Phòng dịch COVID-19 không dùng khẩu trang y tế?
Dịch COVID-19 manh nha trở lại nước ta sau một thời gian dài đã dấy lên hiện tượng mua khẩu trang y tế ồ ạt tại các nhà thuốc. Viễn cảnh khan hiếm khẩu trang như cách đây hơn 4 tháng có thể xảy đến một lần nữa. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn?
Kì nghỉ Tết âm lịch 2020 đã trở thành kì nghỉ dài nhất lịch sử với học sinh, sinh viên Việt Nam. Cũng vào giai đoạn khó khăn đó của dịch bệnh, khẩu trang y tế dành cho cán bộ, nhân viên y tế bị thiếu hụt trầm trọng. Chính những y, bác sĩ, điều dưỡng… tiếp xúc trực tiếp với người bệnh và có nguy cơ lây nhiễm cao nhất lại không có đủ khẩu trang y tế để sử dụng.
Bác sĩ Trần Xuân Bách (Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương) đã từng kêu gọi: “Không nên vì chống giặc mà mỗi người dân tích trữ riêng cho mình vài ba “viên đạn” trong khi “súng” của bộ đội lại đang hết đến những viên đạn cuối cùng. Như ở đây là đã bắt đầu phải dùng đến đạn nhựa ở súng đồ chơi trẻ con. Đừng để bộ đội đánh giặc bằng đạn giấy.”
Sẽ thế nào nếu viễn cảnh ấy xảy ra một lần nữa? Với đợt bùng phát dịch mới này, chúng ta đã có những kinh nghiệm và hiểu biết nhất định về cách phòng chống dịch bệnh như thói quen rửa tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc…
Nhưng dường như vấn nạn mua khẩu trang y tế ồ ạt vẫn chưa được cải thiện. Ngày 29/3/2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1444/QĐ-BYT để hướng dẫn lựa chọn và sử dụng khẩu trang, theo đó có 4 loại khẩu trang dành cho các đối tượng có nguy cơ khác nhau:
Khẩu trang y tế N95 hoặc tương đương
- Kỹ thuật viên xét nghiệm
- Nhân viên y tế
- Người tiếp xúc trực tiếp để khám, điều trị, chăm sóc người bệnh Covid-19 Khẩu trang y tế
- Cán bộ y tế làm việc ở khu vực có khả năng lây nhiễm và tiếp xúc nhiều với người bệnh Khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn
Khẩu trang 870
- Cán bộ y tế làm việc ở những nơi ít nguy cơ
- Người tham gia phòng chống dịch
- Người bệnh trong cơ sở điều trị bệnh không lây nhiễm
- Người phục vụ ở các khu vực công cộng (lễ tân, bãi xe, sân bay, cửa khẩu…) Khẩu trang vải thông thường: Người khỏe mạnh ở khu vực ít nguy cơ lây nhiễm.
Cũng theo nghiên cứu về so sánh lượng giọt bắn khi đeo các loại khẩu trang được công bố trên tạp chí Thorax mới đây, các nhà khoa học tại Viện Kirby (Úc) đã kết luận việc sử dụng một khẩu trang vải có nhiều hơn 1 lớp là đủ khả năng bảo vệ gần như tương đương với khẩu trang y tế và có thể hạ rủi ro xuống hơn 67%.
Thế nên, mọi người không cần bất chấp tất cả để có được khẩu trang y tế, trong khi khẩu trang vải đã có thể bảo vệ bạn khỏi nguy cơ lây nhiễm virus từ giọt bắn. Chưa kể khả năng bảo vệ của khẩu trang cũng còn phụ thuộc vào việc đeo khẩu trang có đúng cách hay không.
Hơn hết, việc đeo khẩu trang, bất kể là khẩu trang y tế, cũng trở nên vô nghĩa nếu như không thực hiện các biện pháp phòng dịch cơ bản khác như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, hạn chế tiếp xúc gần, vệ sinh các bề mặt… Trước tình hình các ca nhiễm mới xuất hiện ở nhiều địa phương hiện nay, ta có thể tiếp tục tin tưởng với những kinh nghiệm thực tiễn của lực lượng y tế và đội ngũ phòng chống dịch vừa qua, Việt Nam sẽ hạ gục Covid lần nữa.
Điều đó sẽ cần sự đồng lòng rất lớn của tất cả người dân Việt Nam trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, đặc biệt là nâng cao nhận thức trong việc sử dụng khẩu trang. Hãy trở thành hậu phương vững chắc cho lực lượng y tế, vì “Chính sự an toàn của nhân viên y tế giúp bảo đảm cho sự an toàn của cộng đồng”, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.