưa lưỡi: Nguyên nhân là do virus hay vi khuẩn. Bệnh gây ra những vết loét hay mảng trắng ở lưỡi khiến trẻ bỏ bú, biếng ăn.
– Rốn lồi: Do thoát vị rốn. Khi bị bệnh, rốn của trẻ lồi ra khá rõ nhưng không gây đau.
– Huyết tán: Nguyên nhân là do không có sự tương thích giữa máu của mẹ và thai nhi. Triệu chứng thường gặp của bệnh là tình trạng vàng da.
– Sụt cân tuần đầu sau sinh: Có thể do trẻ bị mất nước qua da và thường xuyên đi tiểu
– Viêm kết mạc: Do trẻ không được vệ sinh tốt hoặc lây nhiễm bệnh từ mẹ như bệnh lậu, chlamydia,… Triệu chứng thường gặp là hai mi của trẻ sưng lên, chảy nước mắt,..
3. Cách phòng ngừa các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh
Để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh cho trẻ sơ sinh, cha mẹ cần lưu ý:
– Chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh đúng cách.
– Tắm rửa, vệ sinh đúng cách cho trẻ. Đảm bảo giữ vệ sinh cho trẻ và thường xuyên vệ sinh không gian sống của trẻ.
– Theo dõi trẻ mỗi ngày. Nếu phát hiện các tình trạng vàng da hay hô hấp bất thường cần đưa trẻ đi khám kịp thời
– Đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho trẻ.
– Nên cho trẻ bú sữa mẹ. Không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm để tránh gặp phải những bệnh lý về đường tiêu hóa.
– Khi trẻ bị bệnh cần đưa trẻ đi khám sớm và điều trị kịp thời, tránh kéo dài để bệnh chuyển sang mạn tính.
Kết luận
Việc chăm sóc và phòng ngừa bệnh cho trẻ sơ sinh đòi hỏi sự cẩn thận và quan tâm đặc biệt từ các bậc phụ huynh. Bằng cách hiểu rõ các bệnh thường gặp và cách phòng tránh, chúng ta có thể bảo vệ bé yêu khỏi những nguy cơ tiềm ẩn. Hãy nhớ vệ sinh rốn và tắm rửa đúng cách, tiêm chủng đầy đủ và cho trẻ bú sữa mẹ để tăng cường hệ miễn dịch. Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy đưa trẻ đến bác sĩ ngay lập tức để được thăm khám và điều trị kịp thời. Chăm sóc đúng cách sẽ giúp bé phát triển khỏe mạnh và hạn chế bệnh tật.